Đêm đầu tiên, tàu rẽ hướng ra hải phận quốc tế với ý định sẽ vòng vào chân đèo Hải Vân cập bến Bãi Chuối (Thừa Thiên Huế). Thế nhưng, ngày hôm sau do gặp sóng to gió lớn, tàu bị gãy tay lái, không điều khiển được nên bị trôi về phía Nam, đến ngày thứ 3 thì trôi vào đảo Lý Sơn. Mọi người trên tàu định lên đảo thì Lý Sơn thì phát hiện có tàu địch đi tuần. Trung úy Nguyễn Bắc, thuyền trưởng quyết định thả tất cả vũ khí trên tàu xuống biển và thống nhất nếu bị giặc bắt thì khai là tàu đánh cá, bị hư nên trôi dạt vào đây. Chiều mùng 4 Tết, cả sáu đồng chí trên tàu bị giặc bắt”, ông Ba nhớ lại.
Vợ chồng ông Huỳnh Ba |
Rồi ông kể tiếp, sau khi dùng đủ mọi hình thức tra tấn dã man mà vẫn không moi được tin gì, chúng bắt đầu đày anh em đi hết nhà lao này sang nhà lao khác. Từ Lý Sơn, Huế, Đà Nẵng đến nhà lao Gia Định, khám Chí Hòa, Phú Lợi… cuối cùng chúng đày ra Côn Đảo…
Những ngày đó chúng chỉ cho anh em ông mặc độc chiếc quần đùi, nằm co ro trong những chiếc “chuồng cọp”, lại còn bị còng xích chân. Nhưng anh em trước khi bị bắt đã một lòng không khai. Suốt 14 năm ròng rã, tra tấn, đày đọa bọn địch vẫn không thắng được ý chí kiên trung của những người cách mạng. Đến năm 1974, địch mới trả tự do cho những chiến sĩ cách mạng này.
“Hậu phương” 14 năm thủy chung chờ đợi
Trong khi Huỳnh Ba cùng đồng đội bị địch bắt giam, đày đi hết nơi này đến nơi khác thì ở vùng biển dưới chân đèo Hải Vân quan, bà Nguyễn Thị Nghĩa vợ ông cũng đã phải vượt qua mọi lời dụ dỗ rồi đến hăm dọa của kẻ thù. Biền biệt 14 năm trời không một dòng tin chồng, bà vẫn một lòng trung trinh dù ngày rời xứ biển này ra Bắc nhận nhiệm vụ, bà với ông không hề nói một lời thề hẹn.
“Ngày ông ấy đi đứa con thứ 2 vừa được 25 ngày tuổi, đứa đầu thì vừa biết đi chập chững gọi chưa rõ tên cha. Nhiều lần bọn giặc tìm đến tra hỏi “Chồng mày đi đâu?”. Tui trả lời là ông ấy đi đâu muốn biết thì cứ đi tìm. Tui không tìm được vì bận làm ăn nuôi con. Lúc đầu tụi hắn còn dụ dỗ ngon ngọt, sau đó quay sang hăm dọa bắt đi tù. Tui nói nếu bắt tui đi tù thì cứ bắn hai đứa con tui trước rồi bắn tui cũng được. Chớ tui nỏ biết chồng ở mô mà bắt đi tìm”, bà Nghĩa nhớ lại.
Không dò hỏi được tung tích ông Ba, chúng quay sang tung tin với bà Nghĩa rằng chồng bà đã chiêu hồi trở về với giặc hiện đang ở Huế. Rồi chúng khuyên bà đi thăm chồng. Đoán biết được ý đồ bọn chúng, bà nhất quyết không đi. Hàng ngày, bà lặng lẽ với gánh rau xanh, mớ cá tươi và vài chai nước mắm rong ruổi khắp nơi vừa bán kiếm tiền nuôi con vừa làm cơ sở nuôi giấu cách mạng.
“Xa nhau mười mấy năm trời bà có nghĩ rằng ông đã chiêu hồi hoặc hi sinh?”, chúng tôi hỏi. Bà Nghĩa ngước mắt nhìn chồng: “Tính ông ấy tui biết, dù gian khổ thế nào vẫn không đầu hàng đâu. Biền biệt không bắt được tin tức gì, nhiều đêm tui cũng nghĩ đến chuyện ông ấy hi sinh nhưng không hiểu vì sao mỗi lúc như thế bên tai tui nghe rõ mồn một lời ông ấy nói là ông ấy sẽ về”.
Trong cuộc đời với nhiều lần cận kề sinh tử, nhiều thăng trầm, với ông Ba kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông là khi quay trở về tìm lại vợ con. Năm 1974, trên chuyến xe đò từ Quảng Nam về Đà Nẵng có hai cha con cùng đi nhưng họ không nhận ra nhau. “Hôm đó đứa con gái đầu của tui đi buôn chuyến ngồi đầu băng ghế còn tui ngồi cuối băng ghế. Khi xe đỗ trả khách, tui với nó cùng về chung một con đường, nó gánh hàng hóa đi trước còn tui mệt nhọc ôm tay nải theo sau.
Về đến tận đầu ngõ, bà Phước (một cơ sở cách mạng từng nuôi giấu tui) la lên: “Hòa! Răng mi không gánh giùm để ba mi ôm đồ nặng rứa?”. Lúc đó hai cha con nhìn nhau ngỡ ngàng, mừng tủi. Đôi chân cứ bước về phía con mà cứ khụy xuống”, ông Ba nói thêm.
Nói đoạn, ông quay sang chúng tôi mà rằng, ông may mắn hơn nhiều đồng đội khác, hòa bình trở về quê còn có vợ con. Cuộc sống dù còn lắm vất vả nhưng chưa bao giờ thiếu tình yêu. Sáu anh em trên chuyến tàu không số ngày đó, giờ đây 5 đồng đội đã thành người thiên cổ, chỉ còn mình ông.
Sau bao nhiêu năm xa cách, giờ ông Ba thảnh thơi sống bên người vợ với tấm lòng thủy chung son sắt cùng kỷ vật là chiếc radio do đồng đội tặng. Tình yêu hơn nửa thế kỷ vẫn vẹn tròn, hai ông bà vẫn quấn quýt bên nhau ngày ngày như thuở đôi mươi, giúp người ta càng thêm hiểu rõ không kẻ thù nào có thể hủy diệt tình yêu.
Theo PLVN