Lương tối thiểu không đủ sống ở mức tối thiểu

Thứ sáu, 18/05/2012, 08:57
Lương không đủ sống, người lao động không thể chờ đợi. Rất nhiều các chuyên gia đã lên tiếng cần phải cải cách mạnh mẽ chính sách tiền lương tại hội thảo thực trạng tiền lương và các giải pháp cách do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 17-18.5.


>> Mỳ Gấu đỏ thuê 'diễn viên' để mua nước mắt của khách hàng 
>> "Thưa ông Mỳ Gấu đỏ, hy vọng ông không dã man đến thế" 
 

20 năm không thay đổi

Khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn thực hiện tại 90 doanh nghiệp (DN) tư nhân, ngành nghề dệt may, giày da, chế biến, giao thông vận tải, xây dựng, cơ khí, dịch vụ thương mại… tại 10 tỉnh, thành phố đã cho thấy cuộc sống, thu nhập của người lao động (NLĐ) vô cùng khó khăn.

62,2% không được xem ca nhạc, phim ảnh, du lịch; 17,5% không có tiền chi trả khám chữa bệnh; 26,1% dành dưới 1 triệu đồng để chi tiêu cho chữa bệnh trong năm. Mức lương bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng chỉ đủ duy trì cuộc sống tối thiểu, muốn có đủ tiền trang trải cuộc sống, 94% NLĐ phải làm thêm giờ, tăng ca. Mức điều chỉnh hợp nhất lương tối thiểu khu vực DN FDI và DN trong nước hiện chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của NLĐ.

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn LĐ Việt Nam) nhận định: “Chính sách tiền lương với khu vực DN tác động trực tiếp đến đời sống 15 triệu người và khoảng 15 triệu con cái họ. Nếu tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu thấp để quảng bá về LĐ giá rẻ, thu hút đầu tư thì NLĐ và con cái họ sẽ bị thiệt thòi”.

Không chỉ khu vực DN ngoài quốc doanh, hệ thống thang bảng lương trong khu vực DN nhà nước cũng bộc lộ nhiều bất cập. Ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) thừa nhận, tăng lương chỉ đủ bù trượt giá. “Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương của khu vực DN nhà nước không hề khác khu vực hành chính sự nghiệp, không linh hoạt, không mềm dẻo không khuyến khích người tài giỏi vì những người giỏi ở khu vực khác chuyển về vẫn xếp ở mức 2,34", ông Hào cho biết.

 

Chỉ ra những hạn chế, bất cập trong chính sách tiền lương hiện hành, ngoài yếu tố không đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn, so với chế độ tiền lương năm 2003, sau 20 năm thực hiện, không có gì thay đổi lớn.

“Tốc độ điều chỉnh bù trượt giá, bảo đảm tiền lương thực tế chậm dần. Tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách, không gắn bao nhiêu với cải cách hành chính.


Ông Hoàng Mạnh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH): 
Tăng lương chỉ đủ bù trượt giá


Trong nhiều năm, ngân sách nhà nước hàng năm bố trí hàng chục ngàn tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không được nâng cao, thậm chí giảm sút; bộ máy vẫn trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, tiền lương thực nhận ngày càng bình quân, chắp vá, phá vỡ quan hệ tiền lương”, ông Lợi nói.

Theo ông Đặng Như Lợi, đáng chú ý, sự bất cập thể hiện rõ ở nhu nhập ngoài tiền lương. Ông Lợi bức xúc: “Ở nhiều ngành nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Thu nhập từ nhà, đất được mua, cấp theo giá thấp ngày tăng; nhiều hình thức bao cấp trá hình phát triển. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trở nên giàu có, không biết và không quan tâm nhiều đến tiền lương của mình. Chênh lệch thu nhập ngày càng lớn và vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước”.

Tiền lương sẽ đảm bảo được mức sống tối thiểu

Hiện Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đang khẩn trương xây dựng đề án chi tiết về tiền lương trong giai đoạn tới theo hướng sẽ có đề án cụ thể với từng đối tượng, từng vùng, cơ chế đối với khu vực DN.

Trong các giải pháp cải cách tiền lương tới đây, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nhấn mạnh: “Cần phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực DN làm cơ sở để người sử dụng LĐ và NLĐ thỏa thuận tiền lương.

Còn đối với khu vực nhà nước thì xây dựng mức tiền lương cơ bản tương ứng mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức - loại LĐ công vụ, LĐ đặc thù thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đồng bộ với tiền lương phải là vấn đề năng suất, hiệu quả công việc. Đối với bộ máy nhà nước, đó là việc sắp xếp lại theo mô hình vị trí việc làm, đổi mới cơ chế tự chủ trong khu vực dịch vụ công và tạo nguồn để đảm bảo chi trả lương phù hợp với chất lượng và hiệu quả công việc”.

Bà Trương Thị Mai cho biết, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 3 sắp tới (cuối tháng 5.2012) sẽ thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Dự thảo bộ luật cũng xác định tiền lương là một trong những công cụ quan trọng của nhà nước để điều chỉnh các quan hệ LĐ. Vai trò của nhà nước là công bố mức tiền lương tối thiểu và xây dựng nguyên tắc xác định tiền lương tối thiểu để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Theo Thanh Niên

                                                    

Các tin cũ hơn