Dẫu con số sinh viên bỏ học vì lý do kinh tế chỉ chiếm tỷ lệ 0,12% trên tổng số sinh viên nhưng lại tập trung ở một số trường đóng trên các địa bàn còn khó khăn về kinh tế và một số thành phố lớn. Hơn nữa, thời điểm sinh viên bỏ học tập trung vào năm thứ nhất hoặc năm thứ hai.
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, 10 tỉnh có lượng sinh viên bỏ học đông do không có tiền đóng học phí, gồm: Bình Thuận (68 SV), Quảng Trị (62 SV), Hà Nội (61 SV), Bình Định (59 SV), Thừa Thiên - Huế (53 SV), Thanh Hóa (39 SV), Nam Định (38 SV), Bắc Giang (36 SV), Kiên Giang (36 SV), Hà Tĩnh (28 SV).
Tuy nhiên, con số thống kê mà Bộ GD&ĐT đưa ra mới chỉ là thống kê trên số sinh viên mà Bộ đang quản lý, đó còn chưa kể số sinh viên đã đỗ ĐH, CĐ nhưng không có điều kiện theo học.
Điều này đặt ra cho xã hội một câu hỏi, mỗi năm sẽ có một số lượng không nhỏ sinh viên ra nhập đội quân thất nghiệp rong ruổi đi kiếm các công việc tạm thời nhằm mưu sinh. Và lúc này, vấn đề đã vượt quá tầm kiểm soát của ngành giáo dục.
Sinh viên đi làm thêm bằng công việc phát tờ rơi tại cổng trường. |
Sinh viên tự cứu mình
Trước thực trạng, hàng năm có nhiều sinh viên bỏ học vì lý do kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “không để trường hợp học sinh, sinh viên (HS, SV) nào phải bỏ học, thôi học vì lý do không có khả năng đóng học phí và bảo đảm cuộc sống tối thiểu”.
Trong những năm qua, thực trạng sinh viên bỏ học vì điều kiện kinh tế không hiếm ở các trường ĐH, CĐ. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sinh viên bỏ học như yêu cầu công khai mức học phí khi thông báo tuyển sinh, giữ ổn định mức học phí trong toàn khóa học.
Cho phép học sinh - sinh viên giãn nộp học phí hoặc nộp học phí lẻ theo từng tháng; hỗ trợ học sinh - sinh viên chỗ ở nội trú; thực hiện việc ký giấy xác nhận và tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh - sinh viên có thể hoàn thiện các thủ tục vay vốn từ Ngân hàng chính sách hoặc hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý và có hình thức hỗ trợ học sinh - sinh viên ở ngoại trú; vận động các chủ nhà trọ không tăng giá nhà trọ, không tự ý tăng giá điện, nước sinh hoạt. Hàng năm, Bộ cũng yêu cầu các trường rà soát, thống kê số lượng học sinh - sinh viên khó khăn về kinh tế có nguy cơ phải bỏ học để có giải pháp hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.
Cùng đồng hành với Bộ trong công cuộc “giữ chân” sinh viên nghèo ở lại với giảng đường là các trường ĐH, CĐ. Trong vốn ngân sách hạn hẹp, nhiều trường đã phải gồng mình giảm học phí hay chi các khoản hỗ trợ cho các em nhưng họ cũng phải than lên rằng: “đừng bắt các trường phải gánh hộ xã hội”.
Còn trong khi đó, để sinh viên tiếp cận được với nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, không phải sinh viên nào cũng đáp ứng đủ yêu cầu. Hơn nữa, nếu vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, sinh viên phải hoàn trả tiền vay trước khi tốt nghiệp. Thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, hiện nay, số nợ quá hạn đối với các khoản vay của học sinh, sinh viên chỉ chiếm 0,6%.
Để đảm bảo an toàn nguồn vốn, hạn chế việc không thu hồi được nợ sau khi sinh viên ra trường, Ngân hàng đã triển khai cho vay theo hình thức các gia đình làm đại diện đứng ra vay vốn cho con em học tập thông qua các tổ chức chính trị, xã hội ở các địa phương do Ngân hàng ủy thác.
Trước thực tế khó khăn trên, nhiều sinh viên đã phải tự tìm cách cứu mính. Trên thực tế, có rất sinh viên đã từng bước chân vào giảng đường nhưng phải từ bỏ ước mơ để kiếm sống rồi khi có điều kiện, họ lại quay lại giảng đường bằng các lớp tại chức ĐH.
Tâm sự của Đ.H.H - một chủ doanh nghiệp kinh doanh bao bì tư nhân ở Hà Nội cho biết: “Khi rời bỏ giảng đường, tôi chỉ có một ước mơ giống như trẻ con mơ thấy ông Bụt. Giá có ai đó cho tôi vay tiền ăn học 4 năm đại học, ra trường, tôi tin chắc tôi sẽ trả đủ họ số đó. Nhưng ước mơ của tôi không thành hiện thực, tôi phải bỏ học đi làm thuê cho một xưởng in, tôi học nghề và tích cóp tiền, sau 10 năm, tôi có một cơ ngơi đủ nuôi sống gia đình mình”.
Hay như câu chuyện của một T.S, chủ doanh nghiệp địa ốc tại Cảng Sài Gòn. Từ bỏ ước mơ học đại học, rời Nghệ An vào làm công nhân bốc vác trong Cảng Sài Gòn với ba tháng ngủ vạ vật ở công viên.
Sau 5 năm lăn lộn ở đất Sài Gòn, anh đủ điều kiện đi học tại chức đại học. Sau 15 năm, anh đang làm chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc. “Đến bây giờ tôi vẫn không quên được cảm giác thất vọng, nuối tiếc khi phải từ bỏ ước mơ học đại học để đi kiếm sống. Đối với một chàng trai tuổi 18, đó là sự đấu tranh không tưởng.”
Để các em sinh viên không bỏ học vì điều kiện kinh tế, trong những năm qua, các trường vẫn thường vận động các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm tặng những suất học bổng cho các em nhưng cũng chỉ trợ giúp được cho các em sinh viên nghèo. Và cho đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục đại học vẫn “độc hành” giúp đỡ các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không để các em phải bỏ học, thôi học vì khó khăn về kinh tế.
Theo Vietbao