>>'Tôi thấy giáo dục ở nhà trường là vô ích'
>>Đắng lòng nhà trọ ổ chuột sinh viên
>>Đột nhập 'bến tình' sinh viên làng ĐH Thủ Đức
Chiếc xe lao vút đi. Bà cụ bán hàng nước bên đường lắc đầu ngán ngẩm, giọng chùng xuống: “Ngày nào cũng chứng kiến cảnh đó nhưng tôi vẫn không khỏi xót xa. Bọn trẻ về đây đốt tiền cha mẹ, học chơi nhiều hơn học ôn thi đại học.”
Luyện thi hay luyện… ăn chơi
Trong phòng học được coi là hàng “vip” ở một trung tâm luyện thi gần khu vực trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Thanh Xuân, Hà Nội), điều hòa mát lạnh. Giờ học bắt đầu, người thầy thao thao bất tuyệt với những bài giảng của mình, vừa giảng vừa nhìn lên trần nhà như tự nói cho chính mình nghe.
Học trò cũng cứ việc say sưa với những thú vui riêng, người ngủ, người chơi, thản nhiên dùng điện thoại nhắn tin, chơi điện tử hay lướt web… Thỉnh thoảng lại có một sỹ tử mở cửa bước vào, dáng vẻ uể oải, đặt bộp quyển sách xuống mặt bàn, ánh mắt mơ màng nhìn xung quanh rồi nằm bò ra bàn… ngủ ngon lành.
Vào đại học luôn là giấc mơ của nhiều sỹ tử
Lớp học đang chìm lặng trong sự uể oải bỗng rộn ràng tiếng nhạc chuông điện thoại của Hoàng Anh, một sỹ tử quê ở Ninh Bình. Chẳng nói chẳng rằng, cậu bước ra khỏi lớp học, bỏ lại quyển vở chình ình trên trang bìa khẩu hiệu: “Cổng trường đại học cao vời vợi. Thủng thẳng mà đi cũng tới nơi.”
Khi được hỏi, Hoàng Anh cười rất tươi đáp: “Em xác định trước rồi, với lực học của mình thì không thể đỗ đại học. Nhưng cha mẹ cứ muốn em lên Hà Nội luyện thi cho bằng bạn bằng bè và biết đâu, hy vọng có thầy là giảng viên đại học dạy thì sẽ đảo ngược được tình thế. Coi như về thủ đô chơi một chuyến cho đổi gió, tranh thủ kết nối thêm bạn bè các nơi.”
Chưa được nửa buổi, khoảng chục bạn kéo nhau bỏ ra ngoài. “Ngồi học chẳng hiểu gì, ra ngoài uống nước, đi chơi điện tử cho 'lên tay' hoặc tranh thủ mua sắm, thăm thú thêm những nơi ở Hà Nội mà mình chưa biết cho mở mang đầu óc, về khoe với bạn bè, để chúng nó phải 'lác mắt' kính nể còn tốt hơn,” một học trò hồn nhiên nói. Kiên nhẫn ngồi đến cuối buổi học thì cả lớp cũng chỉ còn năm, sáu học trò.
Thấy vẻ ái ngại của chúng tôi, chị Loan, nhân viên tiếp nhận đăng ký học của trung tâm cho biết, đó là chuyện bình thường ở các lớp luyện thi hiện nay. “Có nhiều em, khi cha mẹ đưa đến thì bước vào lớp với vẻ rất ngoan ngoãn, nhưng chỉ đợi cha mẹ đi khuất bóng là lập tức có bạn đến đón đi chơi. Trước giờ tan học khoảng 15 phút, các em lại trở về lớp học với vai con ngoan.”
Thông thường, quãng thời gian này, học sinh các tỉnh đổ về Hà Nội luyện thi rất đông. Bên cạnh những sỹ tử quyết đèn sách mong tới ngày thành cử nhân thì cũng có không ít bạn la cà quán xá, lao vào những cuộc chơi.
