Làm công nhân cho một công ty may mặc trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cô quen biết và kết hôn với một người tên Yung – người Đài Loan, nhưng chỉ 2 năm chung sống, khi cô vừa có đứa con trai thì bị người chồng phụ bạc, gia đình chồng ghẻ lạnh tìm cách trục xuất về Việt Nam.
Cô gái trẻ sau đó còn trải qua cuộc sống khốn cùng, khi bị một “yêu râu xanh” hãm hiếp đến mang thai khi cô đang trong giai đoạn phát bệnh điên dại.
Cuộc tình đẫm nước mắt của cô gái ngoan hiền
Xinh đẹp, hiền lành, Nguyễn Thị Xuân Thương sớm được nhiều chàng trai trong xã ngỏ lời yêu đương. Vậy nhưng, do gia đình có đông anh chị em, bản thân lại đang có ý định lên TP.HCM tìm kiếm việc làm để có tiền tiếp tục ôn thi đại học, gác lại mọi việc đằng sau, năm 2006, Thương quyết xách khăn gói, bắt xe đò đi tìm miền đất hứa.
Khác với những cô gái miền sông nước, vốn quen xin việc nhẹ nhưng lại kiếm được nhiều tiền tại các quán cà phê đèn mờ hay mát-xa…, Thương hơn một tuần xin việc nhưng cũng không tìm được công việc ưng ý.
Cầm tắm bằng THPT trên tay, cuối cùng Thương cũng xin được vào một công ty may mặc trên địa bàn tỉnh Bình Dương để làm công nhân
Chăm chỉ làm việc lại xinh đẹp, Thương được rất nhiều người trong công ty yêu quý và được nhiều thanh niên để ý, muốn nói lời yêu đương, nhưng cô đã từ chối tất cả. Cứ mỗi khi làm xong công việc ở công ty là cô gái quê mùa lại trở về phòng trọ tranh thủ mở sách vở ra học bài.
Hơn một năm làm việc tại công ty may mặc này, bất ngờ Thương đã quen biết với một người đàn ông Đài Loan tên Yung (người này lớn hơn Thương đến 8 tuổi). Lúc đầu chỉ là quen biết, nhưng sau đó nghe những lời tán tỉnh bằng tiếng Việt không mấy rõ ràng của Yung, Thương thầm yêu Yung lúc nào không hay.
Khi nghe Yung ngỏ lời yêu đương, Thương không dám chấp nhận vì chưa được sự đồng ý của bố mẹ. Những suy nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu Thương, một mặt cô không muốn lấy chồng nước ngoài vì sợ xa gia đình và sợ… bị đánh đập như những cô gái nhà quê khác đã từng đi lấy chồng ngoại mà báo chí vẫn đưa tin.
Trong khi đang tìm cách để trả lời thể nào cho thỏa đáng với Yung, thì cô nghe người này hứa hẹn sẽ yêu thương, chiều chuộng cô và thề thốt không có chuyện đánh đập, xua đuổi cô như một số người đàn ông ngoại đã từng gây ra bi kịch cho các cô gái trẻ ở miền Tây.
Nghe những lời hứa chắc nịch, Thương lại nghĩ lấy chồng ngoại cũng tốt, lại có thể được đổi đời và có tiền để giúp gia đình và các em ăn học. Đắn đo mãi, cuối cùng Thương đã mạnh dạn gọi điện cho bố mẹ và hẹn ngày đưa người yêu về ra mắt.
2 năm sau khi quen biết, Thương quyết định xuất ngoại để làm vợ của Yung. Đám cưới của họ diễn ra không xa hoa, không ầm ĩ, nhưng tất cả những người dân ở làng quê nghèo Cần Thơ không khỏi trầm trồ về sự chịu chi của gia đình nhà chồng.
Đám cưới có sự hiện diện của gia đình sui gia người Đài Loan, cùng đông đảo bà con lối xóm đến chúc mừng. Một tuần sau ngày vui của cuộc đời, Thương đã khóc rất nhiều trong ngày chia xa gia đình để về làm dâu xứ người.
Ngày đi Đài Loan, Thương nghĩ chắc còn lâu lắm cô mới có dịp về nước thăm bố mẹ và các em. Nhìn cô con gái nước mắt lưng tròng, bố mẹ Thương cũng không kìm được lòng, nhưng vì cuộc đời của con gái họ đành phải giấu nước mắt vào trong.
Cuộc chia ly rồi cũng đến, gia đình, người thân chỉ biết tiễn chân Thương đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để rồi nói lời ly biệt.
