Một số cán bộ bảo hiểm xã hội đã phát hiện những “thủ thuật” móc túi bệnh nhân có bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Phú Thọ. Theo các chuyên gia, “chiêu” cũng rất thường thấy ở các bệnh viện khác, làm riết rồi thành thói quen.
Trong “phiếu lĩnh thuốc bất thường” chỉ định cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ra mua bên ngoài ngày 18-6-2012 của bệnh nhân Đ.V.X. (63 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) có 14 chi tiết gồm dây truyền, kim luồn, băng dính vải, gạc phẫu thuật ổ bụng nhỏ, gạc miếng, gạc phẫu thuật nội soi...
Thật bất ngờ, ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN - thông báo 13/14 chi tiết này đã được bảo hiểm y tế thanh toán.
Bắt mua đủ thứ
Không chỉ bệnh nhân X., việc chỉ định bệnh nhân mua vật tư y tế nằm trong phí dịch vụ được bảo hiểm chi trả là... chuyện thường ngày ở Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Phú Thọ.
Ngày 14-7, bệnh nhân V.A.T. cũng được chỉ định mua dây truyền, kim luồn, gạc 10x10, gạc 7,5x7,5, chỉ vinyl, sonde, túi tiểu, găng tay vô khuẩn, thuốc Paracetamol..., tổng cộng 14 khoản vật tư, thuốc, với giá 557.000 đồng, tất cả 14 khoản này đều có trong danh mục bảo hiểm chi trả. Tương tự, bệnh nhân L. được chỉ định mua 13 khoản, chi phí 533.000 đồng, kiểm tra thì thấy 12/13 khoản có trong danh mục bảo hiểm chi trả...
Giở mớ hồ sơ chi chít chỉ định, ông Phạm Lương Sơn bức xúc: “Sao cái gì cũng bắt mua thế này? Đây là biểu hiện hành bệnh nhân khi gần như tất cả vật tư, thuốc bệnh nhân mà bệnh viện chỉ định đi mua đều đã được bảo hiểm thanh toán. Phải làm rõ xem có chuyện bắt bệnh nhân mua rồi lại thanh toán lần 2 với bảo hiểm không?
Hay yêu cầu bệnh nhân mua để giảm chi phí thanh toán với bảo hiểm, rồi chỉ định các dịch vụ đắt tiền vào để lách trần chi phí khám chữa bệnh? Tôi thấy hiện tượng này xuất hiện ở nhiều bệnh viện, chứ không riêng Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Phú Thọ”.
Không phải chỉ có vậy, Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Phú Thọ còn có những chỉ định rất đáng ngờ: cùng một đơn thuốc cho một bệnh nhân truyền hai loại thuốc bổ (trong đó có một loại được bảo hiểm chi trả) là Vitaplex và Alversin, tác dụng tương tự nhau là tăng cường thể trạng.
“Alversin có trong danh mục bảo hiểm chi trả, tại sao không tận dụng cho bệnh nhân đỡ tốn kém mà chỉ định thêm cả Vitaplex và bắt bệnh nhân phải mua?” - ông Sơn băn khoăn.
Cấp cứu cũng làm dịch vụ
Năm 2011, Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Phú Thọ từng gây sốc khi khoán... bệnh nhân, khoán phí điều trị và số ngày điều trị cho các khoa phòng. Năm 2012, bệnh viện lại tiếp tục gây sốc khi ông Bùi Anh Giao - giám đốc bệnh viện - có văn bản triển khai dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật theo yêu cầu, kể cả với các trường hợp cấp cứu.
Theo đó, cứ nộp phí dịch vụ mổ (bác sĩ tại chỗ) theo yêu cầu từ 1-2 triệu đồng, bác sĩ tuyến trên 5-6 triệu đồng, bệnh nhân có thể chọn bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên. Điều đặc biệt, dịch vụ này áp dụng cả với trường hợp mổ cấp cứu.
Số tiền thu được bệnh viện sẽ chia 30% cho phẫu thuật viên chính, 10% cho người phụ mổ, 20% cho kíp gây mê, dụng cụ viên, 10% cho khoa, phòng có bệnh nhân phẫu thuật và 30% cho bệnh viện bổ sung quỹ phúc lợi.
Một chuyên gia y khoa nhận xét hiện tượng này là “chính thức hóa phong bì cho thầy thuốc, chỉ có khác là phong bì to hơn, vì bệnh viện hạng 2 ở tỉnh phong bì thường chỉ 500.000 đồng, giờ là 1-2 triệu đồng mà lại đường đường chính chính được nhận!”. Theo chuyên gia này, bệnh viện tỉnh có giá bệnh viện tỉnh, tuyến trung ương có giá trung ương, muốn mổ sớm thì phải chi tiền.
Hiện tượng phổ biến
Ngày 31-7, ông Lê Văn Phúc - trưởng phòng chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN - cho biết hiện tượng phổ biến hiện nay là khi làm thủ thuật thiếu cái chạc ba, cái ống thông, cái sonde... là yêu cầu bệnh nhân đi mua. Viện phí mới có cơ cấu tất cả chi phí này nhưng họ yêu cầu bệnh nhân mua nữa, riết rồi thành thói quen.
“Vật tư y tế trong cơ cấu giá dịch vụ y tế mới đều là hàng tốt. Cơ quan bảo hiểm sẽ tham gia giám sát tại các khoa dược xem chất lượng vật tư và thuốc” - ông Phúc cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế), trước đây giá dịch vụ y tế thấp, như dịch vụ thông tiểu chỉ 6.000 đồng/lượt, nhưng cái ống thông đã... 9.000 đồng, thậm chí có loại 12.000-13.000 đồng, nên bệnh nhân được chỉ định mua ngoài. Nay dịch vụ nong niệu đạo và đặt thông tiểu là 145.000 đồng, bao gồm cả ống thông, nơi nào bắt đi mua là sai.
“Phiếu thanh toán mới ghi chú rất rõ chi phí nào kết cấu trong giá và cái nào không bao gồm, bệnh nhân phải mua ngoài, bệnh nhân chú ý theo dõi để bảo đảm quyền lợi của mình” - ông Liên nhắn nhủ.
Theo ông Lê Văn Phúc, vẫn còn rất nhiều bất hợp lý trong cách tính viện phí, ví dụ như tỉnh Cao Bằng tính cơ cấu giá dịch vụ laser châm, tổng dịch vụ có 52.000 đồng (buồng bệnh có điều hòa), riêng tiền bông là 2.100 đồng, tiền kim (15 kim ngắn và 3 kim dài) 16.500 đồng.
“Tôi rà soát thấy laser châm không dùng kim mà dùng tia laser để điều trị, vậy mà Cao Bằng cơ cấu vào đến 17 cái kim dùng một lần. Một dịch vụ ít tiền mà các phụ phí cao quá” - ông Phúc nhận xét.