Bước sa chân vào game online của cậu bé 14 tuổi

Thứ tư, 28/03/2012, 15:34
Chỉ vì đam mê game, “say” những thành công dễ dàng trong thế giới ảo, N.A.S đã có những hành vi phạm pháp: bỏ học bỏ nhà, trộm cắp vặt.

Các tin khác

>> Lạc vào thế giới “trai bao”
>> Thân phận đời… les
>> Nỗi niềm mưu sinh của những đứa trẻ phố Tây


Chỉ vì đam mê game, “say” những thành công dễ dàng trong thế giới ảo, N.A.S (phường Ba Đình, TX Bỉm Sơn, Thanh Hoá) đã có những hành vi phạm pháp: bỏ học bỏ nhà, trộm cắp vặt. Đến khi cậu bị đội Vây bắt tội phạm và gìn giữ an ninh trật tự phường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) bắt giữ, S. mới ân hận “làm lại từ đầu, với em, thật khó biết bao”.

10 ngày đi bụi

Người mẹ vội vã bắt xe khách ngay trong đêm từ Thanh Hoá ra Hà Nội sau khi có thông báo của Công an phường Trương Định về việc con trai chị bị bắt tạm giam về hành vi trộm cắp tài sản trên địa bàn phường. Sợ con đói rét, chị chuẩn bị sẵn mấy gói bánh để trong cái làn cũ kỹ, thêm mấy bộ quần áo mặc nhà mang ra cho con.

Nước mắt chị rơi khi nhìn thấy S. gầy gò, xanh xao ngồi trong phòng xét hỏi xót xa: “Hồi tiểu học, cháu còn là học sinh giỏi ở trường. Game tràn về, cháu sa vào nghiện game rồi bỏ nhà đi, sống hoang dã và trở nên hư hỏng. Tôi không dạy dỗ được nữa”.

Ăn Tết xong, thằng con chị đang học lớp 7, đòi bỏ học để lên phố làm ăn. Chị đồng ý, với điều kiện đi cùng người anh họ tên T. để anh ấy “giám sát” quản lý. Nhưng S. chỉ ở cùng anh được 13 ngày, công việc bốc vác mệt nhọc chỉ kiếm được mấy chục nghìn mỗi ngày khiến cậu nhanh chóng chán nản. S. bỏ việc, bỏ nơi ở, “tá túc” tại quán net bằng chút tiền mà mẹ dúi cho trước khi ra Hà Nội.

Trốn nơi làm, trốn anh bỏ vào quán game chơi, S. miệt mài, say sưa với những trò mụ mị thâu đêm suốt sáng. Lúc đói, S. chỉ mua ít quẩy ăn tạm, còn mấy chục nghìn, cậu “để dành” mua thẻ game. Đến khi tiền mua thẻ cũng hết, không biết kiếm đâu ra tiền, người ta mới đuổi cậu ra khỏi quán. Ngày 25/2, đang lang thang dọc tuyến phố Trương Định, ngang qua cửa hàng thời trang của chị Huyền (số 474 Bạch Mai), S. nhìn thấy một chiếc xe đạp không khoá ở ngoài cửa.
 

Bên trong, mọi người đang loay hoay thử quẩn áo. S. nhanh mắt ngó nghiêng, chẳng ai để ý cả! Cậu thản nhiên dắt chiếc xe đạp đi. Nhưng không may cho cậu, vừa chạy được một đoạn, chủ cửa hàng phát hiện hành vi trộm cắp, đã tri hô. Anh Phạm Văn Hợp - thành viên đội Vây bắt tội phạm phường Trương Định đang bán nước cạnh đó lao theo bóng loắt choắt của cậu nhóc hớt hải đạp xe về phía ngã tư Trương Định. Nhanh như chớp, S. bị tóm gọn cùng với tang chứng, áp giải lên phường xử lý.