Mới xuất ngoại được mấy ngày, Thương liên tục gọi điện, mỗi ngày khoảng vài ba cuộc gọi, trong điện thoại, Thương sụt sịt nói nhớ nhà, nhớ bố mẹ và các em. Cứ thế cho đến chừng 3 tháng thì gia đình Thương không thấy con gái gọi điện nữa, vậy nhưng trong đầu của họ không ai dám nghĩ con gái đang có chuyện.
Họ cứ nghĩ, chắc con gái nhớ nhà quá nên không gọi điện nữa, vì mỗi lần gọi điện gặp mẹ, Thương toàn nghe tiếng mẹ khóc trong điện thoại. Nghĩ vậy nên gia đình Thương cũng không liên lạc lại nữa mà để cho con gái yên tâm làm việc, chăm sóc chồng và làm tròn bổn phận của người con dâu.
Thế nhưng không ai ngờ được rằng, ở nơi xứ người Thương phải chịu đựng sự sỉ nhục từ người chồng và phía gia đình chồng. Lý do cũng vì bất đồng về ngôn ngữ, Thương chưa đủ thời gian để hiểu hết được cách sống, phong tục của gia đình chồng.
Cuộc hôn nhân chóng vánh đã đẩy cuộc đời cô gái trẻ quê mùa
chân chất ngày nào thành một thảm kịch. (Ảnh minh họa)
Nhưng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tính ghen tuông vô cớ từ người chồng tên Yung. Cho rằng, khi đang làm việc tại công ty may mặc ở Việt Nam, Thương đã trót trao “cái ngàn vàng” cho người con trai khác, vì có khi Yung thấy có nhiều người con trai gọi điện tán tỉnh, đi chơi với Thương.
Mặc cho Thương giải thích, người chồng vẫn không nghe, ngày đêm chửi bới vợ thậm tệ, thậm chí còn đánh đập vợ tàn nhẫn nữa. Không những thế, người chồng còn bịa đặt nhiều thứ chuyện, kể cho bố mẹ đẻ nghe làm họ rất tức giận và cho rằng cô đã nghèo mà không biết điều.
Sau những chuyện lùm xùm trong gia đình, Thương không còn được bố mẹ chồng thương yêu như trước kia, cô còn bị người chồng ghen ghét, xa lánh.
Khi Thương đang mang thai đứa con đầu lòng, cô cũng không được chồng và bố mẹ chồng đoái hoài đến, cô bị ghẻ lạnh, cô đơn đến chán chường. Nhiều lần cô xin chồng cho phép về nước, nhưng Yung và gia đình không chấp nhận vì cô đang mang thai, gần đến giai đoạn sinh con.
Bị nhà chồng cô lập, Thương nhiều tìm cách gọi điện về cho gia đình ở Việt Nam để tâm sự nhưng đã bị gia đình chồng đã ngăn cản. Những ngày sống trong tủi hờn, nhớ lại những lời hứa của Yung, Thương hối hận vô cùng, tưởng rằng lấy chồng ngoại sướng lắm, ai ngờ lại đến nông nỗi này.
Nhưng đó chưa phải là nỗi đau lớn nhất mà cô phải gánh chịu, vì đằng sau sự cô lập, ghen ghét đó, họ còn có âm mưu khác là tìm cách trục xuất cô về nước sau khi cô sinh con.
Và cái ngày ấy cũng đã đến, năm 2009, sau khi sinh hạ đứa con trai kháu khỉnh, cô đã bị phía gia đình nhà chồng tìm cách đuổi về Việt Nam, chia lìa tình mẫu tử thiêng liêng.
Bi kịch cuộc đời của cô gái trẻ sau khi phát bệnh điên dại
Về Việt Nam, Thương về TP.Cần Thơ thăm cha mẹ. Thế nhưng cứ nghĩ về đứa con trai là Thương khóc, như người mất hồn. Suốt ngày giam mình trong nhà, không dám bước ra ngoài. Sự tủi nhục phải cam chịu và bị phía gia đình chồng chiếm đoạt đứa con một cách trắng trợn làm Thương không thể chịu đựng nổi.
Những ngày về nhà, nhiều người phát hiện Thương thay đổi rất nhiều, cô không nói chuyện với ai, lúc tỉnh lúc như người điên dại. Có những lúc, Thương cứ ôm khư khư chiếc gối ngủ nhầm tưởng là con, hát ru rồi khóc nức nở trên giường.
