Gỗ sưa quý cỡ nào?

Thứ năm, 17/05/2012, 15:26
Gỗ sưa là loại gỗ tốt nhưng bảo nó có giá trị dược liệu quý đến đâu thì quả thật cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định, tất cả chỉ là những lời đồn đoán vô căn cứ từ những thông tin tù mù.


>>Quảng Bình quyết thu hồi số gỗ sưa
>>Vụ cướp gỗ sưa giữa ban ngày: Hỗn loạn “cháy” lan
>>Vụ gỗ sưa trăm tỉ: Diễn biến khó hiểu!

Nhưng cơn sốt gỗ sưa là chuyện có thật đang khiến nhiều nơi mất ăn mất ngủ. Chỗ thì cắt cử người canh me cây sưa ngày đêm, nơi thì kiểm lâm thắt chặt vòng kiểm tra gắt gao, còn người dân nhiều nơi thì lén lút vào rừng quần thảo để tìm gỗ sưa.

“Nghe nói nó có giá trị tâm linh dữ lắm!”

Anh Võ Sơn Quyền, một người có thâm niên hơn 15 năm đi rừng ở Quảng Bình cho biết: "Gỗ huê (gỗ sưa) mọc rất thưa thớt trong tự nhiên, chủ yếu trên các vách lèn đá vôi hiểm trở. Cây sưa thường có ròng (lõi) to, săn chắc, không bị nứt, cong vênh, lại có đường hoa văn tự nhiên rất đẹp nên có giá trị thương mại rất cao.

Trong khi đó, gỗ sưa trồng ở nhà, vườn đồi do đất đai màu mỡ nên dù thân cây phát triển rất nhanh nhưng lõi lại chậm phát triển. Thông thường một cây từ khi trồng cho đến khi có giá trị khai thác mất khoảng từ 25 năm trở lên, với đường kính lõi chưa tới 15 cm".

Theo anh Quyền, giới buôn bán gỗ sưa có kinh nghiệm cũng chưa thể khẳng định gỗ sưa dùng để làm gì. Còn trong dân gian, gỗ sưa thường được dùng để tiện làm đồ trang trí như bộ lư hương, bình hoa, đĩa chưng hoa quả trên bàn thờ…

Một thương lái gỗ sưa và trầm hương có thâm niên gần 10 năm trong nghề tên C. tại Quảng Bình khẳng định: “Chúng tôi chỉ biết các đầu nậu Trung Quốc gom hàng (gỗ sưa) với giá cao để kiếm lời. Còn thực tế, loại gỗ này dùng để làm gì thì tuyệt nhiên chúng tôi không biết.

Thực tế loại gỗ này có mùi thơm và rất nặng (nặng hơn gỗ lim) nên các thương lái thường cho rằng xuất sang Trung Quốc ngoài chức năng trang trí còn có công năng làm thuốc chữa bệnh viêm xoang hay… gì gì đó.

“Công năng về gỗ sưa chỉ là sự đồn đoán trong giới đầu nậu buôn bán loại gỗ này mà ra thôi. Còn giá trị thực tế thì hầu như chưa ai biết tường tận đâu. Nhưng nói chung chúng tôi nghe đồn nó thiên về hướng tâm linh” - anh C. nói.

Theo anh C. giá sưa đẩy lên cao chót vót một phần là do các thương lái tranh giành lẫn nhau từng lạng gỗ (kể cả gỗ rác, mạt cưa).
 

Cây gỗ sưa
 

Giá trị tù mù

GS Phùng Tửu Bôi - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) cho biết: "Cây gỗ sưa là loại gỗ quý, tốt, chỉ đứng sau các loại gỗ nhóm 1 như đinh, lim, sến, táu… Xét về độ quý hiếm thì phải nói đến gỗ lát hoa, mùi thơm thì phải nói đến giáng hương chứ gỗ sưa cũng chưa được nhắc đến. Phát triển lõi nhanh là đặc tính nổi trội của cây gỗ sưa, khoảng 20 năm đã cho đường kính lõi từ 15 đến 20 cm là có thể sử dụng được".