Tại trụ sở công an phường Trương Định, khuôn mặt S. non choẹt, khoác trên mình bộ đồng phục học sinh, đôi mắt sợ sệt nhìn các đồng chí công an. Cậu bé khai vòng vo: tên S, 14 tuổi, mồ côi, sống lang thang trên sông (không rõ sông nào) thuộc tỉnh Thanh Hoá. Nhưng sau một hồi điều tra, xác minh thông tin, S. đã thành thật khai nhận tên N.A.S, sinh năm 1998, mẹ tên là N.T.T, trú tại khu 7, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá. Đây không phải là vụ trộm đầu tiên của S. từ khi cậu dạt ra Hà Nội. Cách đây 1 tháng, S. đã trộm túi xách của một người dân trên địa bàn phường, lấy đi chiếc điện thoại Nokia 1202 để đổi lấy 2 thẻ game Đột kích.

Tiền sử bỏ học, trộm cắp vì nghiện game

Đây không phải lần đầu S. dạt nhà đi bụi. Cách đây 2 năm, S. bị cuốn vào ma lực của game dẫn đến bỏ học, nướng hết thời gian và tiền của vào đột kích. Hết tiền, cậu lại lấy hết đồ của nhà đi bán, trộm tiền mẹ và liên tục bỏ nhà đi chơi game.

Từ khi học lớp 5, giao du với đám bạn xấu, S. vướng vào ma trận của đột kích sau một lần cùng bạn ra quán net chơi. Một cậu bé 14 tuổi không đủ bản lĩnh để vượt qua sự cám dỗ đầy màu hồng của những trò vui trên thế giới ảo.

Từ một học trò ngoan, học giỏi, S. “biến” mình thành một đệ tử sống chết gắn bó với game. Mấy hôm đầu cậu dành tiền quà sáng để chơi game, sau nghiện, sự lên đời, lên cấp, dễ dàng đạt những chiến thắng vang dội, S. bỏ bê học hành, mải miết theo những trận chiến và những lần lên cấp. Không có tiền, S. lén lút lấy tiền của mẹ, trộm đồ của gia đình đem bán để nướng vào game. Có lần, cậu lấy trộm 8 triệu đồng của mẹ để nướng sạch vào mua thẻ game, trả nợ chỉ trong vòng... 1 đêm.

Bạn bè của S. rất đông nhưng chủ yếu là trên thế giới ảo, phục vụ cho những cuộc chiến đột kích của mình. Bạn thân nhất của cậu là Hoà - cũng là cao thủ game Đột kích. Gia đình Hoà giàu có, nhưng hạnh phúc rạn vỡ: mẹ đi làm gái, bố bỏ đi lấy vợ khác, anh trai là “đầu sỏ” trong nhóm bạn hư của trường.

Hòa thù ghét mẹ. Mẹ S. không khuyên được con đã nhờ đến sự can thiệp của chính quyền. Cách đây 1 tháng, S. xin mẹ bỏ học đi làm thêm để “kiếm tiền về nuôi mẹ”. Nhưng được 1 tháng, S. đã thấy cuộc sống quá khốn khổ, chán cảnh làm thuê, khác hoàn toàn với cuộc sống ảo trên mạng. Cậu thất vọng và tìm game để tạo niềm vui cho mình. Không có tiền, không muốn đi làm, chỉ có trộm là cách nhanh nhất để thoả mãn nhu cầu tiền bạc của cậu học trò tuổi vị thành niên.

Chỉ vì thương con?

Ai cũng bảo chị N.T.T - mẹ S. là người đàn bà khổ, bởi cuộc đời bà là những chuỗi ngày đầy nước mắt. Lấy chồng ở tuổi hai mươi, sinh một cậu con trai kháu khỉnh nhưng hạnh phúc nhanh chóng vụn vỡ khi người chồng vội vã bỏ chị để sống cùng người đàn bà khác. Một mình lam lũ nuôi con, đến năm nó 15 tuổi, chỗ dựa tinh thần lớn nhất của chị cũng bỏ chị mà đi, không lời nhắn nhủ. Hơn 3 năm trời đằng đẵng, chị đi khắp nơi tìm con, hết Gia Lai, Đắc Lắc đến Kon Tum, hễ ai mách ở đâu, chị đều tìm đến.

