Cuộc sống nơi không hề có ánh điện

Thứ năm, 17/05/2012, 15:57
Trên thế giới, vẫn có hàng triệu người nghèo khổ, sống leo lắt trong cảnh không ánh đèn thường nhật...

>> Việt Nam có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới
>> Đạp xe 1.800 km đi học khởi nghiệp 

Ánh sáng là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sự sống của con người trên Trái Đất. Bạn đã bao giờ tự hỏi cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không có chút ánh đèn nào chiếu sáng ban đêm? Đó thực sự là một sự thiếu thốn nguy hiểm, vậy mà trên thế giới, vẫn có hàng triệu người nghèo khổ, sống leo lắt trong cảnh không ánh đèn thường nhật.
 
Năm 2007, trong chuyến công tác ở Ghana, tình nguyện viên vì hòa bình - Peter DiCampo khi đang đi bộ tại một ngôi làng đã bắt gặp vài đứa trẻ chơi đùa bên trong nhà thờ tối. Chúng tụ tập xung quanh quyển kinh Qur’an, khuôn mặt được chiếu sáng bởi những cây đèn pin nhỏ trong bàn tay. Cảnh tượng đã ám ảnh Peter về một thực tế phũ phàng: hơn 1,3 tỉ người - hơn 1/5 dân số thế giới hiện nay chưa có điện đèn để sử dụng vào ban đêm. Kể từ đêm ấy, Peter DiCampo đã dành nửa thập kỉ vào dự án “Cuộc sống không ánh đèn”. 
 
Ông đã sử dụng máy ảnh để ghi lại những hình ảnh sinh hoạt vào ban đêm ở khu vực không có điện, chỉ chiếu sáng bằng đèn pin hoặc ánh lửa lập lòe. Peter đã có mặt tại New Mexico, Iraq, Birmingham (Anh)… và chụp lại những bức hình nhằm cho cả thế giới thấy được hiện trạng đau thương này cũng như kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn nhân loại. 
 
Đây là bức ảnh một thanh niên trẻ tuổi tại Voggu, phía Bắc Ghana. Dân làng Voggu nằm trong số hơn 1,3 tỉ người hiện phải sống trong bóng tối. Trên thực tế, nơi đây có đường dây điện song không hiểu vì lý do gì mà bóng đèn chưa bao giờ được thắp sáng. Các thiết bị đường dây cuối cùng cũng đã bị đánh cắp và bán sắt vụn để lấy tiền.

Hình ảnh một thiếu nữ sống ở làng Voggu. Khuôn mặt đầm đìa mồ hôi vì cô vừa đi làm về. Ánh đèn pin quá yếu ớt không đủ để làm sáng rõ chân dung của cô gái nhưng cũng toát lên được phần nào ánh mắt của sự thiếu thốn, đại diện cho những người dân sống nơi đây.


Bức ảnh hai người đàn ông đứng tuổi trong bức chân dung với đèn pin này được chụp ngày 20/2/2010. Họ mặc hai bộ trang phục truyền thống và sinh sống tại làng Voggu, phía Bắc Ghana.

Manuel và Dorris - hai nhân vật trong bức ảnh sống tại Pajarito Mesa, New Mexico. Tấm hình được chiếu sáng nhờ hai chiếc đèn pin cá nhân họ đeo trên đầu. Tại Pajarito Mesa, người dân sở hữu hợp pháp đất đai song họ chưa bao giờ được coi là các hộ gia đình chính thức nên nơi đây không hề được cấp hệ thống điện, nước…

Cô bé Ana Maria Mendoya Aluidia (6 tuổi), sống ở Pajarito Mesa vẫn hồn nhiên tạo dáng với nụ cười ngây thơ, thánh thiện khi được chụp ảnh chân dung. Với trẻ em, dù thiếu đèn điện nhưng không có nghĩa là các em mất đi niềm vui của mình trong bóng tối.

Cả nhà của Aluidia chụp ảnh trong bóng tối. Đại gia đình gồm cha mẹ, bảy đứa con, một cháu trai và một cháu gái họ hàng sống cùng nhau trong ngôi nhà nhỏ ở Mesa. Họ phải sử dụng máy phát điện vài giờ mỗi ngày để giữ tủ lạnh, xem tivi chứ không hề dùng để chiếu sáng bởi họ đã quá quen với bóng tối.

Cụ bà Najma Ismajil Mohammed (74 tuổi), sống trong thế giới không ánh đèn tại Nawjool, huyện Chamchamal, Sulaymaniyah, Iraq. Bà có sáu người con, ba trong số đó chết trong nạn diệt chủng và xung đột quân sự năm 1988. Trước kia, Nawjool vốn là nơi có hạ tầng sinh hoạt song sau nhiều năm bất ổn về chính trị và kinh tế, chỉ còn lại một số ít gia đình có đủ điều kiện sử dụng nước và điện mà thôi.

Ảnh chụp gia đình Rashid Nashmil Aziz và Khalaf Mohammed Qochakh ở Binika, huyện Kifri, Diyala, Iraq. Trong bức ảnh, những đốm đỏ ẩn sau cả nhà chính là mỏ dầu gần đó. Ông Rashid tâm sự: “Tôi yêu nơi này, nhưng tôi sẽ dời đi nếu chính phủ không mang điện, nước và trường học tới đây. Tôi rất lo lắng cho tương lai của con em”. Được biết, trong quá khứ, Binika đã từng là một cộng đồng dân cư phát triển mạnh với đầy đủ trang thiết bị hạ tầng văn hóa, giáo dục và y tế cho tới trước khi xung đột quân sự đến đây. Tất cả những gì còn lại không đủ khỏa lấp được thiếu thốn mà cư dân nơi đây phải chịu đựng.

Khuôn mặt đầy lo lắng cho tương lai gượng gạo của Layla Hussein Ali dưới ánh sáng yếu của chiếc đèn pin. Bức hình được Peter DiCampo chụp ngày 5/7/2010.

Ánh sáng yếu ớt đến độ không đủ để làm nổi bật khuôn mặt của em bé gái. Tất cả những gì mà ta quan sát được chỉ là hình dáng của em mà thôi.


Một bé gái khác cũng đã quá quen với cảnh sống trong bóng tối.

Cuộc sống nghèo khổ của những cậu bé trưởng thành sống trong thế giới không đèn điện. Câu hỏi được đặt ra là liệu sự tăm tối có dập tắt ánh sáng mơ ước về tương lai của các em không?
 

Theo MASK

Các tin cũ hơn