Đám cưới khác biệt
Về đám cưới của hai cô gái trẻ măng ở Hà Nội, đọc thấy bình luận trên các diễn đàn mạng đều tỏ ý thông cảm với cuộc hôn nhân khác biệt này. Tuy nhiên, kèm theo sự thông cảm bao giờ cũng là "Tiếc cho bước chân lạc lối của hai bạn trẻ đó quá. Nếu mình là mẹ của một trong hai bạn này, mình sẽ khóc hết nước mắt".
Biết là làm sao, khi mà đồng cảm luôn đi kèm với băn khoăn. Bởi có bậc làm cha làm mẹ nào lại không đau lòng khi chứng kiến cảnh con gái mình lại mang lòng yêu một… người con gái khác. Có thể người khác ấy không là con gái về mặt tính tình, nhưng ít ra, thì người khác ấy cũng mang hình thể của phái nữ.
Những người đồng tính nam, khi đã chuyển giới ngồi với tôi nhắc chuyện tình xưa, bao giờ cũng thở dài thảng thốt. Đa phần, những mối tình của họ cùng có chung kết thúc với lý do chia tay là "Mình không mang được hạnh phúc đến cho người mình yêu. Mình có thể chăm sóc cho anh ấy mọi thứ, trọn vẹn nghĩa vợ chồng. Nhưng mình không thể cho anh ấy niềm hạnh phúc của một người cha, điều rất quan trọng. Nên thôi, mình trả anh ấy về lại cuộc sống bình thường, để rồi anh ấy sẽ yêu ai đó có khả năng sinh con cho anh ấy".
Đồng tính nam còn có thể đi chuyển giới để cố tìm lại thân phận mình, dẫu không trọn vẹn như phụ nữ. Nhưng đồng tính nữ, thì biết chuyển giới sao đây. Không lẽ, lại cố gắng biến chuyển mình theo kiểu "phụ nữ có râu" như người phụ nữ chuyển giới nổi tiếng khắp toàn cầu Thomas Beatie.
Chính vì vậy, yêu đương với họ chỉ như là sự an ủi về mặt tình cảm. Yêu ai, họ yêu rất khủng khiếp. Vì, họ ý thức được chuyện kiếm được một người yêu đối với họ là khó khăn đến mức nào. Yêu, là họ nhún nhường mọi thứ, họ kéo hết phần thiệt thòi về phía mình, chỉ với điều kiện duy nhất, người yêu của họ đừng liếc nhìn say đắm bất cứ gã đàn ông nào. Yêu nhiều thì ghen lắm, ghen nhiều thì hận sâu, đơn giản chỉ có thế. Ngay cả bà trùm giang hồ đất Cảng là Dung Hà, khi yêu người phụ nữ nào đó, vẫn có thể tự biến mình thành con mèo ngoan ngoãn thu mình trong vòng tay người tình.
Nguyễn Thị Nga và Trần Tố Như (tên đã được thay đổi - PV) trẻ măng, Nga 21 tuổi, Như 20 tuổi.
Nga làm nghề phục vụ bàn trong quán nhậu ở thị trấn Đầm Dơi. Như là khách hàng quen. Như ngực lép xẹp, ăn vận suốt ngày quần jeans, áo thun cộc tay. Nhà Như nghèo như nhà Nga, quen kiếp ăn nhờ ở đậu.
Có khi nghèo quá, mà cha mẹ Như không chú ý lắm đến sự biến chuyển tâm lý của con gái mình. Chớm 20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái. Như vẫn không son phấn điểm trang, suốt ngày ăn mặc, tụ tập đi chơi cùng đám thanh niên trong xóm.
Một ngày, Như về ngồi bên mẹ, nói rất nhỏ "Mẹ à, con nói thiệt với mẹ là con thương em Nga rồi. Mẹ thương con, thì sang nhà hỏi cưới em Nga cho con, chứ không tụi con sẽ chết cùng nhau". Phát hoảng, sau khi hỏi lại Như cặn kẽ, người mẹ quê khóc hết nước mắt nhưng buộc lòng phải chấp nhận giới tính thật của con mình.
Bà thuyết phục được chồng sang nhà Nga hỏi cưới Nga cho Như. Thương vợ, thương con, ông cũng làm theo yêu cầu quái lạ ấy.
Bấy lâu nay, thấy Nga và Như thân thiết như bóng với hình, ông đã ngờ ngợ điều gì đó, nhưng đến mức đòi kết hôn ở với nhau thì thật lòng ông không bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng, việc đã đến nước đòi sống đòi chết thì ông cũng không biết phải tính làm sao.
Phía gia đình Nga, dường như cũng đã đợi trước ngày này. Hai gia đình gặp nhau, họ thống nhất ngày làm đám cưới. Đương nhiên, vì đám cưới lạ, nên họ chỉ mời người thân đến nhà chúc phúc cho đôi trẻ, họ hoàn toàn không mời người thân.
Vỏn vẹn có 20 người bà con, thêm 3 bàn tiệc nhỏ. Khi mọi người chưa kịp nâng ly chúc mừng, thì cán bộ địa phương xuất hiện. Cán bộ kiên quyết ngăn chặn đám cưới này, lý do, đây là đám cưới không được pháp luật cho phép. Cán bộ ôn tồn giải thích những điểm chưa ổn của đám cưới. Cán bộ nói lý tình đều rõ ràng, nên gia đình hai bên đồng ý hoãn đám cưới. Nói hoãn vậy thôi, chứ chính xác hơn phải gọi là… giải tán.
Cô dâu Nga buồn, "chú rể" Như cũng buồn sau đám cưới bất thành ấy. Họ dùng xe gắn máy, chở nhau rong ruổi hết các tỉnh miền Tây, đêm thì nghỉ lại Sóc Trăng, đêm thì nghỉ ở Cần Thơ… đói ăn, khát uống. Hết tiền thì bán nốt cái điện thoại di động để trang trải lộ phí.
Họ cứ đi và yêu nhau, không cần những ràng buộc của dư luận, những quy định của pháp luật. Đi mỏi, thì nước mắt ngắn dài về lại nhà với cha mẹ.
Cái họ muốn, là một sự thừa nhận về tình yêu đích thực, chứ không phải là mảnh giấy đăng ký kết hôn. Họ thừa hiểu, họ không thể có được mảnh giấy chứng nhận sự bảo hộ của pháp luật về một cuộc hôn nhân được. Họ cũng không cần chuyện ấy.
Về đến quê, Như và Nga quyết định sẽ dắt díu nhau lên Bình Dương làm công nhân để được cùng chung sống. Họ không muốn nghe tiếng xì xầm của láng giềng về mối tình của họ.
Mà chính lời xì xầm ấy, đã đến tai của cán bộ địa phương để biến mâm cơm ra mắt hai họ trở thành lời đàm tiếu.
Đám cưới của một cặp đôi đồng tính nữ gây xôn xao dư luận trong một thời gian. |
Lạc lõng thân phận
Năm 2004, đã có một đám cưới đồng tính nữ diễn ra tại nhà hàng Kỳ Hòa, TP HCM. Đám cưới chỉ có duy nhất người thân của "chú rể" làm chứng. Để quan khách khỏi bất ngờ, một chú rể là phái mạnh thực thụ được mời đến, đứng cạnh cô dâu khi đón khách và làm lễ. Còn "chú rể" thật, thì đang vui mừng cười tít cả mắt ngồi cùng nhóm bạn đợi đến lúc tàn tiệc để rước cô dâu của mình về nhà.
Trên các trang web dành cho người đồng tính, các thành viên còn nhắc nhở nhau về đám cưới đồng tính nữ diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long vào tháng 7/1998. Đám cưới diễn ra trọn vẹn, cô dâu chú rể đều là thôn nữ miền quê. Sau đám cưới, họ có đến UBND xã để đăng ký kết hôn. Tất nhiên, yêu cầu của họ đã bị từ chối. Tính từ thời điểm ấy cho đến giờ là đã gần 14 năm, không biết họ có còn hạnh phúc với nhau không.
Trong làng giải trí Việt, có rất nhiều tin đồn về những mối quan hệ đồng tính nữ, từ nhạc sĩ cho đến ca sĩ. Thậm chí, có tin đồn một nữ đại gia trong ngành thực phẩm từng yêu và bỏ tiền lăng-xê cho nữ ca sĩ leo lên vị trí ngôi sao hàng đầu của giới showbiz. Hay chuyện một nữ nhạc sĩ âm thầm yêu cô ca sĩ nọ. Ca sĩ có bạn trai, nữ nhạc sĩ nhẫn nhục chờ đợi ngày nữ ca sĩ chia tay bạn trai để quay về với mình. Rồi chuyện nữ quản lý có tình cảm với nữ ca sĩ… Có mối quan hệ luyến ái đồng giới là để lợi dụng, cũng có mối quan hệ là dựa trên tình cảm chân thật, tiếc là đa phần thường chỉ xuất phát từ một phía. Nhưng, showbiz là một thế giới khác, tôi không đề cập nhiều đến những trường hợp trong giới này, tôi chỉ muốn nhắc đến những phận người bình thường trong đời sống.
Tuyết Loan, 23 tuổi. Loan là cô con gái rượu của một vị doanh nhân ở quận 5. Hầu như đêm nào, Loan cũng ngồi quán khuya trên đường Cao Đạt, quận 5, TP HCM.
Loan đội mũ lưỡi ngắn, áo sơ mi dài tay không cài khuy, quần jean bó sát, giầy thể thao. Nhìn Loan rất cá tính, hay hay. Cô người yêu của Loan vừa học xong lớp 12, thi hỏng đại học đang ôn thi, cô bé xinh xắn.
