Góp ý Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Tập trung vào khu vực Nhà nước

Thứ tư, 19/12/2012, 13:27
Ngày 18-12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã tổ chức hội thảo "Sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” nhằm lấy ý kiến về dự thảo dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
 
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội thông qua vào năm 2005. Sau 7 năm triển khai thực hiện, kết quả về tiết kiệm đã rõ nét nhưng tình trạng lãng phí vẫn chưa ngăn chặn được.
 
Nguyên nhân do công tác tổ chức thực hiện Luật nhiều nơi chưa quan tâm thực hiện nghiêm túc, các biện pháp, chế tài còn chung chung, hình thức… gây lãng phí vốn và tài sản nhà nước trong nhiều lĩnh vực.
 
Mục tiêu sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm đồng bộ với sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành và gia tăng các cơ chế, biện pháp Thực hành tiết kiệm, chế tài các hành vi gây lãng phí để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí.
 
Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi gồm 5 Chương và 57 Điều, với nhiều nội dung bổ sung như việc xác định công khai trong quản lý ngân sách nhà nước, vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên; Bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí; mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước …
 
Ông Đinh Dũng Sĩ - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật đánh giá dự thảo Luật về cơ bản là kế thừa các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật hiện hành đối với khu vực ngoài Nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.
 
Qua đó làm rõ hơn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của những tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Về việc bổ sung thêm các quy định về việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí để tăng tính khả thi và hiệu quả của Luật là hợp lý, khắc phục tình trạng bất cập của quy định hiện hành là cơ chế thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mang tính định tính, thiếu giải pháp, biện pháp cụ thể, chưa định lượng rõ ràng.
 
Tuy nhiên, theo Đại biểu Trần Văn (tỉnh Cà Mau) dự thảo không chặt chẽ về chế tài và trước hết cần làm tốt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực Nhà nước trước để làm gương cho khu vực tư nhân.
 
Bởi lẽ đối với tư nhân "đồng tiền liền khúc ruột” và không ai tự ăn cắp tiền của mình cả nên việc mở rộng đối với khu vực ngoài nhà nước là chưa cần thiết. Ông Nguyễn Ngọc Điện - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh cùng quan điểm khi phát biểu: "Đừng nói gì về khu vực tư nhân mà chỉ nên nói thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực công. Quy định chế tài của Luật hiện hành chung chung, mang tính khẩu hiệu và không dẫn dắt đến một địa chỉ cụ thể nào. Hậu quả là cho đến nay chưa có trường hợp nào bị chế tài kỷ luật, chế tài hành chính do hành vi lãng phí công sản”.
 
Theo kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Điện, để chống lãng phí một cách có hiệu quả thì một trong các điều kiện cần là hành vi lãng phí phải có thể được quy chiếu theo một bộ tiêu chí khách quan. Lãng phí đến một mức độ nghiêm trọng nào đó phải được coi là chiếm đoạt tài sản công vì mục đích tư lợi, là tham nhũng và phải bị chế tài kỷ luật, chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự.
 
Tham luận của TS Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân gắn bó mật thiết với lợi ích của chủ doanh nghiệp nên hơn ai hết chính họ là người tính toán để làm sao kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.
 
Việc quy định khu vực doanh nghiệp tư nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và buộc họ trở thành đối tượng phải báo cáo (Điều 8) hay đối tượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra (Điều 11) bên cạnh các trách nhiệm công bố, giải trình… là sự can thiệp hành chính quá sâu của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, góp phần làm môi trường kinh doanh không thuận lợi, đi ngược với mục tiêu cải cách hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mà Chính phủ đang theo đuổi.

 

Theo Daidoanket

Các tin cũ hơn