Theo GS Bôi, từ xưa đến nay ở Việt Nam chỉ dùng gỗ sưa làm tủ thờ, bàn ghế, sập, gụ, đồ nội thất… vì tính chất bền, mùi thơm, vân đẹp, màu sắc gỗ đẹp, dùng càng lâu gỗ sẽ chuyển đỏ sang đen bóng. Về mặt giá trị tâm linh thì tùy mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc, còn yếu tố trị bệnh tốt cho sức khỏe thì các nhà khoa học đã nghiên cứu nhưng chưa có kết quả gì chứng minh điều đó.

GS Bôi cho biết, việc đồn thổi giá trị gỗ sưa lên mấy chục triệu đồng/kg gỗ, mỗi cây trị giá hàng tỉ đồng dẫn đến nạn chặt trộm đã xảy ra nhiều năm trước. Lúc trước, các nhà lâm nghiệp đã thành lập đoàn sang Trung Quốc tìm hiểu thì thấy bên đó họ cũng trồng, rào sắt bảo vệ cây nhưng gỗ chuyển đến đâu, làm gì thì bí mật.

Nhiều tin đồn cho rằng Trung Quốc mua về làm đồ nội thất sẽ mang lại may mắn, giàu có, rồi mua cả rễ, lá, đất xung quanh cây sưa để chiết hoạt tính, vi lượng quý trị bá bệnh… “Những thông tin nói bột gỗ sưa đỏ có dược tính đặc biệt, trị được căn bệnh viêm xương chỉ là những lời đồn đoán vô căn cứ. Cho đến nay tôi chưa nghe ai nói, chưa từng thấy có tài liệu hay công trình khoa học nào nói đến điều này cả”, GS Bôi nói.
 

Gỗ sưa dùng để làm nhà, đóng bàn ghế


Coi chừng mắc bẫy!

Anh Nguyễn Văn Sỹ, người Quảng Bình cho hay, cách nay hơn năm năm khi thương lái Trung Quốc bắt đầu đẩy giá gỗ sưa lên cao, bố anh mới mua vài chục cây giống về trồng quanh vườn cốt để làm bóng mát. Hiện nay số cây này có đường kính hơn 20 cm nhưng lõi cây chỉ to bằng chiếc đũa. “Trồng lên để che chắn gió bão, ngăn lũ và lấy bóng mát chơi chứ chả biết bao giờ mới bán được” - anh Sỹ nói.

Bà Nguyễn Thị H., sở hữu gần 100 ha rừng trồng gỗ nguyên liệu và cao su ở miền tây Quảng Trị, cho hay mặc dù gỗ sưa được các thương lái đẩy giá lên cao nhưng đến nay các chủ rừng tại Quảng Trị chẳng ai mặn mà đầu tư quá 1 ha vào loại cây này. Bởi không ai dám mạo hiểm với giống cây trồng mà thời gian chăm sóc rất dài, lại không có đầu mối bao tiêu sản phẩm.

“Bản thân tôi cũng đầu tư trồng vài trăm cây quanh rừng cao su, cùng với cây xà cừ với mục đích để che chắn gió chứ chưa suy nghĩ sẽ lấy nó làm nguồn chủ đạo cho khai thác gỗ trong tương lai”, bà H. cho biết.

Dù vậy, theo bà H., mấy năm gần đây các công ty đầu tư trồng rừng tại Lào ồ ạt thu mua cây sưa con từ Việt Nam để đưa sang trồng ở Lào.

“Hiện tượng gỗ sưa nổi lên như vậy bởi do thương lái Trung Quốc thổi giá lên cao chứ họ chẳng nói gỗ sưa dùng để làm gì. Cho nên mọi thứ cứ tù mù với nhau. Giá trị của cây sưa hiện nay hoàn toàn bị kích thích từ bên ngoài chứ không phải bởi chính bản thân nó có giá trị đặc biệt gì.

