Bà Mười và lớp học cho trẻ bụi đời

Thứ năm, 17/05/2012, 17:07
Lớp học nằm kề bên con kênh tấp nập thuyền bè qua lại, bán buôn. Nơi đây, đã 12 năm là điểm đến và đi của hàng nghìn đứa trẻ bụi đời, lang thang không nhà không cửa.

>>TP.HCM: Lớp học trong bệnh viện
>>Lớp học dưới chân cầu Long Biên

Chúng đến để học cái chữ để rồi lại đi tiếp tục cuộc mưu sinh cùng với hành trang là những con chữ đủ cho chúng viết được cái tên của mình lên trang đời không bến đậu.
 

Bà giáo Mười
 

Bà giáo không chuyên và lớp học đặc biệt

Bà Mười (tên thật Lữ Thị Lệ Nương, ngụ tại Q. 7, TP. HCM) là cái tên thân mật bọn trẻ gọi người đã dạy dỗ, dìu dắt chúng từ những đứa trẻ bụi đời, lang thang sống trôi dạt nay đây mai đó có một cơ hội được đến trường học.

Tất cả các em đều xuất thân từ nghèo khó, cuộc sống tăm tối bần hàn, không một ngày được cắp sách tới trường. Lớp học lúc đầu chỉ có vài em, bà Mười tận tình đứng lớp dù bà chưa một ngày làm cô giáo đã vận dụng hết những gì mình có được và cả sự minh mẫn còn lại của tuổi già dạy chữ cho trẻ. Căn nhà nhỏ của bà ngày ngày âm vang tiếng đánh vần A, B, C, tiếng đếm số từ 1 đến 10 của học trò.

Những ngày đầu, do lớp học quá ít học sinh nên cứ xong mỗi giờ học là bà Mười lại đi lang thang trên những con đường men theo bờ kênh để tìm trẻ về dạy chữ. Có những đứa vui thích đồng ý nhưng cũng có những em im lặng lắc đầu vì không cuộc mưu sinh để duy trì sự sống.

Đối tượng thứ hai bà Mười nhằm tới là những đứa trẻ sống trên những chiếc ghe theo cha mẹ đi buôn bán hoặc con em vạn chài. ở đối tượng này, vì chúng còn cha mẹ nên khi bà Mười ngỏ ý muốn dạy học miễn phí cho con họ thì họ vui vẻ đồng ý.

Dần dần, lớp học của bà Mười đông dần lên với những học sinh ở đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Có đứa lớn nhất là 22 tuổi và đứa nhỏ nhất là 5 tuổi, tất cả đều ở điểm xuất phát tập làm quen với con chữ. Tiếng lành đồn xa, nhiều đứa trẻ lang thang khác biết được đã tự nguyện tìm đến xin học. Con số ngày một tăng, một mình không thể kham nổi với số lượng học trò lên tới hàng trăm và căn nhà nhỏ cũng không thể đủ chỗ ngồi cho các em.

Vậy là bà Mười lại đi vận động các hội bên phường cùng với sự giúp sức của các bạn sinh viên và giáo viên trường sư phạm, lớp học nhà bà Mười chuyển về tá túc tại một nhà kho dưới chân cầu Tân Thuận của một công ty cho mượn.

Cô trò gồng mình với con chữ

"Học chữ không dễ chút nào, đặc biệt với những đứa trẻ đã quá tuổi đến trường lại sống trong môi trường chợ búa nên việc học chữ quả là một sự dày công khổ ải. Đối với những người dạy tình nguyện thì ngoài sự kiên trì, bền bỉ ra còn phải có một tấm lòng cao thượng, yêu thương và thấu hiểu được bọn trẻ thì mới bám trụ được với chúng", bà Mười chia sẻ.

Một bà giáo không chuyên cùng một lớp học trò đặc biệt. Bà chẳng khá giả gì khi đang sống bằng đồng lương hưu trí ít ỏi, những lúc lớp học đông, bà tự bỏ tiền túi ra thuê cô giáo trẻ, có kiến thức về dạy mong có con chữ ngày càng nhiều. Có những em, vừa học được một tuần thì bỏ ngang, bà Mười tìm tới động viên thì em nói, cũng muốn học lắm nhưng học mãi không hiểu gì cả, em muốn về đi đánh giày thôi.

Sau khi thuyết phục và hứa mỗi buổi em đi học thì bà sẽ cho em số tiền bằng với số tiền một ngày em đánh giày được. Em lại đồng ý tiếp tục học. Nhưng rồi chỉ một tuần sau, em tìm bà xin nghỉ.

Em vừa nói vừa khóc là em cố gắng lắm rồi nhưng học vẫn không hiểu. Em bảo trước khi tới lớp, bên cạnh cuốn vở viết là hộp đánh giày, trong lớp học em chỉ nghĩ tới hôm nay sẽ kiếm được bao nhiêu tiền và sẽ ăn cơm với gì nên không thể hiểu được những con chữ trong sách, cứ sau mỗi buổi học là em lại chạy ù đi ra đường đánh giày.

Đó là tình trạng chung của những học sinh nơi đây, không ai trách chúng cả vì những gì chúng nói ra là sự thật. Lại có em sau khi học được một thời gian thì tìm tới bà Mười thỏ thẻ trong nghẹn ngào: “Con không muốn nghỉ học chút nào cả nhưng ngày mai ba mẹ con phải rời ghe tới chỗ khác. Con đã học thuộc bảng chữ cái và đếm được từ 1 đến 10 rồi".

Bà Mười chỉ còn biết nhìn chúng rời lớp học ra đi trong sự thương xót vô cùng. Bà nghẹn ngào: “Tôi thương lũ học trò nhỏ vô cùng, có nhiều em ham học nhưng phải đứt gánh giữa chừng vì nhiều lý do. Bây giờ những đứa trẻ tôi đưa về dạy chữ ngày nào không còn nhiều nữa. Qua thời gian lớp học cứ vơi dần đi, tôi đau lòng phải chứng kiến cảnh các em rời xa con chữ lao ra ngoài xã hội kiếm sống".
 


Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn