Có người vợ vốn ăn đòn chồng như cơm bữa bỗng một ngày nhận ra anh ta không còn dám động đến mình, sau một cú sốc mà chị gây ra.
ảnh internet
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga cho biết người vợ này đã nhẫn nhục chịu đòn của chồng suốt mười mấy năm, dù cả hai đều là dân trí thức. Để con cái khỏi lo buồn, chị cắn răng nhẫn nhịn, nhưng sự “biết điều” đó chẳng làm anh chồng nhẹ đòn đi một chút.
Một ngày, trước một việc làm quá quắt của chồng, người phụ nữ ấy phẫn nộ đến mức quên cả sợ hãi. Trong cơn điên giận, chị vừa gào lên vừa lao vào đấm đá, cấu xé chồng. Chị đánh tới tấp, mắng sa sả với sức mạnh chưa từng có, trong khi ông chồng cứ trố mắt chịu trận, choáng đến mức không thể phản ứng dù anh ta vẫn khỏe hơn vợ rất nhiều.
Rồi người vợ nhận ra là sau hôm đó, chồng không đánh mình thêm một lần nào nữa. Không biết vì anh ta sợ bị “phản đòn” hay vì bất ngờ nhận ra một nét tính cách tiềm ẩn của vợ khiến anh ta không thể tiếp tục dùng chị làm “bao cát” cho mình. Nhưng sự thay đổi chắc chắn bắt nguồn từ cú sốc đó, khi anh ta đờ người mặc cho vợ đấm đá.
Chuyện tương tự cũng xảy ra với Hồng Ngân, sống ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Cô gái này bị chồng đánh từ hồi chưa cưới, nhưng vì trót “ăn ở” với nhau nên không dám bỏ. Dĩ nhiên là sau khi làm vợ, cô càng ngày càng bị chồng “tẩn” dữ hơn, đến mức đến bố mẹ chồng đôi khi cũng phải xót ruột mà can giúp. Một ngày sau khi cưới khoảng 6 năm, khi Ngân đi làm về, anh chồng hầm hầm chửi “đồ mẹ ngu không biết dạy con” rồi vung tay phang một tát. Không kịp xoa má, cô hớt hải chạy vào xem con, thấy nó bị bố đánh mặt mũi sưng vù, môi rỉ máu, lưng và mông rách tướp bởi những vết roi đỏ. Thằng bé nằm thoi thóp, nhìn mẹ mà khóc không nổi nữa.
Xót con, người mẹ trẻ rú lên thê thảm, lao vào bếp lấy cái chày, lăn sả vào chồng mà nện. Mặc cho anh ta vừa mắng chửi, đe dọa vừa đánh lại, Ngân vẫn ra tay quên cả sống chết: “Anh định giết con tôi à? Tôi giết anh. Đồ man rợ. Tôi không tha cho anh!”. Kể từ lần đó, số lần đánh vợ của chồng Ngân giảm hẳn. Cô nhận ra anh ta cố gắng kiềm chế mỗi khi giận dữ. Thế rồi Ngân cũng dần dần không sợ chồng nữa, chấm dứt chuyện chịu lép một bề.
Thoát nạn nhờ món trứng vịt lộn
Cách đây không lâu, có người kể trên trang mạng xã hội câu chuyện một người thân của mình làm dâu bên Hàn Quốc. Chỉ vì một lần quên nêm gia vị vào món ăn, cô chị chồng và nhà chồng đánh rất đau và kể từ đó, họ luôn đánh cô mỗi lần không vừa ý, mỗi ngày một dã man hơn.
Nàng dâu tội nghiệp được giao nhiệm vụ mỗi ngày nấu cho nhà chồng một món ăn Việt, nếu họ hài lòng thì hôm đó sẽ được yên thân, nếu bị chê thì dĩ nhiên là lại ăn đòn. Sau một thời gian, vốn liếng nấu ăn đã cạn, cô không còn nghĩ ra được một món nào khác ngoài trứng vịt lộn. Thiếu phụ này vẫn biết, trứng vịt lộn là món ăn “độc” của người Việt, người nước ngoài rất sợ món này, nhưng nếu không có món mới thì cầm chắc hôm đó sẽ bị hành hạ nên cô vẫn liều mình đi mua trứng về luộc.
Khi những quả trứng vịt trông rất bình thường được nàng dâu bóc vỏ, cả nhà chồng kinh hoàng nhìn thấy bên trong là hình hài những chú vịt con. Thấy thế, cô gái Việt sợ quá, ra sức giải thích rằng ở Việt Nam, đây là món ăn rất thông dụng và bổ dưỡng. Và để chứng minh, cô rắc các gia vị và ăn ngon lành quả trứng vịt lộn trước cặp mắt kinh dị của gia đình chồng.
Một thời gian sau, cô gái nhận ra mình đã không còn bị đánh đập nữa. Cô hỏi chồng lý do và được biết, sau hôm cô “đãi” món trứng vịt lộn, ông bố chồng đã rỉ tai con trai rằng: “Đừng có đánh nó nữa, kẻo đến bước đường cùng thì nó dám ăn thịt cả nhà mất”. Sự hiểu lầm liên quan đến nét khác biệt về văn hóa ẩm thực trong trường hợp này đã đem lại lợi ích, nó cứu cô dâu Việt khỏi cảnh bạo hành.
Trên đây dù chỉ là những câu chuyện cá biệt nhưng nó cũng nói lên một điều, các ông chồng chỉ quen tay đánh vợ khi nghĩ rằng người vợ không dám, không có khả năng phản kháng. Chính vì thế, cho dù được người nhà, hàng xóm, cơ quan đoàn thể, chính quyền… cứu giúp bằng cách lôi anh chồng ra khuyên nhủ, giáo dục, người vợ may lắm cũng chỉ được yên thân một thời gian ngắn mà thôi. Không ai có thể cạnh 24/24h để bảo vệ họ.
Hồng Ngân chia sẻ: “Tôi nghe nói ở Hà Nội có nhà tạm lánh và những lúc bị chồng đánh, tôi vẫn nghĩ đến nó. Nhưng giờ thì tôi nghĩ rằng, tôi không thể ở đó cả đời và khi quay trở về, anh ta sẽ lại đánh tôi. Tôi sẽ không để anh ta làm thế nữa”.
Quả thật, sẽ không có chốn nào cho người phụ nữ lánh nạn đến cuối đời nếu ở nơi đó, cô ấy không biết tự bảo vệ mình.