Không có tiền, chị bán đất bán nhà đi tìm con nhưng vẫn bặt vô âm tín. Thất vọng, mệt mỏi, đuối sức! chị gần như gục ngã. Chỉ có cách nhận một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà, tìm lại hình ảnh cậu con trai của chị ngày xưa mới cứu rỗi trái tim chị. Hành trình “xin con” của chị cũng có kết quả. Lê la ở bệnh viên, chị thấy một cô gái chừng 18 tuổi, đang mang bầu 7 tháng đang có ý định phá bỏ cái thai. Chị khuyên cô gái giữ lại đứa bé, chị sẽ nhận nuôi đứa bé và làm giấy khai sinh như con ruột. Chị yêu đứa bé như yêu chính cuộc đời mình, bù đắp và dành trọn tình yêu cho đứa con trai ruột của chị hết cho đứa bé mà chị đã giành lấy nó trước ngưỡng cửa của thần chết.
 


 

Bảy năm S. đi học là cả 7 năm chị ngày ngày đưa đón con về. Ngần ấy năm, chị lo cho con từng bữa cơm, giấc ngủ. Có lần, S. than thở với mẹ là thấy xấu hổ vì toàn phải đi xe đạp, chị “vét” hết số tiền dành dụm để mua chiếc xe máy 82 cũ đèo con đi cho “bằng bạn bằng bè”. Kể cả khi S. mang tội với mẹ, nhìn thấy con nũng nịu, đòi yêu thương, chị không đành lòng quát tháo nó. Hết lớp 5, S. hay bỏ học, chị trằn trọc, thao thức khiến cơ thể ngày càng suy nhược. Mẹ khuyên nhủ, nhắc nhở, quát tháo, S. một dạ hai vâng, nhưng ngay sau đó, cậu lại “chứng nào tật nấy”. Hằng ngày đưa con đến trường, chị lại nhờ cô giáo quản lý giúp.

Ai cũng thương cảm cho người mẹ hết lòng vì con cái. Cách đây 2 năm, con trai ruột của chị bỗng trở về sưởi ấm thêm trái tim người mẹ mòn mỏi. Thấy S. là con nuôi, lại hư hỏng, ham chơi, người anh mắng chửi, đánh đập, khiến S. càng xa cách mẹ. Không quản lý được nữa, chị nhờ đến chính quyền địa phương quản lý.

Nước mắt người mẹ cứ thế rơi. Có lẽ, giờ đây, khi ngồi đối diện với con, với cơ quan công an, chị đang tiếc nuối, bởi chị thương con quá, có khi nào tình thương đó làm cho con trở nên hư hỏng. Đưa S. về nhà rồi có ngày con cũng bỏ nhà đi bụi, không chết vì nghiện, vì bị đánh đập cũng dính vào tệ nạn xã hội. Chỉ có cách đưa con vào trường giáo dưỡng để giáo dục, quản lý một thời gian, chị mới không mất đi đứa con của mình.

Theo anh Dương Văn Hùng, Cảnh sát hình sự, Tổ cảnh sát hình sự, Công an phường Trương Định, N.A.S. là trẻ vị thành niên, ham mê điện tử, đã có hành vi trộm cắp trên địa bàn phường. Đối tượng đang thuộc diện quản lý 163 của CA phường Ba Đình (TX Bỉm Sơn, Thanh Hoá) CA phường Trương Định đã phối hợp với CA phường Ba Đình và gia đình để có hình thức xử lý, quản giáo phù hợp.
 

Theo ANTĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích