Điều hành giá xăng dầu nửa vời: Định giá theo chu kỳ 10 ngày

Thứ năm, 20/12/2012, 14:57
Phương thức đổi mới căn bản phải hướng tới là trao quyền định giá cho doanh nghiệp nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát được.
Giá xăng dầu
Ảnh minh họa - Nguồn: VnEconomy

Liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã 2 lần lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) tại các thời điểm trong tháng 4/2011 và gần đây nhất là tháng 10/2012 để tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cơ chế 1+3

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy đã có thay đổi đáng kể về thị phần của các DN xăng dầu so với năm 2008. Chẳng hạn, thị phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã giảm từ hơn 70% còn dưới 50% vào năm 2011, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội từ 5,8% còn 2,2%, Công ty Xăng dầu Hàng Hải từ 1,2% còn 0,3%...

Cũng có DN tăng đáng kể thị phần như Công ty Dầu Việt Nam từ 13% lên 16,4%, Tổng Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Thanh Lễ từ 1,8% lên 5,7%... Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn còn có những DN chiếm vị trí thống lĩnh, tiềm ẩn sự hạn chế tính cạnh tranh.

Về hệ thống phân phối, cần mở rộng các quan hệ mua bán giữa các đầu mối kinh doanh xăng dầu bằng cách cho phép thực hiện cơ chế 1+3, tức là tổng đại lý được ký hợp đồng với ít nhất 3 thương nhân đầu mối; đại lý được ký hợp đồng bán lẻ với ít nhất 3 tổng đại lý hoặc 3 thương nhân đầu mối.

Chính sách này nhằm tạo cơ hội cạnh tranh về giá mua buôn trên thị trường, từ đó có điều kiện cạnh tranh về giá bán lẻ xăng dầu cho người tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết cơ chế 1+3 đã được đề xuất từ năm ngoái nhưng không khả thi vì không thể kiểm soát được chất lượng xăng dầu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho rằng hoàn toàn có thể làm được vì theo quy định hiện hành, các đơn vị khi giao - nhận hàng theo hợp đồng đều có cam kết chất lượng sản phẩm.

“Chỉ cần bổ sung  yêu cầu đơn vị mua hàng phải kiểm nghiệm chất lượng xăng dầu thực tế thì sẽ có địa chỉ chịu trách nhiệm khi có hiện tượng xăng bẩn bán trên thị trường” - ông Thỏa kiến nghị.

Rút ngắn thời gian tính giá

Từ thực trạng của nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng chưa thể áp dụng giá bán lẻ xăng dầu theo ngày nhưng dứt khoát phải sửa đổi công thức tính giá cơ sở. Phương thức đổi mới căn bản cần hướng tới là DN tự định giá nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát được.

Cụ thể là trao quyền cho DN chủ động tính toán phương án và quy định giá bán theo tín hiệu của thị trường và nguyên tắc lấy gần bù xa.

Quy chế này không chỉ tạo hành lang pháp lý cho các DN có đủ các căn cứ, phương pháp tính giá; quy định những loại chi phí nào được tính, loại nào không được tính vào giá và là cơ sở để Nhà nước có thể kiểm soát được các yếu tố hình thành giá khi có biến động hoặc khi phát hiện DN tính giá không đúng.

Tuy nhiên, trong điều kiện chưa thể hoàn toàn theo cơ chế thị trường, Nhà nước vẫn phải công bố công thức tính giá cơ sở thì cần đi theo hướng tất cả các yếu tố cấu thành giá phải là giá thị trường.

Một vấn đề quan trọng khác là phải giảm thời gian tính giá bình quân xuống 10 ngày, phù hợp với tần suất giữa 2 lần điều chỉnh giá để bám sát diễn biến giá thế giới.

Ông Thỏa cho rằng nếu tiếp tục tính giá bán lẻ theo thời gian dự trữ lưu thông thì sẽ không thể có giá thị trường. Hơn nữa, Việt Nam đang phấn đấu tăng dự trữ lưu thông lên 45 ngày thì khoảng cách giá trong nước với thế giới càng bị dãn ra.

Vướng mắc liên quan đến vấn đề dự trữ lưu thông sẽ được xử lý theo cơ chế riêng, chẳng hạn như chi phí dự trữ lưu thông sẽ được hỗ trợ vay vốn không lãi suất.

“Nhà nước tập trung sự kiểm soát kinh doanh về giá là chủ yếu đối với DN có thị phần lớn, DN có vị trí thống lĩnh thị trường và thực hiện các biện pháp bình ổn giá khi giá của các DN này có biến động gây bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô” - ông Thỏa nói.

Trước đây, Bộ Tài chính yêu cầu các DN phải công khai giá cơ sở trên website nhưng chỉ có Petrolimex thực hiện và đến nay đã bỏ vì không khách quan.

 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn