Các tin khác
>> Suýt chết vì đẻ song sinh tại nhà
>> Ba giáo viên chia nhau giải xổ số nửa tỷ USD
>> "Hot girl" và những cuộc chơi cuồng loạn
Hơn 24 năm theo nghề, khi được hỏi quê quán, ông chủ tiệm Phan Chí Hiệp cười xòa: "Chuyên bán phở thì chỉ có thể là người Việt Nam".
Sáng thứ sáu của tuần lễ đầu tháng 4, đường phố Sydney vắng lặng vì bước vào kỳ nghỉ lễ dài. Tuy nhiên các khu phố người Việt ở ngoại ô lại chộn rộn cảnh bán mua. Tiệm phở An của ông Hiệp ở gần khu Bankstown City Plaza, nay là Saigon Place cũng nhộn nhịp từ sáng sớm. Không chỉ có khách quen là người Việt, người Australia gốc Á, nhà hàng phở này còn hút cả khách Tây.
Khách đang ăn phở tại nhà hàng An ở tiểu bang Bankstown ngày 6/4. Ảnh: Vũ Lê |
Bận rộn ở quầy thu ngân, ông Hiệp chỉ dành được ít phút chuyện trò với phóng viên từ Việt Nam sang. Từng sống ở Sài Gòn thời thơ ấu, ông chủ nhà hàng trang trí quán bằng hình ảnh nón lá, áo dài, cảnh đồng quê. Kể về kỷ niệm bén duyên với nghề nấu phở, ông hồi tưởng lại 3 thập niên trước: "Lúc đầu tôi làm thuê ở New Zealand. Sau đó tôi di dân, chuyển sang bán phở. Việc đổi nghề ban đầu chỉ vì mưu sinh nhưng càng làm tôi càng say và gắn bó đến tận bây giờ đã được 24 năm".
Ông chủ cho biết, ở Australia có nhiều điều kiện nấu món phở chất lượng cao vì xương bò rẻ, thịt bò có tiêu chuẩn cụ thể. Bò một năm, hai năm, ba năm tuổi được dùng vào mục đích chế biến khác nhau nên những bát phở có được hương vị rất đậm đà.
Một bát phở nhỏ ở nhà hàng An được bán 13 đô la Australia, tương đương 300 nghìn đồng. Mỗi tô được bán kèm đĩa giá cùng rau quế, tương đỏ (ớt), tương đen và sa tế mùi vị chẳng khác gì đang ăn phở ở TP HCM. Khác biệt lớn nhất so với Việt Nam chính là bát phở ở đây tuyệt nhiên không có ngò gai, một trong những loại rau đặc trưng ăn kèm với phở. Nếu tinh ý, khách sẽ thấy một bảng nhỏ treo trên tường với thông báo: phụ thêm món tái giá 50 cent; phụ thêm hành dấm tính phí một đô la Australia. Riêng ngò gai phụ thêm có giá đắt gấp rưỡi món tái, lên đến 1,5 đô.
Nhà hàng bài trí tranh nón lá, áo dài treo trên tường và chậu hoa cũng đặc sệt phong cách Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê |
Giải thích về sự đắt đỏ của rau ngò gai, ông Hiệp cho hay, vì loại rau này chủ yếu do người Việt ở Australia trồng, sản lượng rất ít nên chỉ phục vụ khi khách có nhu cầu. Do có vị đặc trưng hài hòa với món phở nên nhiều người vẫn gọi thêm ngò gai dù giá đắt. Vì thế có khi quán không đủ rau này để bán.
Có quy mô 250 chỗ ngồi phục vụ thực khách, nhân viên làm toàn giờ và bán thời gian tổng cộng 40 người, nhà hàng phở An còn là nơi làm việc của hơn chục du học sinh từ Việt Nam sang. Ông Hiệp tiết lộ: "Mọi người có thể không tin, những sinh viên Việt Nam sang đây du học đa phần là con nhà giàu có nhưng các em vẫn chịu khó làm thêm bằng công việc bưng bê, quét dọn, phục vụ ở quán phở này".
Cùng bạn bè dùng điểm tâm tại tiệm phở An sáng 6/4, chị Bích, người Australia gốc Việt sống ở Banktown 23 năm kể, khi chị đến khu này sinh sống thì quán phở đã có rồi. Chị cho hay đã gặp rất nhiều người Việt ở đây, có cả những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đến ăn phở. "Năm ngoái, một trung tâm thương mại của tiểu bang này đã được công nhận là khu đặc trưng của người Việt với tên gọi Saigon Place. Tôi tin rằng món phở đã góp phần cho cái tên ấy thêm phần thi vị", chị Bích nói.
Người đứng giữa là ông Phan Chí Hiệp chủ nhà hàng An, người phụ nữ trong ảnh là bà Xuân, vợ ông Hiệp, đứng cạnh ông Hiệp là nhân viên phục vụ. Ảnh: Vũ Lê |
Nhiều trang web vẫn còn lưu lại không ít lời tán tụng của thực khách Tây về quán phở này. Năm 2000, nhật báo Sydney Morning Herald trích lại lời ông John Newton, người từng dùng qua món phở ở nhà hàng An: "Bankstown có hai thứ nổi tiếng, là cựu thủ tướng Paul Keating (sinh ra ở đây), và món phở Việt độc đáo".
Rời quán phở nhưng hương vị của món ăn Việt Nam vẫn vương vấn lòng thực khách. Mặc cho thời gian nhuốn màu trên mái đầu điểm bạc, với ông Hiệp, món phở sẽ còn gắn bó cùng ông nhiều năm nữa. Ông cho rằng việc nhà hàng chỉ chuyên bán phở Việt dù không thể phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng nhưng lại là nét khác biệt với những điểm bán thức ăn còn lại ở Sydney.
Hầu hết các hàng quán tại khu vực có người Australia gốc Á sinh sống đều bán nhiều món: phở, bún bò Huế, mì, cơm, bánh mì... để phục vụ được khẩu vị của nhiều người. Riêng ông Hiệp luôn tâm niệm nhà hàng chỉ chuyên bán phở là đủ. Thậm chí, chủ quán còn cho rằng vì ông dành tất cả không gian cho phở nên món ăn này vẫn giữ được hương vị độc đáo, khó quên đối với thực khách hàng chục năm qua.
Theo Vnexpress