Loan ngồi cạnh cô bé, tay đặt trên đùi, đầu nghiêng nghiêng vào vai bạn gái. Ân cần gắp đủ loại thức ăn trên bàn vào chén của bạn gái. Loan uống rượu có pha với nước sting dâu, một loại thức uống pha chế hỗn hợp đang rất thịnh hành trong giới thức đêm ở vỉa hè. Chỉ có Loan uống thứ thức uống ấy, bạn gái Loan phải uống nước ngọt hay nước suối. Loan hay hỏi tôi, mấy anh có bạn gái được, thì tụi em cũng có bạn gái được, lạ lùng gì đâu. Tôi chỉ cười cười, không đáp.
Biết là cái hồi cha mẹ nghi ngờ Loan có vấn đề về giới tính, cha mẹ Loan siết Loan chặt lắm. Để cứu vãn con gái nữ tính hơn, cha mẹ Loan đã mời đến nhà Loan đủ loại thanh niên, từ trí thức thực thụ cho đến trai tráng nam tính để mai mối. Nhưng bất thành. Không chàng trai nào đủ kiên nhẫn ôm hôn Loan khi nghe Loan rủ, đi uống cà phê với bạn gái em không(?!).
Với Loan, chuyện giới tính cũng bình thường như người thuận tay trái, người thuận tay phải.
Còn quá nhiều định kiến dành cho tình yêu của les. |
Mai mối bất thành, cha mẹ Loan chuyển sang kế hoạch cấm vận cô con gái. Mọi khoản tiền dành cho Loan bị cắt sạch. Không có tiền của cha mẹ, thì Loan đi làm để có tiền sinh sống. Đêm nào thích, thì Loan về nhà. Đêm nào không thích, thì ngủ bụi. Có tiền thì xài nhiều, không có tiền thì khỏi xài. Mọi thứ đơn giản như sáng thức dậy sau giấc ngủ đêm là gặp ngay bình minh.
Đừng hỏi Loan về chuyện tương lai. Vì đó là thứ mờ mịt lắm. Ngay cả cái cách Loan chọn để phản ứng lại sự cực đoan (theo cách nói của Loan) từ gia đình đủ biết tương lai của Loan như thế nào. Biết là sẽ tiếc, nhưng còn cách giải quyết nào khác đâu.
Mỗi khi tôi lén nhìn sang bạn gái Loan, nhìn chỉ để nhìn thôi chứ không có ý gì khác. Bao giờ Loan cũng dành cho tôi cái nhìn nghiêm khắc.
Có cô bé pha chế thức uống trong bar, đêm nào đi làm cũng được một cô gái khác chở đi. Cô gái chở cô bé nhìn vào biết ngay là les. Ngồi cà phê với nhau, cô gái ấy luôn lườm lườm tôi, rất kinh. Mà nếu không có việc cần phải gặp để hỏi thêm tư liệu, tôi sẽ không gặp cô bé là nhân viên pha chế ấy. Cảm giác hờn ghen từ đôi mắt cô gái đưa đón cô, đủ giúp mình hiểu tình cảm của cô gái ấy dành cho cô bé kia lớn đến mức nào. Dẫu cho có thể, đó là thứ tình cảm tuyệt vọng.
Tôi biết câu chuyện khác ở trong xóm trọ công nhân thuộc quận Tân Phú, TP HCM. Les và bạn gái làm chung nhà xưởng, mướn phòng trọ ở chung với nhau. Sau giờ làm việc, bao giờ les cũng dành nhiệm vụ đi chợ, nấu ăn để bạn gái được nghỉ ngơi. Cứ sống và phập phồng hy vọng bạn gái đừng tơ tưởng đến người đàn ông nào khác.
Sự khác biệt về giới tính, chưa bao giờ là cái tội. Tôi nghĩ, nội chuyện đè nén cảm xúc của mình đã là một cực hình đối với les. Les buồn hay les vui, chỉ có les hoặc một nhóm ít bạn bè của les hiểu được.
Les dễ sống khác với bản chất của mình, sống như để trả thù thân phận. Les có đáng bị cái nhìn của xã hội khiến buộc họ phải thu mình lại không(?!). Chắc chắn là không. Vì mọi người sinh ra đều bình đẳng như nhau.
Giới tính không bị ràng buộc trong hình thể, chỉ có cái nhìn của chúng ta là hay bị hình thể áp đặt khiến cho sai lệch. Tôi đã thấy giọt nước mắt mặn đắng của một les khi bạn gái của les nhắn tin chia tay để chuẩn bị lấy chồng hiu hắt đến mức nào.
Les sống trong giới hạn do chính mình tự đặt ra, les chấp nhận cuộc sống ấy. Nhưng đã là người, thì khao khát về một tình yêu là điều không thể nào tránh được.
Bao giờ thì les sẽ được nhìn nhận như những cá thể khác trong xã hội, câu trả lời tùy thuộc vào định kiến giới tính có thể được xóa bỏ trong khoảng thời gian bao lâu.
Theo CAND