Nhiều lý giải sau 10 ngày bé gái không "gây cháy"

Thứ tư, 30/05/2012, 10:18
Từ sau hội thảo công bố nguyên nhân bé Thùy "gây cháy là do luồng năng lượng cơ thể" đến nay đã 10 ngày trôi qua không còn hiện tượng này nữa. Quan sát tình hình, mỗi nhà khoa học đang nghiên cứu có một cách lý giải khác nhau.

>>Uống nước dừa, bé gái "gây cháy" hết phát hỏa
>>Bé gái gây cháy: Nội bộ nhà khoa học bất đồng
>>Bé gái gây cháy: Nữ giới có phần nam tính vượt trội?
>>Vụ cháu bé “gây cháy”: Sau bật mí chập điện, hết gây cháy!

Trong khi các nhà ngoại cảm cho rằng cô bé không còn "gây cháy" nữa có thể do "phương pháp chữa trị bằng trái dừa" mà họ áp dụng đã phát huy tác dụng, thì một số nhà khoa học khác lại hoài nghi bản chất hiện tượng này và cho rằng đây có thể là một vụ dàn xếp ngụy tạo hiện trường, và khi "có động tĩnh" thì kẻ chủ mưu không dám tiếp tục phóng hỏa nữa.
 



10 ngày qua cô bé Thùy không còn "gây ra" vụ cháy nào nữa
 

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, dẫn đầu đoàn nhà ngoại cảm Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người trực tiếp đến nhà cô bé "gây cháy" để tìm hiểu vụ việc cho biết, gia đình bé Thùy thông báo với ông là đã áp dụng phương chữa bệnh bằng trái dừa do một nhà ngoại cảm đề xuất.

Có nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của cách chữa bệnh "lạ lùng" trên, ông Hải khẳng định, đó là một phương pháp thường được các nhà ngoại cảm sử dụng để chữa cho nhiều người khỏi bệnh. Trong vụ việc vừa qua, một nhà ngoại cảm nữ có khả năng "thấu thị đặc biệt" nhìn thấy não của cô bé "gây cháy" bị một tổn thương lớn nên dùng cách này giúp em lành bệnh.

"Chữa bệnh bằng năng lượng sinh học có 2 cách: Tác động trực tiếp (như đặt tay nhân điện) hoặc tác động gián tiếp như truyền năng lượng vào nước, nước dừa rồi cho bệnh nhân uống. Ở đây chúng tôi dùng trái dừa tươi vì xét về góc độ thực phẩm, dừa tươi vốn là một thức uống giải khát lành tính, sạch sẽ và độ an toàn cao hơn", ông Hải nói.

Mặt khác, vừa qua Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã gửi công văn đến các đơn vị công an địa phương khẳng định đơn vị này không chịu trách nhiệm về phát ngôn của ông Nguyễn Phúc Giác Hải liên quan đến hiện tượng bé "gây cháy". Lý do là ông Hải tham gia nghiên cứu tự phát và mang tính cá nhân chứ không phải được trung tâm cử đi.

Về vấn đề này ông Hải khẳng định đã xin ý kiến của Giám đốc trung tâm (đang đi công tác ở Mỹ). Ông sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về phát ngôn của mình với tư cách là chủ nhiệm bộ môn Thông tin dự báo.

"Ngày 9/5 tôi nhận được thư của gia đình cháu bé nhờ chúng tôi tìm hiểu để chữa trị cho cháu. Tôi đã xin phép Giám đốc trung tâm và đưa các nhà ngoại cảm vào TP HCM với tư cách là người nghiên cứu. Những công bố tôi nói ra tôi sẽ chịu trách nhiệm", ông Hải quả quyết.
 



Những quả dừa đã được truyền năng lượng dùng để "chữa" bệnh cho cháu bé
 

Cũng tham gia tìm hiểu vụ việc này, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA cho biết, đến nay vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính xác về bản chất của hiện tượng.