Nhà nước cần phải can thiệp thế nào chứ nếu để điều này kéo dài người dân cứ đua nhau đi chặt phá rừng, một cây bị đốn đi thì cả hệ sinh thái xung quanh bị ảnh hưởng. Đó là chưa nói không chừng dân sẽ ùn ùn đổ xô đi trồng sưa. Để có một cây bình thường có bóng mát thì chỉ cần vài năm nhưng một cây sưa trưởng thành cho ra sản phẩm cần phải trải qua hàng chục cho đến hàng trăm năm. Lúc ấy lại thành ra đầu tư quá lớn mà đầu ra lại không được bao nhiêu” - GS Phùng Tửu Bôi cảnh báo.
 

Giá trị chữa bệnh: Chỉ là tin đồn!

Giữa năm 2006, nạn truy lùng gỗ sưa rộ lên ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế). Cuối năm 2006, phong trào thu hái hạt giống sưa rộ lên tại Huế. Những cây sưa còn trẻ, chỉ mới cho quả bói cũng bị vặt quả triệt để, cho dù quả chưa đủ độ chín để gieo ươm.

Năm 2007-2009, rộ lên thông tin đồn thổi về chuyện trồng sưa, về giá cả cây giống xuất vườn. Sau đó thì cũng chìm lắng, người ươm giống thì buông xuôi. Nhiều giảng viên và sinh viên khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm Huế cũng từng thử nghiệm gieo ươm với mục đích bảo tồn nguồn gen bằng con đường tự trồng ở vườn trại, kết hợp bán cây giống nhưng rồi cũng chẳng mấy ai mua.

Hai năm qua, những hàng cây sưa ở Huế trĩu quả nhưng chẳng ai ngó ngàng tới.

Việc sử dụng gỗ sưa cho mục đích gì vẫn là một ẩn số. Nhiều bài báo cho rằng nó có nhiều giá trị vô cùng quý, từ việc phục vụ tâm linh đến chữa bệnh nan y. Nhưng cũng chỉ là tin đồn. Mặc dù rất quan tâm loài cây rừng quý hiếm này nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy được một công trình khoa học nào công bố về tác dụng của gỗ sưa.


Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm,nguyên giảng viên khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm Huế


Một số “chiêu độc” của thương lái Trung Quốc

Từng có thời gian thương lái Trung Quốc về các chợ nông thôn Việt Nam thu mua móng trâu với giá rất cao, nhất là móng từ bốn chân của một con trâu được họ mua với giá cao hơn cả giá một con trâu. Thế là nông dân và bọn trộm ra sức chặt móng trâu đem bán.

Chỉ một thời gian ngắn, đàn trâu - vốn là sức kéo cho nông nghiệp - bị giảm sút nghiêm trọng. Ngay sau đó, các lái trâu Trung Quốc sang ta “tiếp thị” bán trâu và cả máy kéo.

Tương tự, có lúc thương lái Trung Quốc đến các chợ thu mua rễ hồi, rễ quế với giá ngất ngưởng. Dân thấy vậy đổ xô đi đào rễ hồi, rễ quế để bán, chẳng mấy chốc hai loài dược liệu quý này có nguy cơ xóa sổ.

Hoặc cũng thương lái Trung Quốc mua râu ngô (bắp) non, xúi nông dân ta triệt phá nương ngô mang bán; thu mua mèo, trăn, rắn giá cao khiến lũ chuột sinh sôi phá hoại mùa màng nghiêm trọng; hay như vụ ốc bươu vàng, chè vàng cũng từ thương lái Trung Quốc, khiến nông nghiệp nước ta một thời khốn đốn.

Đó là chưa nói có lúc họ còn thu mua cả dây đồng vụn, dây cáp quang với giá “trên trời”, dụ người dân đi cắt dây diện, dây cáp quang dưới biển để bán cho chúng. Gần đây nhất có thể kể tới việc thu gom đỉa ở nhiều vùng quê...             



Theo PhapluatTP

Các tin cũ hơn