Đàn ông Việt thua đứt đàn ông "tây"?

Thứ năm, 29/03/2012, 10:47
Một xấp báo, tạp chí được bà xã tôi “tha” ở đâu về, vứt trước mặt và nói: “Anh đọc đi. Họ nói các anh đấy”.Tôi giật mình tưởng có vụ tiêu cực, tham nhũng mà tội nhân thường là đàn ông. Ai dè, cũng toàn là các câu chuyện, hình ảnh về mấy cô, mấy bà.

  Đàn ông Việt thua đứt đàn ông "Tây"?


Đó, hễ cứ đẹp, nổi tiếng một cái là đi lấy chồng ngoại. Chẳng thế mà có người hỏi câu nghe rất khó chịu: “Đàn ông Việt “đi đâu” cả rồi?”. Trả lời dễ ợt: “Tại các cô tham giàu. Mà đàn ông giàu cỡ đại gia lấy đâu người trẻ tuổi. Đại gia thường có gia đình rồi. Bây giờ phải đón lấy thế hệ sau: Con đại gia. Mấy cậu đó lại ăn chơi có cỡ, hay thay đổi vì còn nhiều biến đổi trước mắt, chứ không từng trải để biết nhẫn nại, thủy chung. Cũng có đại gia trẻ tuổi. Nhưng đâu phải dễ gì gặp duyên phận”.

 

Bà xã tôi nói: “Đừng có “trốn vào” kết luận là do các cô tham tiền. Bởi đã thành sao thì các cô cũng kiếm ra nhiều tiền, đâu có nghèo. Những cô nghèo thì cũng lấy chồng ngoại nhưng ở đẳng cấp khác: đi lấy Hàn Quốc, Đài Loan, một cách “đại trà”, vớ cả những ông dở người dở thần kinh, trầm cảm… ghê lắm. Tiền nào của ấy, “chồng ngoại bình dân” có khi vô học, thất nghiệp, bệnh hoạn, rồi cả đánh đập giết vợ. Thì chẳng có cảnh các cô bị đánh bị giết đó thôi, nghe mà buốt ruột cả nước. Đó là các cô nghèo, ít học, đánh bài liều như chơi bạc, may ra đổi đời. Còn các cô có sắc có tài, hoa khôi hoa hậu thì lấy chồng ngoại kiểu cao cấp, có học, có tài và tư cách đạo đức lại hơn hẳn nhiều ông chồng Việt.

 

Có cô tâm sự: Chồng ngoại cao cấp rất tôn trọng vợ, kể cả nhiều cô vợ có một quá khứ không mấy hay ho. Những cô đã gãy đổ vẫn lấy chồng trai tân, giám đốc, chuyên gia, kiếm tiền nhiều, đẹp trai, mà không thắc mắc gì chuyện quá khứ của vợ. Chứ lấy mấy ông Việt Nam, mình như tù binh tinh thần, thất thế, suốt đời phải chịu lép vế. Đấy, có ông vừa “trả vợ”, vì lý do không còn trinh, nghe như trả món hàng… Mà dư luận lại ủng hộ ông chồng, ì xèo cho rằng anh đàn ông “thiệt” khi lấy cô vợ đã qua một đời chồng. Xã hội lại nhìn mấy cô mấy bà để cho chồng phục vụ mình là loại đàn bà hư hỏng không ra gì. Các cô gái khác “tấn công” ngay, mất chồng như chơi. Lúc đó thì xã hội lại lên án bà vợ: Có chồng như thế không chịu hầu hạ để giữ chồng, mất là phải…

 

Chưa kể có nhiều ông chồng chẳng chịu làm ăn gì, sáng say chiều xỉn, chẳng giúp việc nhà, còn chèn ép vợ con trong gia đình.

 

Tôi nói: “Đàn ông cũng đâu có ba đầu sáu tay. Tục lệ nước ta là đàn ông phải lo đi kiếm tiền. Ông nào không giỏi món này thì coi như… vứt đi. Thế cho nên chúng tôi chỉ có một nỗi lo và chỉ rèn luyện mỗi chuyện sao cho kiếm được tiền. Còn không thì cũng coi như… vứt. Mà có phải ai cũng thành công, thành đạt cả đâu? Xã hội ta cứ “biệt phái” phân biệt phân tuyến ra giữa đàn ông và đàn bà như thế nên mới nhiều bi kịch. Bây giờ các bà các cô cũng đâu có tề gia nội trợ giỏi gì đâu, cho nên phải thông cảm có cả đàn ông giỏi hẳn hoi mà không kiếm ra tiền.

 

Bà xã tôi lại dẫn chứng rất nhức nhối: “Ông chồng người Pháp của nhỏ bạn em nấu ăn rất ngon. Mỗi khi vợ ốm đau, anh ta chăm sóc ghê lắm. Sinh nhật, lễ tết còn tìm mua hoa và quà tặng vợ. Cứ như thuở ban đầu…”.

 

Không biết có phải cô ấy trách khéo tôi không. Tôi coi chuyện sinh nhật với tặng hoa ấy cứ… sến sến thế nào. Thành ra tôi chẳng bao giờ làm. Mà cũng lỗi tại cô ấy cứ nói: “Em cũng có cần gì lễ lạt quà cáp đâu. Vẽ vời ra thấy ngượng quá. Cứ mua về cái gì cho cả nhà cùng ăn là được”. Tôi bối rối, chẳng biết theo ta hay theo Tây, làm sao cho vừa lòng các bà vợ, để bả đừng chê đàn ông Việt Nam.

 

 Theo dantri

 

Các tin cũ hơn