Biết con gái đã trở bệnh, có lúc lên cơn điên, gia đình Thương phải thay nhau túc trực để canh giữ cô. Bệnh tình của Thương ngày càng trầm trọng hơn, có khi đang nằm ngủ, nửa đêm Thương bật dậy đòi con và bỏ chạy ra đường mất hút làm gia đình và hàng xóm phải đi tìm khắp nơi mới thấy đưa cô trở về.
Một ngày trong năm 2010, lợi dụng sơ hở của gia đình, Thương đã bỏ trốn khỏi nhà, bắt xe lang bạt khắp các quận huyện ở TP.HCM, gia đình cô đi kiếm khắp nơi nhưng cũng bặt vô âm tín.
Còn Thương sau khi thoát khỏi sự quản lý của gia đình trong tâm trạng điên dại vì nhớ con, cô đi lang thang khắp nơi, cả đến cầu Sài Gòn, cầu Thị Nghè… và sống qua ngày đoạn tháng ở đó.
Tưởng rằng, một người điên dại như Thương không có ai thèm để ý đến, nhưng khi nhìn khuôn mặt ưa nhìn của cô gái quê chân chất, một gã “yêu râu xanh” đã dụ dỗ và thực hiện hành vi hiếp dâm.
Sự việc được phát giác khi công an phát hiện Thương đang ngủ vất vưởng chỗ gần cầu Sài Gòn và cơ quan chức năng đã đưa cô vào Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần ở TP.HCM nuôi dưỡng.
Khi mới vào Trung tâm, hộ lý hỏi cô tên gì, Thương chỉ biết lắc đầu không nhớ, thậm chí, có khi được hỏi cô còn không biết mình đã ăn cơm hay chưa. Ở được mấy tháng, hộ lý tại trung tâm này thấy Thương có biểu hiện của người đang mang thai nên đưa đi khám thì phát hiện một sự thật phũ phàng, cô đang mang thai tháng thứ 4.
Khi hộ lý Trung tâm hỏi: “Cô đang mang thai phải không, ai đã hãm hại cô như thế này?”. Cô gái trẻ tội nghiệp chỉ lắc đầu: “Tôi không mang thai. Tôi đã có con rồi. Ai đã hãm hiếp tôi”. Vừa nói cô vừa dùng tay đấm mạnh vào bụng như để chứng minh sự trong sáng của mình làm nhiều người không khỏi hốt hoảng.
Trong Trung tâm, tuy Thương là người bị bệnh điên dại nhưng được liệt vào danh sách là người ngoan nhất, cô ít khi quậy phá, cô sống thui thủi, chỉ khi nhớ đến những chuyện đau buồn vừa xảy ra thì cô mới lên cơn điên.
Đến năm 2011 vừa qua, cô gái trẻ miền sông nước đã hạ sinh thêm một cháu gái bụ bẫm tại Trung tâm dành cho những người điên dại, cháu nhỏ sau đó phải cách ly với người mẹ vì sợ rằng, khi lên cơn điên cháu nhỏ sẽ bị làm hại.
Biết Thương không phải phát bệnh điên dại bẩm sinh, những lúc cô tỉnh táo, mọi người thấy cô rất hiền, lãnh đạo Trung tâm đã tìm cách liên lạc với gia đình đến đón cô trở về. Khi nghe tin con gái đang ở tại Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần ở TP.HCM, người nhà đã đến đưa con gái trở về.
Khi gặp lãnh đạo Trung tâm và biết được câu chuyện trên, gia đình Thương vô cùng xa xót. Con gái họ đã bị lừa tình một lần rồi, khi bị điên còn có người rắp tâm hãm hại phải sinh con và làm mẹ lần thứ 2.
Trở về trong vòng tay người thân, Thương có phần tỉnh táo hơn, ít ra cô còn ý thức được mình là người mẹ đã từng sinh 2 đứa con. Mới đây, khi lên ô tô về lại Cần Thơ, nhìn cô gái quê mùa năm nào chăm chú ôm khư khư đứa con gái đang non nớt trong vòng tay, nhiều người không cầm được nước mắt.
Được nghe gia đình kể về cuộc hôn nhân chóng vánh đầy bi kịch của cô gái miền sông nước Nguyễn Thị Xuân Thương, nhiều người nghe mà tiếc thương cho số phận hẩm hiu, bạc bẽo của cô.
Khi chúng tôi gặp cũng là lúc Thương theo gia đình về quê. Khi ấy Thương vẫn còn như người điên dại bởi nỗi ám ảnh của những vụ lừa tình, của sự nhớ nhung, bị chia cắt tình mẹ con xa ngàn dặm. Đau đớn thay cho một phận người!
Theo Phunutoday