Người không tay chân bơi vòng quanh thế giới

Thứ sáu, 18/05/2012, 12:50
Philippe Croizon - một người Pháp bị mất hết tay chân trong một vụ tai nạn năm 1994 - hôm qua 17/5 đã bắt đầu chuyến bơi vòng quanh thế giới sau khi giải quyết xong các vấn đề liên quan đến thủ tục ở Papua New Guinea.

>> Chùm ảnh học sinh Thực nghiệm học mà chơi 
>> Đổ xô xem cá lóc nổi chữ trên đầu

Theo AFP, Philippe Croizon đã xuống biển Papua New Guinea ở Thái Bình Dương lúc 6h sáng giờ địa phương (2h sáng giờ VN) để bắt đầu chặng bơi từ Wutung, Papua New Guinea tới làng Pasar Skow thuộc tỉnh Papua, Indonesia.

Croizon nói ông chọn chặng bơi này vì nó nằm ở chỗ giao nhau giữa châu Đại Dương và châu Á. Hành trình này dự kiến mất 6-7 giờ.

Robert Iseni - người phát ngôn của Croizon - cho AFP biết tình hình thời tiết hiện khá tốt, không có gió và Croizon đang bơi chậm nhưng ổn định.

Croizon, từng bơi qua eo biển Anh vào năm 2010, hi vọng sẽ thực hiện 4 chặng bơi băng qua nơi nối các châu lục: châu Đại Dương - châu Á, châu Á - châu Phi, châu Phi - châu Âu và châu Á - châu Mỹ.

Tổng cộng ông sẽ bơi quãng đường 85km, nghĩa là ông sẽ ở trên biển 45 giờ, đối mặt với cá mập, sứa độc, nước lạnh giá và các tàu hàng.


Sau chuyến bơi vượt eo biển Anh năm 2010, Croizon đang thực hiện chuyến bơi vòng quanh thế giới 


Từ bé, Croizon từng mơ ước sẽ bơi qua eo biển Anh. Tuy nhiên một tai nạn điện vào năm 1994 đã cướp mất hai tay, hai chân của ông.

Trong thời gian hồi phục ở bệnh viện, Croizon xem một bộ phim tài liệu về một người bơi qua eo biển Anh. Ước mơ thuở bé sống dậy.

Croizon gọi cho Arnaud Chassery - người từng bơi 32km qua eo biển giữa Pháp và Anh, giúp đỡ. Arnaud Chassery đã động viên và gợi ý Croizon tới tập bơi chung với mình.

Sau những nỗ lực không ngừng, vào tháng 9-2010 Croizon đã bơi thành công qua eo biển Anh trong 13 giờ.

Croizon và Arnaud Chassery sau đó lên kế hoạch bơi vòng quanh thế giới. Nếu chặng đầu suôn sẻ, hai người sẽ thực hiện chuyến bơi thứ hai ở vịnh Aqaba từ Jordan đến bờ biển Ai Cập, sau đó bơi từ châu Phi tới châu Âu qua eo biển Gibraltar.

Sự kiện ngoạn mục nhất sẽ diễn ra vào tháng 8 khi họ vượt eo biển Bering tách Nga và châu Mỹ, nơi nước biển xuống gần 0 độ C.
 

Theo Kiến Thức

Các tin cũ hơn