Quê Phú Thọ, thi Đại học Bách khoa hai năm chưa đỗ, Hoàng Nam quyết không về quê mà trọ lại xóm sinh viên gần khu vực Tạ Quang Bửu. Cứ chiều chiều Nam lại lang thang các quán nước, “nghiên cứu” mấy con lô, rồi có bao nhiêu tiền đổ hết vào đó, thấp thỏm chờ đợi. Lúc đầu thì vài chục nghìn, sau tăng lên tiền triệu.
Nợ nần nhiều, Nam đã mang chiếc laptop cùng những vật dụng giá trị khác tới hiệu cầm đồ. Đầu óc cậu lúc nào cũng mơ màng tới những con số. Đến khi mất trắng, nợ nần chồng chất, Nam lang thang, vạ vật trú chân nhờ nhà bạn bè, mỗi đứa một vài hôm. “Đã lỡ dấn sâu rồi nên bây giờ, đầu óc em chỉ nghĩ đến việc ‘ăn gì, ở đâu và làm sao trả được hết nợ,’ chẳng còn tâm trí nào mà ôn thi nữa,” Nam rầu rĩ nói.
Phí học thêm càng đắt, khả năng đỗ càng cao?
Mang tâm lý chung “trồng cây bao năm rồi, bây giờ sắp đến mùa hái quả nên phải quyết tâm đầu tư” như lời chị Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chị cùng vài người bạn cũng có con chuẩn bị thi đại học nhất quyết bắt con theo học tại nhà một cô giáo rất có tiếng trong giới luyện thi môn vật lý ở Hà Nội với giá 350 ngàn đồng/buổi học kéo dài 1 tiếng rưỡi.
“Nghe mọi người nói, cho con học cô P. thì hoàn toàn yên tâm, đảm bảo không thể trượt đại học nên vài ba trăm nghìn chứ đến cả triệu một buổi thì gia đình tôi cũng vui vẻ và cố gắng động viên cháu theo học,” chị Hoa chia sẻ.
Thế nhưng, khi được hỏi, từ khi cho con học thêm cô P., có thấy lực học của con khá hơn không, chị Hoa khá ngập ngừng: “Tôi không có chuyên môn sâu nên cũng không rõ, nhưng nghe mọi người giới thiệu về kinh nghiệm luyện thi của cô là tôi hoàn toàn yên tâm.”
Không có giá “ngất ngưởng” như vậy nhưng phí học thêm tại một số lớp luyện thi được coi là có uy tín ở khu vực Cầu Giấy, Thái Hà cũng khá đắt đỏ, vào khoảng 200 ngàn đồng/học sinh/buổi (cao gấp khoảng 10 lần so với các lớp học ôn tại các lò luyện bình thường), mỗi lớp khoảng năm, sáu học sinh.
“Thầy có tiếng thì trò theo học đông và giá học phí cao cũng là điều dễ hiểu. Nói là cao, nhưng nếu so với một buổi shopping hàng hiệu hay một buổi chơi hết mình của các tiểu thư, công tử thì cũng chẳng thấm vào đâu; mà học thì lại ấm vào thân,” Thu Huyền, một sỹ tử đang theo học tại một lớp học thêm giá cao, chia sẻ.
“Đi học thì cũng không thấy kiến thức có gì cao siêu. Hơn nữa, bây giờ cũng chỉ là giai đoạn tổng hợp lại kiến thức, trau dồi thêm kỹ năng. Tuy nhiên, cứ đi học cho yên tâm,” Huyền nói thêm.
Nghe câu chuyện luyện thi của sỹ tử, cô Phạm Quyên, giáo viên trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ lắc đầu cười buồn. Cô nói: “Nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền cho con đi học luyện thi nhưng không hiểu thực chất việc luyện thi của các em mang lại kết quả thế nào. Việc học phải là một quá trình. Trong không ít trường hợp, chính việc để các em đi luyện thi mà không có sự quản lý của gia đình sẽ dẫn đến những hệ quả xấu.”
“Nhìn chung, các bậc phụ huynh không nên chạy theo trào lưu mà cho con em luyện thi ồ ạt,” cô nói thêm.
Theo Vietnamplus