“Đến năm 2015, mỗi người bệnh một giường”

Thứ hai, 30/07/2012, 15:37
Tại các bệnh viện đang xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng, Bộ Y tế đặt mục tiêu 3 năm nữa cơ bản không còn tình trạng nằm ghép và mỗi bác sĩ cũng không khám quá 50 người bệnh trong 8 giờ làm việc.

>>Video: Truy quét 'cò' bệnh viện
>>Bệnh viện nâng lên, bảo hiểm hạ xuống
>>Bệnh viện làm khó bệnh nhân bảo hiểm y tế
>>Gian nan mua thuốc ở bệnh viện
 
Đây là nội dung đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2012-2020 do Bộ Y tế xây dựng đang trình Chính phủ.

Theo đó, tình trạng quá tải bệnh viện chung trên cả hệ thống xảy ra từ năm 1997 với mức công suất sử dụng giường bệnh các năm luôn vượt trên 100%. Năm 2011, con số này là 111%. Vì thế, Bộ Y tế đặt mục tiêu hạ công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện hiện trong tình trạng quá tải trầm trọng xuống dưới mức 100%.

Đồng thời, đề án cũng đề ra chỉ tiêu tăng tối thiểu 11.350 giường bệnh cho các bệnh viện quá tải trầm trọng tại tuyến trung ương và 2 thành phố là Hà Nội và TP HCM. Bên cạnh đó, cũng tăng khoảng 8.000 giường ở tuyến tỉnh cho 5 chuyên khoa: ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản, nhi.

Phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh cũng là một trong những điểm trọng tâm của đề án. Cụ thể sẽ xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối của Hà Nội và TP HCM. Chẳng hạn, với chuyên khoa ung bướu sẽ xây dựng 15 khoa thuộc 15 bệnh viện làm vệ tinh cho Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP HCM...


Hiện nay tình trạng nằm ghép 2,3 người một giường bệnh khá phổ biến tại các chuyên khoa: ung thư, tim mạch, nhi... .


Bộ Y tế cũng đề ra giải pháp xây dựng mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình để giảm tải. Đây sẽ là cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trước mắt sẽ thành lập mạng lưới này ở Hà Nội, TP HCM và một số thành phố lớn khác.

Đề án giảm tải được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2015), tập trung đầu tư cho các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối của Hà Nội, TP HCM. Sau đó sẽ mở rộng đầu tư cho các cơ sở ở tuyến tỉnh và huyện.

Theo Bộ Y tế, quá tải bệnh viện là nguyên nhân làm gia tăng tai biến, giảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tăng chi phí điều trị, tăng áp lực công việc và tâm thần cho người thầy thuốc. Nó cũng gây bức xúc cho người bệnh, cán bộ y tế và toàn xã hội và là nỗi ám ảnh của nhiều người khi đi viện.

Vì thế, các chuyên gia hy vọng việc triển khai đề án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời cũng sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, tạo điều kiện cho các bệnh viện tuyến trên tập trung phát triển kỹ thuật cao, giảm dần lượng người bệnh ra nước ngoài điều trị.


Theo Vnexpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn