>> Clip quảng cáo mỳ Gấu đỏ: "Bán hàng trên lòng trắc ẩn của cộng đồng"?
Ngay sau thông tin về đoạn clip quảng cáo mỳ gấu đỏ gây ra những phản ứng trái chiều của cư dân mạng xung quanh việc sử dụng hình ảnh nhân vật cũng như số tiền được trích ra từ mỗi gói mỳ để ủng hộ trẻ em nghèo được đăng tải, tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi, ý kiến của độc giả.
Trong số đó có một bức thư của độc giả N.T.T.T mong muốn thông qua báo chí gửi đến ông Chủ tịch HĐQT và Ban giám đốc quản lý thương hiệu mỳ Gấu đỏ. Mời bạn đọc theo dõi:
Gửi ông Chủ tịch HĐQT và ban giám đốc công ty mỳ Gấu đỏ!
Thưa các ông, tôi cũng đã xem đi xem lại nhiều lần đoạn clip quảng cáo mỳ Gấu đỏ được phát trên một số kênh truyền hình cũng như mạng Internet. Quả thực, những hình ảnh về câu chuyện của các nhân vật trong đoạn clip đó đã làm cho tôi rất cảm động, nhiều lần rớt nước mắt.
|
Hình ảnh cậu bé Tuấn được cắt từ đoạn clip quảng cáo mỳ Gấu Đỏ. |
Đặc biệt hình ảnh của cậu bé Tuấn, nhân vật bị bệnh hiểm nghèo, không chỉ xuất hiện trên clip mà sau đó còn xuất hiện trên rất nhiều các băng – rôn quảng cáo ngoài trời đã cho thấy sự thành công của các ông nhằm việc truyền tải thông điệp: hãy mua mỳ của để cùng nghĩ đến những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.
Và tôi dám chắc, không ít người tiêu dùng đã chuyển sang mua và sử dụng sản phẩm mỳ của các ông vì thông điệp từ quảng cáo đó.
Là một người đã nhiều lần đi quyên góp, trực tiếp tham gia các chuyên hành trình từ thiện, giúp đỡ các trẻ em nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo ở không ít vùng khó khăn của tổ quốc nên tôi hiểu rõ một điều, khi làm từ thiện, quyên góp thì một đồng thôi cũng là rất đáng quý, đáng trân trọng.
Nó quý ở không chỉ ở tinh thần mà hơn thế là nó thể hiện lên một tấm lòng, trách nhiệm của doanh nghiệp, dù làm ăn, tính toán đến lỗ lãi nhưng vẫn sẻ chia một phần lợi nhuận kinh doanh để góp phần chăm lo cho xã hội, cộng đồng.
Nhưng đi vào bên trong nội dung cảm động của clip này, như nhiều người đã tính toán, với số tiền các ông đưa ra ăn 1 gói mỳ sẽ ủng hộ được 10 đồng, như tôi muốn ủng hộ 10.000 đồng cho trẻ em nghèo, sẽ phải ăn mỗi ngày một gói mỳ trong vòng 3 năm và muốn ủng hộ con số sẽ lớn hơn thì sẽ phải mua, ăn mỳ Gấu Đỏ gấp nhiều lần như thế…
Để có được thành công cho chiến dịch này, chỉ từ những chiêu thức quảng cáo để phát đoạn clip nhiều lần trên các kênh của VTV ở khung “giờ vàng” rồi hàng loạt các pano, áp phích gắn ở nhiều nơi thậm chí trên xe buýt… tính toán sơ sơ, tôi dám chắc chắn số tiền chi ra ở đây phải lên tới nhiều tỉ đồng.
Trong khi đó, ngay trong nội dung đoạn clip quảng cáo mỳ của các ông cũng không hề nhắc tới bất cứ một chút nào chất lượng của sản phẩm mà chỉ chú trọng đánh vào tấm lòng của người mua.
So sánh các con số, điều nêu ra ở trên, tôi thấy rõ ràng, mục tiêu của các ông đâu phải để xây dựng tấm lòng yêu thương trẻ em, yêu thương những số phận bất hạnh mà hình như cái cốt lõi chỉ nhằm khơi lên và đánh vào lòng trắc ẩn của người dân để bán được hàng, càng nhiều càng tốt?
Nhiều người cho rằng, với doanh nghiệp như các ông, việc kết hợp lợi ích kinh doanh và lợi ích cộng đồng trong truyền thông như vậy là hoàn toàn đúng đắn, đáng phải phát huy, là một sự "khéo léo" của doanh nghiệp?.
Nhưng theo tôi, nó chỉ đáng trân trọng, phát huy khi có mục đích trong sáng. Còn nếu như ở đây, chỉ nhằm lợi dụng vào những mảnh đời bất hạnh để đánh vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng nhằm bán được nhiều hàng, thu nhiều lợi nhuận thì thật là dã man, và lố bịch.
Theo Giaoduc