>>Mưa to, Hà Nội thành sông
>>Chết đuối vì đuổi bắt vịt sổng chuồng
Nhiều khách lạ đến làng nghe chuyện tưởng đó là kết quả của một mối thâm thù truyền kiếp, đời đời ngăn sông cách chợ, hoặc chí ít nó cũng liên quan đến lời nguyền độc địa nào đó. Tuy nhiên, họ đều sai. Việc “kiềng” mặt, trai gái không lấy nhau của hai làng lại là một nét văn hóa dị biệt “có một không hai”. Và chính điều này đã làm cho hai làng trở thành một “đại gia đình”.
Lời thề làng cổ
“Không được lấy nhau! Lý do rất đơn giản vì chúng tôi coi nhau là anh em ruột một nhà. Là anh em ruột rồi mà vẫn còn lấy nhau thì còn gì là đạo lý”, cụ Nguyễn Đình Mưa, một bậc cao niên trong làng khẳng định.
Hỏi chuyện những cụ già nhất làng, cũng không ai có thể nhớ rõ tập tục này có từ bao giờ, lịch sử và nguồn gốc không còn văn bản nào ghi lại. Thế nhưng, người ta vẫn răm rắp làm theo phong tục ấy bằng một thái độ nghiêm cẩn và coi đó là một quy định thiêng liêng. Đây chính là tục kết chạ, nghĩa là kết nghĩa anh em giữa hai làng.
Ông Nguyễn Đình Mưa, một cao niên đang sống tại làng Vân Côn.
Không ngoa khi khẳng định làng Vân Côn và Phú Hạng là một đại gia đình lớn nhất Việt Nam. Vân Côn có 2.453 nhân khẩu và Phú Hạng có 2.732 nhân khẩu. Mọi khó khăn, ngọt bùi đều được hai làng chia sẻ cho nhau. Mọi người đều tôn trọng lẫn nhau, hai làng đều dành cho nhau những tình cảm tôn trọng, đến nỗi dù là người già thế nào, nhưng khi gặp bất cứ ai dù già hay trẻ, dù trai hay gái ở làng kia cũng đều tôn kính nhún mình lễ phép chào… anh cả.
Vân Côn là một ngôi làng cổ nằm ở ngoại thành Hà Nội với những nét đặc trưng rất dễ nhận thấy. Tuy nhiên, cơn bão đô thị hóa đã vùi lấp những nét cổ xưa ấy đi và thay vào đó là nhiều nhà tầng khang trang, đường làng đổ bê tông và nườm nượp xe máy. Nếu không có ngôi đình, gốc đa, ao cá và giếng nước giữa làng thì chắc hẳn mọi người sẽ không thể tin rằng ở đây còn lưu giữ được một truyền thống cổ xưa đến thế.
Dù kinh tế đã phát triển, nhiều giá trị truyền thống xưa bị mai một. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, hỏi bất cứ ai ở hai làng này, từ già đến trẻ về tục lệ kết nghĩa anh em, trai gái không được lấy nhau có từ lâu đời giữa làng Vân Côn và làng Phú Hạng thì ai cũng đều vanh vách kể lại được.
Tương truyền rằng, khi xưa trước khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng diễn ra, từ tướng đến quân đều đến dòng sông Hát Môn mà thề rằng: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”… Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) đã nhận được sự ủng hộ của toàn dân cùng sự giúp sức của các nữ tướng kiệt xuất như: Thánh Thiên, Lê Chân, Thiều Hoa, Ả Đã, Ả Túc, Ả Lã Nàng Đê, Bát Nàn…
Mọi người đều thề một lòng theo hai nữ tướng đến cùng. Để giữ trọn lời thề, khi cuộc khởi nghĩa thất bại, các tướng quân đã cùng Hai Bà Trưng trẫm mình xuống dòng Hát Môn.
Trong số những tướng của Hai Bà Trưng trẫm mình xuống sông thời đó, có nữ tướng Ả Lã Nàng Đê. Thi thể của bà đã trôi từ dòng Hát Môn xuống Hát Giang (tức sông Đáy ngày nay), đến đoạn Vân Côn thì ở lại đó. Thời ấy vì lo chạy giặc, mặt khác lo sợ bị liên lụy, người dân không ai dám bén mảng đến xác của bà. Về sau xác của bà trôi xuống đến thôn Phú Hạng, người dân nơi đây cũng lo lắng, sợ hãi không kém.
Làng Vân Côn.
Nhưng, cảm phục trước tinh thần yêu nước của vị nữ tướng này, nhân dân hai làng đã bất chấp nguy hiểm vớt xác bà lên để an táng. Tuy nhiên, vì hai làng khác nhau, nên mỗi làng có một miếu thờ riêng, ở Vân Côn lấy tên là Quán Sông, còn Phú Hạng đặt tên Quán Ngọ. Và cũng từ đó, hai làng tôn bà là Mẫu rồi kết nghĩa anh em, sống hòa thuận với nhau cho đến tận bây giờ.
Đến thời Lê, đình làng Vân Côn được xây dựng và nữ tướng Ả Lã Nàng Đê được đưa vào đình thờ cùng 3 vị thánh, còn Quán Sông vẫn còn, nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng.
Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, cả hai làng đều mở hội tưng bừng nhằm tưởng nhớ đến công ơn của nữ tướng Ả Lã Nàng Đê. Theo đó, ở Phú Hạng cứ vào ngày mồng 6, tháng Giêng, ở Vân Côn vào ngày 12/2 (âm lịch) lại tổ chức rước kiệu.
