Bí ẩn khu vườn giấu 70 gánh vàng ở Hưng Yên

Thứ ba, 17/07/2012, 07:11
Vườn quan xó lác - một khu ruộng tại thị trấn Yên Mỹ (Hưng Yên) có từ bao năm nay đã để lại những câu chuyện bí ẩn về việc người Tàu giấu vàng. Những đồn đoán và cả những việc lạ lùng đã xảy ra khiến "vườn quan" càng trở nên bí ẩn hơn.

>>"Kho báu" núi Tàu: Đã khoan chín mũi khoan sâu 46 m
>>Cuộc săn lùng kho báu Yamashita (Kỳ III): Cơn khát xuyên hai thế kỷ
>>Cuộc săn lùng kho báu núi Tàu Yamashita (Kỳ II): Những cái chết bí ẩn
>>Cuộc săn lùng kho báu Yamashita (Kỳ I): Số 13 định mệnh


Truyền thuyết "vườn của"

Vườn quan xó lác là một cái tên lạ lùng mà hầu hết người dân Hưng Yên không thể lý giải nổi. Đem câu chuyện "vườn quan" đến với cụ Hoàng Văn Chát (95 tuổi) ở thôn Do, cụ Chát lắc đầu: "Từ ngày tóc tôi còn để chỏm đã nghe các cụ nói đó là "vườn quan xó lác", vì sao lại gọi như vậy thì tôi cũng không tìm hiểu hết được những bí mật cổ xưa".

Cụ Chát cho hay, thời trước "vườn quan xó lác" là một mảnh đất rộng hàng chục mẫu, bao quanh là các kênh rạch và hồ nước. Khu vực giữa của "vườn quan" là một cái gò đất nhô cao kéo dài từ thôn Do đến thôn Đỗ Xá. Bên cạnh đó là một cái miếu thiêng của người Tàu và một cây đa cổ thụ.

Tương truyền rằng, "vườn quan xó lác" là nơi người Tàu giấu vàng, người thì bảo một tấn, người lại đồn đoán 70 gánh vàng. Câu chuyện cứ thế lan truyền, nhưng có một sự thật là rất ít người dám lai vãng đến khu vực gần "vườn quan".

Theo cụ Chát, thời xưa "vườn quan" toát ra khí lạnh run người, ai yếu bóng vía mà qua đó có thể phát bệnh mà chết hoặc bị tâm thần. Cũng chính vì thế mà "vườn quan" càng tôn thêm những bí ẩn mà rất ít người có thể khám phá ra.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi qua cổng Tò Vò gặp cụ Phạm Văn Bợ (87 tuổi) ở thôn Đỗ Xá, cụ Bợ cho hay: "Trước đây, "vườn quan" kéo dài cho tới thôn Đỗ Xá, nhưng theo năm tháng, "vườn quan" bị phá để làm nhà nên bây giờ hầu như không còn dấu vết".

Theo cụ Bợ và các cao niên trong làng, người Tàu lần theo gia phả để lại đã nhiều lần thực hiện những chuyến khai thác vàng bí mật ở khu vực "vườn quan". Họ cho vàng bạc châu báu vào các quan tài để vận chuyển hoặc tẩu tán tài sản trong các hang núi ở miền Bắc nước ta.

 
Cổng Tò Vò - lối vào "vườn quan" xưa.

Hai tảng đá bí ẩn

Cũng tại thôn Do, 2 tảng đá lớn to bằng cái chiếu được đào lên đã thêm phần đồn đoán li kỳ bí ẩn cho "vườn quan xó lác". Một tảng đá được đào lên từ ngôi chùa gần đó, và tảng còn lại đào được ở đình làng. Điều đáng nói, ở vùng đất trũng như Yên Mỹ lại xuất hiện hai tảng đá lớn kỳ lạ.

Một trong hai tảng đá được người dân di chuyển vào khu vực bên trong thôn nhưng kéo theo nhiều điều bất thường nên một thời gian dài, tảng đá phải nằm chềnh ềnh giữa làng.