Tuy nhiên theo đánh giá về phương diện điều tra hình sự thì bản thân cháu bé "gây cháy" cũng chỉ là một trong các đối tượng nằm trong tầm nghi vấn, bên cạnh rất nhiều tình huống và đối tượng nghi vấn khác đang được đặt vào để khoanh vùng nguyên nhân.

Ngay từ đầu vào cuộc nghiên cứu, ông Khanh đã đặt ra 5 giả thiết về nguyên nhân gây ra hiện tượng cháy bất thường này như: Thứ nhất - năng lượng điện từ trường xung quanh tác động đến cơ thể cô bé và gây kích cháy, nổ những vật dụng bằng điện xung quanh; thứ hai - có thể sau khi trải qua một biến cố nào đó, cấu trúc sinh học trong cơ thể con người thay đổi nên có những khả năng đặc biệt.

Trường hợp này cũng kỳ bí tương tự như hiện tượng của thiên nhiên là "sét hòn" khoa học chưa thể giải thích được; thứ ba - hiện tượng này do có người dàn xếp; thứ tư - xuất phát từ yếu tố ngẫu nhiên; thứ năm là yếu tố tâm linh.

Vị đứng đầu UIA cho rằng, trong nghiên cứu hình sự trước hết phải hoài nghi tất cả, rồi dùng các biện pháp suy luận để loại bỏ dần các yếu tố ngoại phạm mới mong tìm ra nguyên nhân chính của vụ việc. Khi xác định chắc chắn nguyên nhân của vụ việc, giải thích bản chất hiện tượng rồi mới tìm biện pháp ứng phó.

"Nếu chưa rõ nguyên nhân gì (ví dụ như chưa khám được bệnh) mà đã 'bốc thuốc' thì chỉ là lang vườn thậm chí lang băm chứ chưa thể gọi là thầy thuốc chữa bệnh cứu người được", ông Khanh phát biểu.

Đánh giá về phương pháp "chữa trị" bằng trái dừa của các nhà ngoại cảm Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, ông Khanh từ chối bình luận mà cho rằng, mỗi nhà khoa học có một phương pháp nghiên cứu và giải pháp khác nhau. Trên thực tế một số nhà ngoại cảm đã dùng năng lượng sinh học như thế để chữa bệnh hoặc tìm mộ liệt sĩ, những thành tựu này đã được công nhận rộng rãi.

"Tôi chưa có kết luận cụ thể nhưng vụ việc này cũng có thể tóm lại bằng một câu chuyện khá khôi hài như sau: Khi thấy hiện tượng nguyệt thực, người ta cho rằng đó là "gấu ăn trăng". Do vậy có xã thì mang mật ong ra cúng (vì gấu hay ăn mật ong), có những xã lại mang pháo ra đốt (vì cho rằng gấu sợ pháo), xã khác lại mang lửa ra đốt hoặc nỗi niêu xoong chảo ra gõ (để cho gấu nó sợ).

Sau 30 phút thì mặt trăng lại ló ra, và xã nào cũng cho rằng "gấu" đã nhả mặt trăng ra là do công của xã mình. Trong khi đó nhà thiên văn học thì vẫn mải mê dùng kính viễn vọng quan sát, và vẫn chưa biết nói gì", ông Khanh đúc kết.

Về phía gia đình cháu bé, bố mẹ của Thùy khẳng định không "tự đốt nhà để được nổi tiếng" như nhiều lời đồn đại. Trong 10 ngày qua hiện tượng cháy đồ vật trong nhà không còn nữa nhưng cơ thể bé Thùy liên tục bị nổi mẩn ngứa và co giật.

"Một mặt gia đình sẽ sử dụng các thiết bị máy móc để tự kiểm chứng, một mặt vẫn tiếp tục gửi thư đến các tổ chức khoa học uy tín nhờ họ vào cuộc tìm nguyên nhân", anh Vũ, bố của cháu bé bày tỏ.

Tên hai cha con đã được thay đổi theo yêu cầu của gia đình
 

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn