Gái có công chồng chẳng phụ!

Thứ hai, 25/07/2011, 00:00
Chị ơi, mới đây em đã phải cay đắng tự nhủ với mình: từ nay sẽ bớt tử tế đi, vì tử tế phí công, không nhận lại được gì. Em chăm sóc cha mẹ chồng, anh cho đó là nghĩa vụ, yêu cầu em không bao giờ được đem chuyện cha mẹ ra kêu ca với anh.

Ảnh: GettyImages

Em bảo chuyện gì cũng phải bàn qua vợ chồng, nhưng khi anh lo cho cha mẹ, giúp đỡ họ hàng thì lại gạt em ra, bảo đó là việc của anh, đừng xen vào chuyện đại gia đình anh. Chị ơi, lẽ nào em muốn chung vai mọi việc trong gia đình thì bị ngăn cản và những sai sót yếu kém của người thân bên anh thì em lại phải chịu đựng, không thể nói được? Em nên làm gì, thưa chị?

Lê Thị Tú (Q.10, TP.HCM)

Em Tú mến,

Có lẽ điểm mấu chốt ở đây là việc em đã “đem chuyện kêu ca về cha mẹ nói với anh”. Việc này thật ra đâu có lỗi gì lớn, bởi vợ chồng vẫn thường trao đổi nhận xét về hai bên nội ngoại mà. Nhưng anh ấy đã không hài lòng và gạt em ra khỏi mối quan hệ ấy. Do vậy, việc đầu tiên là em nên hết  sức bình tĩnh, khách quan xem xét lại cách cư xử của mình với ông bà. Có khi nàng dâu chăm sóc phục vụ, nhưng thật lòng lại thiếu tình thương cha mẹ chồng. Nếu có tình thương, sự tin cậy, không phải giữ kẽ “làm đúng nhiệm vụ để không kêu trách vào đâu” thì hai bên sẽ sống thoải mái, chân thành với nhau như những người ruột thịt. Dân gian có câu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo” là thế.

Suy nghĩ của em “sẽ bớt tử tế đi vì tử tế chẳng nhận lại gì” là một ý nghĩ tai hại. Chẳng lẽ làm tốt, tử tế còn phải kèm điều kiện được nhận lại sao? Tốt là vì mình, là tính, là tâm của mình, không vụ lợi. Nhưng theo Hạnh Dung, đối với những người ruột thịt, dù cho đi không toan tính nhưng chắc chắn bao giờ em cũng được nhận lại. Nhận ở đây không có nghĩa là người đó trả ơn gì mình, mà là ta sẽ có được một gia đình đầm ấm, nhiều người được sung sướng, được chăm sóc. Còn nếu ta đã cố gắng rồi mà người khác không thấy thì sao? Hạnh Dung tin sự “không thấy” đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, còn bên trong, không ai lại không thấy rằng mình đang được giúp đỡ, được nhận sự tử tế. Nếu em thật lòng với cha mẹ chồng (đừng kêu ca với anh ấy bằng giọng phê phán bực bội) thì anh ấy sẽ cảm nhận được ngay. Gái có công chồng chẳng phụ!

Em nên thu xếp cuộc sống mình sao cho nhẹ nhõm vui vẻ, không phải chú ý quá nhiều, phải nghe ngóng quá nhiều chuyện của nhà chồng. Khi nào ai có việc gì cụ thể cần giúp đỡ thì giúp hết khả năng có thể của mình. Cũng không nên “điều tra” xem anh ấy giúp gia đình cái gì, ai nói năng đánh giá ra sao. Nhiều người vợ rất “có năng khiếu” hóng chuyện, dễ đưa mình vào vòng rắc rối. Cũng đừng sợ “anh ấy lấy bớt đem về san sẻ cho cha mẹ”, vì nếu anh ấy làm ra tiền lo cho vợ con đầy đủ thì giúp cha mẹ cũng là điều tốt. Đừng bắt anh ấy phải mặc kệ cha mẹ chỉ biết có vợ con. Nếu em suy xét mọi việc một cách cởi mở, tự nhiên, cuộc sống của em sẽ nhẹ nhàng, vô tư hơn và sự dễ chịu ấy có thể khiến chồng em càng gắn bó với vợ con hơn. Lúc đó, chẳng cần “tra khảo” tinh vi hoặc yêu cầu, chồng em sẽ tự cởi mở, vì biết không có gì phải đề phòng.

Chúc các em hạnh phúc.

Theo PNCN

Đinh Thị Mười

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn