Tổ ấm hạnh phúc của ông Trọng Khanh.
Từ địa chỉ email, chúng tôi đã liên lạc và được ông trút lòng một câu chuyện hạnh phúc như cổ tích sau bao gian truân. Độc giả ấy là ông Trọng Khanh, 72 tuổi, đang sống ở Tiền Giang.
Ông Trọng Khanh đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang tiếp tục làm kinh doanh gia đình. Cuộc sống hiện tại của ông "bình lặng như mặt nước hồ thu", điều mà trước đây, một người từng thất bại trong hôn nhân như ông không dám nghĩ đến.
Ông kể lại: "Vợ cũ là trợ lý của tôi, còn tôi là chủ sự phòng kế toán Sở Giáo dục tỉnh Gia Định trước năm 1974. Khi đó chúng tôi chưa yêu nhau. Mãi tới khi tôi qua Mỹ tu nghiệp về ngành giáo dục và cô ấy đi di tản, chúng tôi gặp nhau ở trường đại học và mới yêu nhau.
Chúng tôi kết hôn vào tháng 6/1975 tại tiểu bang Arkansas. Cô ấy từng viết cho tôi những bức thư chứa chan tình cảm: Em hứa sẽ là người bạn tri kỷ, là người yêu, là y tá, là nhân viên và cũng là người vợ hết mực yêu thương anh, nguyện chia sớt những nỗi vui buồn với anh trọn cuộc đời.
Nhưng trớ trêu thay, sau khi đã có bốn mặt con, đứa lớn 15 tuổi và đứa nhỏ nhất mới lên 5, bất chấp lúc ấy tôi là một doanh nhân thành đạt, giàu có tại bang Texas, thì cô ấy vẫn bị gia đình xúi giục, anh em họ của cô ấy tìm cách chia rẽ chúng tôi.
Họ giới thiệu cho cô ấy một bác sĩ người Mỹ. Tình yêu của cô ấy dành cho tôi thay đổi từ đó. Tôi sống trong đau khổ vì vẫn còn yêu và thương xót bốn đứa con. Đỉnh điểm là khi lá đơn ly dị được gửi tới toà án Monterey, California, tôi quyết không đến dự và toà đã xử ly hôn vắng mặt".
Bị buộc phải rời khỏi nhà, giao lại toàn bộ tài sản cho vợ, ông Trọng Khanh quá uất hận đã gieo mình xuống biển tự tử nhưng không chết. Một cảnh sát biển cứu sống ông. Sau đó, với quyết tâm rời đến một nơi thật xa để làm lại cuộc đời, ông chọn Sacramento, thủ phủ của California để mở trung tâm du lịch Việt Nam và châu Á Thái Bình Dương với sự trợ giúp của bạn bè.
Sau này, ông thành công và vươn lên giàu có trở lại. Từ những lần đưa du khách về Việt Nam, ông bắt đầu chuyển hướng đầu tư nhà đất tại quê nhà. Và đó cũng là cơ hội để tìm lại tình yêu.
"Khoảng năm 1998, một cô gái trẻ cùng mẹ đến nhà tôi ở Tiền Giang xin làm quản gia. Tôi khi ấy vẫn đi đi, về về giữa Việt Nam và Mỹ. Mỗi lần gặp, cô ấy đều gọi tôi là thầy. Vì vậy, tôi chẳng nghĩ được là sau này cô ấy sẽ trở thành người yêu và vợ của tôi. Phải 5 năm sau, khi cô ấy bước sang tuổi 19, qua nhiều lần tiếp xúc, tình cảm giữa chúng tôi mới nảy sinh và lớn dần. Cuối cùng, chúng tôi đã quyết định kết hôn", ông Trọng Khanh nhớ lại.
Quyết định kết hôn với người phụ nữ kém mình 45 tuổi, ông Khanh
phải nhận nhiều lời chỉ trích.
Nhưng mọi chuyện không hẳn đã thuận buồm xuôi gió với người đàn ông ở độ tuổi xế chiều. Dư luận khi ấy không mấy thiện cảm với một cặp chồng già - vợ trẻ. Ông Khanh bộc bạch:
"Chúng tôi lấy nhau nhưng chưa làm giấy đăng ký kết hôn ngay. Phải tới năm 2009, khi đã có cháu trai Thanh Giang và cháu gái Trúc Giang, tôi mới ra Sở Tư pháp làm thủ tục. Bà thủ trưởng sau khi nghe tôi đặt vấn đề đã tỏ ý chê trách và bảo tôi cưới vợ kém 45 tuổi như thế là vô đạo đức.
Thấy lời phát biểu hơi quá đáng nhưng ông Khánh vẫn nhẹ nhàng, khéo léo đem chuyện cụ Nguyễn Trãi hơn bà Nguyễn Thị Lộ 57 tuổi vẫn lấy nhau, để thuyết phục. Cuối cùng, cặp vợ chồng "đũa lệch" đã có giấy hôn thú và hai bé cũng được làm giấy khai sinh theo đúng luật định.
Ông Khanh tự hào: "Vợ tôi tuy ít học, mới học hết lớp 5 nhưng rất thông minh. Nàng tiếp thu cách sống của tôi nhanh chóng. Xuất thân trong hoàn cảnh khốn khó nhưng cách giao tế trong xã hội thượng lưu vô cùng hoạt bát. Còn tôi thì tính tình hoà đồng nên được mọi người xung quanh thương mến".
Hai bé Thanh Giang và Trúc Giang là món quà vô giá mà cuộc đời bù
đắp cho những đau khổ mà ông đã trải qua
Theo ông Khanh, chìa khóa của hạnh phúc gia đình là người đàn ông phải có sự nghiệp vững chắc, có thể làm chỗ dựa cho người vợ. Khi người vợ không bị áp lực kinh tế đè nặng thì mới có thể chu toàn việc gia đình, con cái. Và đặc biệt là cần tôn trọng nhau "tương kính như tân".
Nghe ông Khanh nói thì có vẻ lạ tai và thấy buồn cười bởi đã là vợ chồng thì sao phải "kính nhau như khách", nhưng kỳ thực, nhiều khi sống chung một nhà, ăn chung, ngủ chung, thân thiết quá lại dễ coi thường nhau. Khi nhìn thấy những khuyết điểm của nhau thì người ta không còn nhận thấy sự hấp dẫn ở người kia.
Cuộc đời đã lấy đi rất nhiều và trả lại cho ông Khanh cuộc sống hạnh phúc như hôm nay, có lẽ cũng là một điều xứng đáng. Bây giờ, ông không còn nghĩ nhiều đến nỗi đau đớn trong quá khứ, sự hận thù mà toàn tâm chăm lo cho vợ cùng hai con còn nhỏ.
Ông chia sẻ: "Tôi mong một ngày nào đó sẽ đưa vợ con trở lại nơi tôi đã gục ngã và đứng lên làm lại cuộc đời. Tôi muốn hai con được học hành đầy đủ và có tương lai tươi sáng để khi về với ông bà tổ tiên, tôi cũng được mỉm cười. Với người vợ hiện tại, tôi luôn tâm niệm: Tình đầu cũng như tình cuối, tương kính lẫn nhau lúc nào cũng như mới".
Theo Ngoisao