Cụ Mưa chia sẻ: “Hai làng coi nhau như anh em ruột, nên bất kể năm đó tổ chức lễ hội to hay nhỏ, hai làng cũng mời những cụ ông, cụ bà và vài chục hàng đô ở làng kia xuống giao lưu. Đó là cơ hội để hai làng ôn lại những nét truyền thống cổ, cũng như nhắc nhở con cháu giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Nếu làng Phú Hạng tổ chức lễ hội thì bao giờ cũng phải rước kiệu lên Quán Sông và đình làng Vân Côn lễ bái và ngược lại…”.
Anh em không được lấy nhau
Từ bao đời nay, người giữa hai làng vẫn có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau. Nếu trước kia, mỗi khi nghe thấy làng này gặp khó khăn thì chắc chắn anh em làng kia sẽ xúm vào giúp ngay. Vào những vụ mùa, nếu làng này cấy, gặt xong mà làng kia chưa xong thì mọi người cũng sấn tay vào giúp đỡ. Không những giúp đỡ nhau khi ở quê, mà cho đến tận bây giờ, nếu ra ngoài, chỉ cần biết đó là người làng mình kết nghĩa, thì mọi người cũng sẵn sàng giúp đỡ mà không đòi hỏi gì.
Nếu người của hai làng có va quệt xe với nhau ngoài đường, khi biết nhau là anh em chắc chắn mọi mâu thuẫn sẽ giải quyết ngay tại chỗ. Không cãi vã mà còn bắt tay, xin lỗi nhau. Có khi trâu bò, gà vịt làng nọ sang làng kia cũng không đánh đuổi mà chỉ dắt về nhà trả.
Làng Vân Côn và Phú Hạng chỉ cách nhau một dòng sông Đáy.
Thời kỳ còn bao cấp, hai làng giúp đỡ nhau rất nhiều trong lao động sản xuất. Khi “ruộng se mạ dở” làng Vân Côn mang cả trăm con trâu tốt sang cày bừa cho làng Phú Hạng. Đổi lại, làng Phú Hạng lại mang cả trăm thợ cấy sang Vân Côn giúp đỡ. Những khi gặp thiên tai bão lụt, làng nọ sang làng kia đắp đê, cứu của, cứu người.
Cũng thật lạ, không biết vì nghe lời cha ông, hay vì bị một “lời nguyền” nào đó, mà cho đến nay, hai làng Vân Côn - Phú Hạng chưa từng có ai kết hôn với nhau thật. Chẳng may, nếu có đôi trai gái nào “thoát li” từ nhỏ trót “say nắng” nhau, nhưng khi biết là anh em kết nghĩa thì cũng tự ý thức… hẹn nhau kiếp sau.
Đọc qua, chúng ta có thể thấy giống với “quy định ngầm” của các liền anh - liền chị trong quan họ Bắc Ninh, nếu đã hát cùng nhau thì không bao giờ được kết hôn với nhau. Nhưng thực tế, đó là hai tục lệ hoàn toàn khác nhau.
Theo lời ông Mưa, hai làng Vân Côn - Phú Hạng trải qua quãng thời gian rất dài của lịch sử nhưng chưa hề có một trường hợp nào phá lệ. Thời phong kiến, tục lệ này rất khắt khe. Lệ làng đề ra nếu ai đó vi phạm phải cắt tóc bôi vôi, gia đình phải mổ trâu, giết lợn chịu phạt vạ cho làng.
Còn thời nay, trẻ con hai làng được răn dạy điều đó ngay từ khi bắt đầu đi học. Ông Mưa cho biết: “Từ cái thuở tôi còn học tiểu học ở trường làng, các thầy cô giáo đã nhắc nhở trai gái hai làng không được trêu ghẹo nhau chứ đừng nói đến việc sau này… tán tỉnh. Và bây giờ cũng vậy, trẻ hai làng cùng học chung một trường, một lớp nhưng cái lệ không được lấy nhau vẫn được răn đe nhắc nhở rất cẩn thận”.
Cụ Lê Văn Tứ một bậc cao niên của làng Phú Hạng khẳng định như đinh đóng cột: “Tôi năm nay gần 90 tuổi rồi, nhưng chưa từng nghe nói, hoặc chứng kiến một đám cưới nào giữa trai gái làng Vân Côn với làng Phú Hạng cả”.
Anh Ngô Văn Oai, 26 tuổi ở làng Vân Côn chia sẻ: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông bà, bố mẹ kể cho tôi nghe về những tục lệ tốt đẹp này. Kể từ đó, tôi cảm thấy mình có một tình cảm đặc biệt với người ở làng Phú Hạng. Nếu gặp người lớn ở làng đó thì tôn trọng, gặp thanh niên, trẻ nhỏ thì quý mến, với những cô gái thì coi là anh em mà không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương…”.
Theo các cán bộ của hai xã này thì cho đến nay, chưa từng phải xử lý một vụ xích mích, đánh nhau nào giữa người dân của làng Vân Côn và làng Phú Hạng cả. Còn chuyện kết hôn giữa trai gái hai làng thì càng không có tiền lệ.
Nhờ sự truyền dạy tỉ mỉ của đời trước cho đời sau, nên tình nghĩa giữa hai làng ngày càng bền chặt, từ các cụ già người còn, người mất, đến lớp trẻ dù ở nhà hay đi xa, mọi người vẫn đều có ý thức cùng gìn giữ truyền thống tốt đẹp có một không hai này…
Theo Baodatviet