Sáng sớm mới mở cửa, một người phụ nữ cùng hai người đàn ông đến làm xét nghiệm ADN cho con. Cô này mặt mày bầm tím, sưng đỏ. Sau khi cả ba ra về, anh "bồ" quay lại năn nỉ trung tâm cho kết quả xét nghiệm ADN giống chồng cô này. Bởi theo anh ta, người chồng dọa nếu không phải con mình ông ấy sẽ giết cả vợ, "bồ" và bố mẹ hai bên.
Vừa phân trần, anh ta vừa móc trong túi ra một xấp tiền loại 100.000đ đưa cho người lấy mẫu. Tất cả nhân viên đều từ chối và bảo anh ta ra về. Rất may, kết quả cho thấy chồng cô gái đúng là bố của đứa trẻ.
Có trường hợp khác, hai anh đưa một đứa trẻ đến xét nghiệm mong xác định là con của ai. Hai anh tỏ ra thân thiện và vui vẻ. Hóa ra, hai người là bạn thân. Vì yêu một cô nên khi cô này mang thai, hai người không rõ ai là cha đứa bé.
Chia sẻ trong các trường hợp trên, ThS Ngô Đức Phương, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền cho rằng, trung tâm xét nghiệm ADN thường xuyên nhận được các hoàn cảnh hỉ nộ ái ố.
Từ vui khi biết kết quả đến đau khổ khi hay đó là con mình, nhưng cũng có trường hợp méo mặt vì đúng là con do bị bạn gái bắt đền... Không ít lần, trung tâm chứng kiến nhiều gia đình tan nát vì kết quả xét nghiệm!
"Hơn ai hết, chúng tôi cũng hỉ nộ ái ố cùng khách hàng của mình. Tất cả phải chấp nhận và làm quen điều đó. Nghề xét nghiệm ADN cần có sự nghiêm minh với những kết quả khoa học. Dù tác động bằng cách gì, như chở xe ô tô tiền đến cũng không thể thay đổi chứ đừng nói đến sự lay chuyển do tâm lý!", ông Phương cho hay.
Lấy mẫu xét nghiệm ADN
3 lần xét nghiệm vẫn chưa xác định được bố con
Câu chuyện khiến những người làm xét nghiệm ADN thuộc Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền dở khóc dở cười khi sử dụng phần mềm lưu và kiểm tra khách hàng đã từng xét nghiệm.
Đó là một người phụ nữ 3 lần đưa con đi xét nghiệm. Lần đầu tiên chị đưa con cùng người đàn ông cùng họ con đến. Kết quả cho thấy hai người không phải là bố con. Khoảng 2 năm sau, chị quay lại với người đàn ông khác, khác họ con. Kết quả hai người vẫn không phải là bố con.
Lần thứ 3 chị lại đến. Cũng là một người đàn ông khác họ. Chị bảo, bố cháu đi làm xa giờ về xét nghiệm để đổi họ cho con. Nhưng lần thứ 3 này cũng cho kết quả oái oăm: họ vẫn không phải là bố con.
Câu chuyện về cô gái đi xét nghiệm ADN con để tìm kẻ xâm hại tình dục cũng khiến không ít người rơi nước mắt. Cô này kể, một lần đi vào đường vắng cô bị mấy người đàn ông hãm hại dẫn đến có bầu.
Các đối tượng nghi ngờ lần lượt được tiếp cận nhằm mục đích lấy mẫu xét nghiệm. Các "âm mưu" như giả vờ làm quen, đến nhầm nhà, học nghề gội đầu để lấy mẫu tóc, móng tay... đều không thành. Mỗi lần đưa mẫu làm xét nghiệm, cô lại khóc khô nước mắt.
Đứa con trong bụng cô càng ngày càng lớn thì nỗi đau đó càng dâng cao. Nghẹn ngào trong nước mắt cô bảo: Nhiều người khuyên bỏ cái thai để làm lại cuộc đời, nhưng em yêu con em, đó vẫn là giọt máu do mình tạo nên.
Thay đổi kết quả đồng nghĩa phá sản
Theo ThS Ngô Đức Phương, nguy cơ phá sản nắm chắc trong tay nếu có sự thay đổi kết quả. Với một người đi xét nghiệm, chỉ cần có sự nghi ngờ họ sẵn sàng đi xét nghiệm nơi khác để so sánh kết quả.
Một tiếng xấu được đưa ra coi như doanh nghiệp đang tự hủy hoại mình. Đấy là chưa kể, trường hợp các phòng có đối thủ cạnh tranh cũng không ít. Họ sẵn sàng bày các chiêu để hạ uy tín.
Để đạt được kết quả chính xác đó, bản thân người làm nghề cũng cần có sự đầu tư và đồng hành giữa công sức và tiền của. Mỗi phòng xét nghiệm ADN ban đầu phải đầu tư khoảng 10 tỷ đồng cho máy móc, công nghệ.
Người làm mẫu phải có chuyên môn sâu về sinh học phân tử. Bù lại, mức giá xét nghiệm một mẫu ADN di truyền là 5 triệu đồng. Nếu muốn làm nhanh trong 4 tiếng có giá 12 triệu đồng. Mẫu dễ lấy nhất là tóc và móng tay. Tóc cần có khoảng 5 sợi có chân, mẫu làm chính thức chỉ 1 - 2 sợi, còn lại dành để lưu tránh kiện tụng.
Theo ông Phương, vì đa phần làm xét nghiệm ADN thường không công khai, vì thế khi trả kết quả cũng có sự nghiêm ngặt. Ví dụ, muốn lấy kết quả qua điện thoại phải có mật khẩu riêng.
Điều này tránh một người đi xét nghiệm còn một người biết kết quả. Cùng với đó là phòng xét nghiệm được trang bị máy chiếu UV nhằm mục đích tránh tình trạng nếu có ADN bay trong không khí sẽ bị chiếu vào làm đứt gãy.
Hệ thống máy tính lưu tất cả mẫu của nhân viên và khách hàng đã từng làm. Mỗi kết quả cho ra đều được đối chiếu tự động để tránh tình trạng trùng lặp, nhiễm hay đã từng đến kiểm tra hay chưa. Vì thế, chuyện sai kết quả là chuyện không thể có.
Sàng lọc kết quả trong phòng xét nghiệm
Vợ ghen vì chồng tâm sự cùng khách hàng
Ở cơ quan, ThS Ngô Đức Phương có biệt danh là người tri kỷ. Có lẽ điều này đúng khi trò chuyện cùng chúng tôi nhưng anh phải ngắt quãng để nghe điện thoại liên tục. Anh không những "bài binh bố trận" để khách hàng lấy mẫu xét nghiệm mà còn là nơi để khách hàng trút bầu tâm sự.
Trường hợp khiến anh Phương, vợ và đồng nghiệp trong cơ quan nhớ nhất là chuyện một cô gái miền Trung. Cô có con với người yêu cũ, bị phát hiện. Sau khi làm xét nghiệm ADN chính xác là con của người yêu, gia đình cô cũng tan nát. Vợ của người yêu cũ hăm dọa, chồng cô lại bỏ đi. Mỗi lần có biến cố, cô gái này lại gọi điện cho anh Phương tâm sự.
Cô ấy gọi khoảng 30 - 40 phút mỗi lần, cứ 10 phút lại ngắt rồi gọi lại bởi điện thoại khuyến mại miễn phí 10 phút gọi đầu tiên. Đang ăn cơm anh cũng cố chạy ra ngoài nghe khoảng 30 phút rồi vào ăn tiếp. "Nghe nhiều đến mức vợ tôi phát ghen. Bạn bè đồng nghiệp bảo chỉ có tôi mới chịu nghe những lời tâm sự đó. Đúng là nghe tâm sự sẽ mất nhiều thời gian, nhưng nếu không nghe tôi cảm thấy áy náy với khách hàng của mình. Thấy khách hàng đứng bên bờ vực thẳm, tôi không thể làm ngơ", anh Phương phân trần.
Khi mới vào làm nghề, anh em thân quen thường đùa: Ông Phương làm giám đốc thì phải học võ đấy. Nghề này nguy hiểm lắm. "Nhiều khách hàng nhìn bề ngoài rất đầu gấu, bặm trợn, xăm trổ đầy mình, đeo kính đen và có cận vệ hộ tống. Thế nhưng, khi đến phòng xét nghiệm, họ rất lễ phép, ăn nói nhã nhặn và có vẻ hơi cúi mình", anh Phương chia sẻ.
Theo 24h