TP.HCM: Thấp thỏm nỗi lo sạt lở

Thứ tư, 23/05/2012, 19:47
Đã vào mùa mưa, nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM lại phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, người dân lại sống trong thấp thỏm lo âu, trong khi tiến độ nhiều công trình xây dựng bờ bao, bờ kè chống sạt lở bị chậm.

>>Sông Trà Nóc bất ngờ sạt lở, nhiều nhà dân trôi sông
>>Sạt lở đá trên núi Cấm do... tự nhiên?
>>Sạt lở bãi mỏ than Phấn Mễ do đất nền quá yếu
 

 


Nhà người dân bị sạt lở
 

Chậm tiến độ, dân lãnh đủ

Mấy ngày qua, trên địa bàn thành phố (TP) liên tục xuất hiện mưa lớn kéo dài, gây ngập ở nhiều khu vực. Hầu như các quận, huyện có sông rạch chảy qua đều còn nhiều đoạn bờ bao xung yếu, có nguy cơ vỡ bờ, tràn bờ khi mưa to hoặc triều cường.

Huyện Bình Chánh hiện vẫn còn nhiều tuyến đê bao thấp, thường xuyên bị tràn bờ khi xuất hiện triều cường. Huyện Củ Chi, địa bàn thường xuyên bị sông Sài Gòn uy hiếp trong mùa mưa cũng còn nhiều đoạn bờ bao thấp, yếu.

Tại huyện Hóc Môn, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng nước sông tràn gây vỡ bờ nhưng đến thời điểm này vẫn còn một số đoạn bờ bao nhỏ hẹp, yếu, nhất là địa bàn xã Thới Tam Thôn. Thậm chí, ngay tại các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông (quận 12) cũng có nhiều đoạn bờ bao xung yếu, uy hiếp khu dân cư.

Trong khi tình hình sạt lở diễn biến phức tạp thì hầu hết các công trình xây dựng bờ bao, bờ kè chống sạt lở đều thi công chậm do vướng khâu đền bù, giải tỏa.

Điển hình là dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa được triển khai từ năm 2006, nhưng do mật độ nhà cửa san sát bờ sông, khối lượng cần giải tỏa quá lớn khiến dự án kéo dài, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Với 7 tiểu dự án, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, hiện mới chỉ có gói thầu bờ kênh dài gần 500m được khánh thành, còn các đoạn bờ kênh khác vẫn ngổn ngang.

Tình trạng này khiến hàng trăm hộ dân sống trong bán đảo Thanh Đa - Bình Quới vẫn phải sống chung với cảnh nước dâng ngập đường mỗi khi thủy triều lên.

Công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn gồm 2 tiểu dự án Nam Rạch Tra và Bắc Rạch Tra, do BQL đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư, đến nay đã cơ bản hoàn thành; tuy nhiên đoạn qua địa bàn quận 12 và huyện Củ Chi cũng còn vướng giải tỏa mặt bằng một số hộ dân khiến tiến độ dự án bị chậm.

Khẩn trương khắc phục "điểm nóng"

Theo Ban chỉ huy (BCH) Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) TP, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 9 vụ sạt lở, tập trung tại các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, các quận Thủ Đức và Bình Thạnh, gây sạt lở 4.556m2, thiệt hại hơn 12 tỷ đồng, làm chết 3 người.

Đặc biệt, vụ sạt lở bờ Rạch Dơi thuộc ấp 4, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) hồi cuối tháng 8/2011 đã làm 1 người chết, đồng thời kéo 4 căn nhà đổ hoàn toàn xuống sông. Trong khi đó, theo Sở GTVT, TP hiện vẫn còn 62 khu vực sạt lở, trong đó có 29 khu vực đặc biệt nguy hiểm. Đáng lo ngại là đã bước vào mùa mưa, nguy cơ sạt lở ở những khu vực này rất lớn, thường xuyên uy hiếp các khu dân cư.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí cho biết, UBND TP đã giao Sở GTVT và các cơ quan chức năng liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án phòng, chống sạt lở đã ghi kế hoạch vốn. Hiện trong 62 vị trí có nguy cơ sạt lở thì 34 vị trí đã được TP chấp thuận chủ trương đầu tư, còn lại 28 vị trí TP giao Sở GTVT chủ trì, lập kế hoạch, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ thực hiện từng năm.

Thành phố cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển và lập các bến bãi trái phép.

Hiện BCH PCLB & TKCN TP đang tổ chức các đoàn công tác (kết thúc vào ngày 10/6/2012) kiểm tra công tác PCLB tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, các quận 2, 4, 7, 8, 9, 12, Bình Thạnh và Thủ Đức. Trên cơ sở kiểm tra, TP sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai khi xảy ra.

 

Theo HaNoimoi

Các tin cũ hơn