>> Quảng Ngãi: Ca thứ ba tử vong vì "bệnh lạ"
>> Bệnh lạ: Cô gái dễ dàng ‘hóa đá’
>> Bệnh nhân chết vì kết quả xét nghiệm "đá" nhau
>> Báo động mất cắp trong bệnh viện
Tại BV Đa khoa tỉnh, các bác sĩ BV Bạch Mai trực tiếp khám cho 9 bệnh nhân mắc bệnh này cho biết: Dù có một số biểu hiện chung là men gan cao, đau vùng thượng vị, nhưng biểu hiện bệnh của mỗi người đều rất đa dạng.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Cả gia đình nhập viện
Gia đình ông Phạm Văn Liên (ở thôn Hy Long, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ) có 3 người bị bệnh và đều đang nằm điều trị tại BV Đa khoa tỉnh. Con gái anh là chị Phạm Thị Thô (22 tuổi) và mẹ vợ anh là bà Phạm Thị Nhụ (79 tuổi). Chị Thô cho hay: Hai tháng trước đây, chị bắt đầu có biểu hiện bệnh như luôn nóng trong bụng, buồn nôn, đau đầu, da bàn tay, bàn chân bắt đầu dày lên.
Chị Phạm Thị Ba (24 tuổi, ở làng Rêu, xã Ba Điền) vừa khỏi bệnh thì cũng là lúc hai đứa con trai, một 8 tuổi, một 3 tuổi vào viện. Hai cháu đều ở thể trạng suy dinh dưỡng, gầy còm. Bác sĩ Lê Thanh Vũ – khoa Nhi cho hay: Các cháu bé mắc căn bệnh này khi đưa vào viện đều có men gan cao, suy dinh dưỡng, ăn kém, thiếu chất, tổn thương dày sừng rất rõ. Các cháu đều không nặng nên điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế đều ổn định.
Bệnh nhân đang điều trị tại BV Đa khoa Quảng Ngãi với những dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm da dày sừng bàn chân, bàn tay. |
TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai - qua thăm khám thấy tất cả 9 trường hợp đều có những biểu hiện rất đa dạng. Có người giai đoạn cuối xơ gan, có người chỉ viêm gan, có người suy dinh dưỡng, có người nhiễm trùng, bệnh nhân khác lại xuất huyết tiêu hóa. Vì thế, ông đưa ra gợi ý: Nhận xét ban đầu, đây là những trường hợp bệnh cấp trên cơ thể đang bị tổn thương gan mạn tính. Vì thế, nên tìm nguyên nhân bệnh theo nhiều hướng, chứ không thể chỉ đi vào hướng nhiễm độc.
Công tác điều trị gặp khó
Theo BS Phạm Ngọc Lân - PGĐ BV Quảng Ngãi - cho biết: “Tỉ lệ bệnh tái phát ở các bệnh nhân điều trị tại BV là 40%. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân phải điều trị dài ngày mà vẫn bị tử vong nên có một số người đã nản và bỏ trốn khỏi viện. Thậm chí, có trường hợp để lấy máu, lấy bệnh phẩm, BS phải vận động rất nhiều lần họ mới hợp tác. Họ nói rằng truyền máu cũng không khỏi nên không muốn tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong khi đó, BV chưa có điều kiện nghiên cứu tập tục, thói quen sinh hoạt của người bệnh đều là người dân tộc H’rê. Có ý kiến phản ánh lại là các cháu đi bệnh viện về còn không được nhận vào trường học vì sợ lây bệnh.
Đây cũng là điều gây khó khăn cho công tác điều trị”. Mặt khác, BS Lâm cũng cho biết: Trong phác đồ điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân chưa có đưa ra tiêu chuẩn thế nào là khỏi. Do đó, BV cũng chưa biết căn cứ nào là chuẩn để cho bệnh nhân ra viện, dù dấu hiệu lâm sàng của bệnh đã đỡ, kết quả xét nghiệm men gan khả quan hơn.
Để hỗ trợ công tác điều trị cho BV Đa khoa Quảng Ngãi, TS Nguyễn Quốc Anh – GĐ BV Bạch Mai - sẽ cử các tổ cán bộ với 3 chuyên ngành hồi sức cấp cứu chống độc, tăng cường lọc máu; nhi và tiêu hóa tăng cường năng lực cho BV tỉnh. Gặp những trường hợp nặng, điều trị khó, nếu Quảng Ngãi thấy cần chuyển ra BV Bạch Mai, BV sẽ vừa điều trị, vừa nghiên cứu.
Hoặc Quảng Ngãi có thể hội chẩn trực tuyến với BV Bạch Mai. Theo Tổ chức Y tế thế giới nhận định, nguyên nhân bệnh lạ có thể phải rất lâu, thậm chí mất hàng năm mới tìm ra. BV Bạch Mai sẽ đồng hành cùng với Quảng Ngãi để đưa ra hướng điều trị và làm rõ nguyên nhân.
Hôm nay (ngày 14.6), đoàn công tác BV Bạch Mai tiếp tục khảo sát Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ và 4 thôn có bệnh nhân viêm da dày sừng của xã Ba Điền. Hơn 170 bệnh nhân từng điều trị đã khỏi sẽ được khám xem xét sức khỏe hiện tại, phát hiện nếu bệnh tái phát. Dựa trên các kết quả khám bệnh nhân và khảo sát môi trường sống, các yếu tố ngoại cảnh, BV Bạch Mai sẽ xây dựng mẫu bệnh án và phiếu khảo sát chuẩn cho bệnh nhân mắc căn bệnh “lạ” này.
Theo Laodong