Một trong những chuyện bất thường ấy, là những người tham gia vận chuyển tảng đá lớn đều lăn ra ốm không rõ nguyên nhân. Họ đi bệnh viện cũng không tìm ra bệnh. Trong khi đó, có một thầy bói mù người Nùng chưa từng nghe qua câu chuyện đã phán với dân làng rằng, dưới tảng đá lớn còn một tảng đá to hơn, dưới tảng đá to là vô số vàng bạc, châu báu.

Tuy nhiên, vì sợ chuyện bị yểm bùa cũng như nhiều điều bí ẩn khác đã từng xảy đến với dân làng nên hầu như không ai dám khai quật tiếp để tìm kho báu như lời thầy bói phán.

 
Miếu thiêng xóm Quán.

Đến chuyện đất thiêng

Liên quan đến việc giấu vàng của người Tàu ở "vườn quan xó lác", người dân thôn Do và Đỗ Xá còn nhớ như in về cái miếu thiêng nằm cạnh gốc đa cổ thụ ở giữa làng Do.

Cụ Hoàng Văn Chát cho hay: "Cái miếu ấy là "thần giữ của" của người Tàu. Họ lập ra để thần thánh giúp họ giữ được vàng bạc ở "vườn quan". Thế rồi, theo thời gian, miếu bị phá, cây đa bị đốn hạ nên dấu tích hầu như không còn gì".

Tuy nhiên, theo cụ Chát miếu và cây đa ở xóm Quán cũng là một trong những "vệ tinh" giữ của cho "vườn quan". Đó là quần thể miếu thiêng mà từ xa xưa, người dân vừa thờ cúng lại vừa có tâm lý sợ sệt vì lo bị yểm bùa.

Chuyện được minh chứng qua việc một số gia đình lấn đất miếu để làm nhà thì nhiều chuyện không hay xảy đến. Thậm chí, chủ nhà cũng không thể ở được trong ngôi nhà mình xây dựng nên đành... bỏ hoang.

Lại có gia đình có cả mảnh đất to đẹp ven đường nhưng hiềm nỗi rao bán mãi mà không ai dám mua. Một số người dân nói nhỏ với chúng tôi rằng, thỉnh thoảng vào đêm trăng suông hoặc trời mưa, ở mảnh đất ấy xuất hiện một bóng người da đen rất hung tợn.

Theo cụ Chát, những hộ gia đình làm nhà trên đất của "vườn quan" không ít thì nhiều cũng gặp những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, không thể kiểm nghiệm rằng, họ bị rủi ro là do thần thánh quở phạt hay do ngẫu nhiên nên không ai chắc chắn được điều gì.

Cũng theo cụ Chát, mặc dù hiện nay ngôi miếu và cây đa thiêng của thôn Do không còn, nhưng số vàng bạc châu báu mà người Tàu để lại chắc chắn là còn sót lại, nhưng ở vị trí và địa điểm cụ thể nào thì không ai được biết. Muốn khai quật thì phải tìm được bản đồ kho báu hoặc phải có quy hoạch rõ ràng.

 
Cụ Phạm Văn Bợ kể về việc giấu vàng của người Tàu.
 
"Vườn quan xó lác ở thôn Do đã có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, thực hư câu chuyện như thế nào thì lớp trẻ chúng tôi ít người được biết. Chỉ biết rằng, đó là một khu vườn có chứa vàng bạc mà người Tàu để lại. Còn chuyện họ đã khai quật lấy kho báu đi hay chưa thì không ai kiểm nghiệm được mà chỉ là những lời đồn đoán".

Ông Nguyễn Văn Hưng (trưởng thôn Do)

"Chuyện người Tàu giấu vàng ở vườn quan xó lác tại thôn Do tôi cũng từng nhiều lần được nghe. Tuy nhiên, chỉ những cụ cao niên ngày trước mới có thể được tận mắt chứng kiến và biết đôi phần sự thật.

Còn bây giờ, hầu hết những câu chuyện ấy, những bí ẩn ấy đã dần chìm vào quên lãng. Nhưng một số người cứ tung tin những chuyện tâm linh mang tính mê tín dị đoan theo tôi là không có cơ sở".

Ông Đỗ Đức Toàn (Chủ tịch UBND thị trấn Yên Mỹ)
 
 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn