Bộ sưu tập bao gồm 1.200 giống thuộc loài xương rồng đến từ khắp nơi trên thế giới, tọa lạc trên một quả đồi nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì (TX Sơn Tây, Hà Nội), đã tạo nên một “vương quốc xương rồng” khiến nhiều người phải thán phục.
Lạc bước trong vườn cây xương rồng, người ta dễ lầm tưởng đây là chốn tiên cảnh bởi vẻ đẹp rực rỡ, muôn màu đa dạng của các loài hoa có gai quen sống chốn hoang mạc. Những cây căng tròn như quả bóng với bộ lông nhím bọc kín mình; có những cây khẳng khiu, sừng sững vươn lên… khiến vườn xương rồng không kém gì những loài hoa kiêu sa.
“Năm 2002, Vườn quốc gia Ba Vì có một loạt dự án như vườn lan, vườn thú và khu vườn có tên là Bộ sưu tập xương rồng này. Đây là những dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt, cấp kinh phí với mục đích sưu tập các cá thể, các nguồn gen của các loài động thực vật này phục vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thăm quan của du khách.
Vẻ đẹp mê mẩn của hoa xương rồng
Tuy nhiên, khi thời hạn của dự án kết thúc, nguồn kinh phí phục vụ dự án cạn kiệt, cũng là lúc các khu vườn này rơi vào tình trạng tàn lụi dần” - ông Kính, một lão nông hiện đang trông nom, chăm sóc khu vườn xương rồng kể lại.
Nhận thấy giá trị của vườn cây này, đặc biệt biết được nguy cơ của vườn cây khi không còn nhận được sự đầu tư của nhà nước, ông Đặng Văn Thành - nguyên giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cùng nhóm nông dân gồm 5 người trong đó, có hai vị chủ chốt là ông Nguyễn Chí Thành và ông Kính đã cùng nhau hùn vốn lập Cty Đầu tư và phát triển Ba Vì với số vốn điều lệ lên tới cả trăm tỷ đồng với mong muốn biến Bộ sưu tập xương rồng thành một “vương quốc” xương rồng trong Vườn quốc gia Ba Vì.
Dày công chăm sóc
Ngay sau khi tiếp nhận lại bộ sưu tập này, những người bạn già đã có những bước đi táo bạo và tỷ mẩn để gây dựng “vương quốc” xương rồng.
“Khi mới tiếp nhận, chúng tôi đi tới từng gốc cây một để phân loại và chăm sóc. Cùng là họ xương rồng nhưng lại có tới cả nghìn loài khác nhau nên phải theo dõi quy trình phát triển của cây xem nó phù hợp với điều kiện ánh sáng, độ ẩm và thổ nhưỡng như thế nào.
Vì thế nên mới có chuyện chúng tôi phải thuê xe ô tô ra tận sông Hồng để lấy đất phù sa ở đó về để cho 1 số loài xương rồng phù hợp với loại đất đó. Đội quân lùng sục, sưu tầm các loại xương rồng khác nhau được tỏa đi khắp Bắc – Trung – Nam. Chúng tôi chỉ cần nghe thấy chỗ nào có loài xương rồng mới, nhất là loài nhập từ nước ngoài về, là chúng tôi tìm đến để mua”, ông Kính kể thêm.
Một góc Vương quốc xương rồng
“Biết hạn chế của mình là kiến thức khoa học về nông, lâm nghiệp nên chúng tôi phải đi mời những kỹ sư tốt nghiệp các trường Đại học về lâm nghiệp về để chăm bẵm các cá thể trong bộ sưu tập. Ngoài ra, đội ngũ chăm sóc còn có cả lao công, công nhân nữa nên tổng cộng là 8 người.
Bốn năm rồi, cứ đều như vắt chanh, mỗi tháng, chúng tôi phải trả gần 30 triệu tiền công cho những con người này. Tuy nhiên, để bộ sưu tập được bảo tồn và phát triển tốt nhất, chúng tôi còn phải thuê cả một nghệ nhân xương rồng hàng đầu của nước ta là nghệ nhân Nguyễn Phúc Giác, quê An Giang, nghệ nhân nổi tiếng nhất cả nước về lĩnh vực xương rồng - để ông này chăm sóc cho xương rồng”.
Vườn thuốc quý
Có lẽ vì thế mà bộ sưu tập xương rồng ngày càng dày và tạo thành một điểm nhấn của Vườn quốc gia Ba Vì. Khi hè về, các bông hoa xương rồng đua nhau khoe sắc tạo nên một quả đồi rực rỡ muôn sắc màu. Nhiều đôi bạn trẻ đã chọn Vườn xương rồng là nơi ghi lại những tấm ảnh cưới bởi vẻ đẹp hoang sơ, đầy chất thơ của khu vườn này
Theo ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch HĐQT Cty Đầu tư và phát triển Ba Vì - thì với 1200 giống xương rồng khác nhau, bộ sưu tập không hẳn là đầy đủ tuy nhiên, những giống ở đây đều là những tinh túy của loài hoa này.
Hơn nữa, ngoài mục đích sưu tập, vườn xương rồng này còn phục vụ mục đích khoa học và tham quan du lịch. “Tôi có mấy anh bạn bị bệnh xương khớp. Họ đến xin một số loài xương rồng về để chữa bệnh, kết quả là bệnh tình giảm hẳn anh à!” - vẫn lời ông Thành.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Văn Thành - nguyên Giám đốc vườn quốc gia Ba Vì - cho hay: Ở Thụy Điển, người ta có một Cty dược chuyên sản xuất các loại thuốc chữa bệnh tim mạnh, xương khớp và cả vô sinh từ các chất chiết xuất từ cây xương rồng.
Hơn nữa, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy cây xương rồng còn có thể đem ra các vùng hải đảo để trồng trên cát, có tác dụng chống nạn cát bay và là nguồn thực phẩm rất tốt cho người dân trên đảo. Một số loài xương rồng cũng có thể làm thức ăn cho các loài động vật như dê, bò, thỏ...
“Chính vì những tác dụng to lớn trên nên chúng tôi rất muốn được Ban quản lý vườn quốc gia, các nhà khoa học đồng hành với chúng tôi trong công tác sưu tập, bảo tồn và nghiên cứu loài cây này. 5 năm nay, chúng tôi chưa hề thu bất kỳ một nguồn lợi nào từ vườn cây này nhưng nếu được tạo điều kiện, chúng tôi vẫn muốn đầu tư thêm để khám phá hết vẻ đẹp và ích lợi của cây xương rồng”- một lãnh đạo của Cty Đầu tư và Phát triển Ba Vì quả quyết…