Thu ngay phí bảo trì đường bộ không chờ HĐND thông qua

Thứ năm, 20/12/2012, 15:47
Mặc dù HĐND các tỉnh thành chưa đưa ra mức thu cụ thể đối với xe mô tô, gắn máy, Bộ Tài chính vẫn quyết định thu phí bảo trì đường bộ kể từ ngày 1/1/2013 tới. 
Thu phí đường bộ
Phí bảo trì đường bộ sẽ được thu kể từ ngày 1/1/2013 - Ảnh Duy Nguyên

Thu phí từ ngày 1/1/2013

Hội nghị Phổ biến, tập huấn, triển khai Nghị định số 18 về Quỹ Bảo trì đường bộ và hướng dẫn thực hiện Thông tư 197 của Bộ Tài chính về thu phí sử dụng đường bộ sáng 19/12 tại TP.HCM. Tại Hội nghị, Bộ GTVT thông tin, sẽ thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy và ô tô kể từ ngày 1/1/2013 tới.

Theo Bộ GTVT, tuy HĐND các tỉnh thành chưa đưa ra mức phí phải thu đối với xe máy, mô tô nhưng vì quỹ thu phí mô tô, xe máy sẽ được giao cho địa phương quản lý nên Bộ Tài chính quy định mức trần phí là 50.000 đồng/năm đối với xe từ 150 dung tích xi lanh trở xuống và 100.000 đồng/năm đối với xe từ 150 dung tích xi lanh trở lên để kịp thu phí đối tượng này kể từ ngày 1/1 tới đây.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Đây là mức thu thấp nhất nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân khi thu mà chưa có quyết định của HĐND. Dựa vào mức thu này, HĐND các tỉnh thành sẽ phải sớm xem xét tùy tình hình kinh tế, xã hội từng địa phương mà đưa ra mức thu cho phù hợp.

Nếu mức thu cao hơn mức trần thì sẽ tiến hành truy thu phí tính từ ngày 1/1/2013. Khi đã có mức thu do HĐND quy định thì 6 tháng cuối năm, việc thu phí mô tô, xe máy sẽ vào trật tự”.

Về việc thu phí đối với đầu kéo, sơ-mi rơ-mooc, rơ-mooc, ông Trường cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp có ý kiến không đồng tình với một số quy định thu phí của Nghị định 18 cũng như Thông tư hướng dẫn số 197.

Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các ban ngành có liên quan đã điều chỉnh cho phù hợp. Khi đưa vào thực tiễn, nếu còn những bất cập sẽ tiếp tục xem xét sửa đổi sau thời điểm 6 tháng thực hiện.

Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, phí bảo trì đường bộ phải được thu hàng tháng, sử dụng lúc nào trả phí lúc đó. Thu phí theo kiểu ứng trước như thế này, trong khi số tiền ứng trước là rất lớn, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thu phí đường bộ
Ông Đinh Nam Dinh cho rằng, thu phí rơmooc, sơmi rơmooc là tận thu - Ảnh Duy Nguyên

Ngoài ra, đại diện cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên địa bàn TP.HCM, Hiệp hội còn kiến nghị thu phí qua xăng dầu, hoặc có thể lập thêm trạm thu phí để thu đúng đối tượng sử dụng.

Tuy nhiên, ông Trường lý giải rằng, nếu thu qua trạm, ước tính phải xây thêm khoảng 2.450 trạm thu phí nữa. Chi phí xây trạm, trang thiết bị, chi phí vận hành trạm rất lớn, nhưng hiệu quả lại không cao, dễ phát sinh tiêu cực.

Hiện có 90% xăng dùng vào hoạt động ô tô, 10% còn lại cho các hoạt động khác như: phát điện, thuyền bè trên đường thủy…

Tương tự, 60% dầu cho hoạt động ô tô và có đến 40% còn lại phục vụ cho các hoạt động khác. Nếu thu phí qua xăng dầu thì việc hoàn tiền lại cho các đối tượng khác rất phức tạp và nhiều bất cập.

“Trước đây, chúng ta cũng đã áp dụng thu phí qua xăng dầu nhưng đến năm 2004 phải dừng lại vì lý do này. Đó là chưa kể, giá xăng dầu biến động liên tục, nếu thời điểm xăng tăng giá mà còn cộng thêm phí nữa thì rất khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp. Mặt khác, thu qua xăng dầu thì quỹ đưa vào ngân sách. Để trích lại quỹ cho việc bảo trì đường bộ thì thời gian rất chậm, nên thu trực tiếp”, ông Trường nói.

Đầu năm 2013, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư chi Quỹ, đảm bảo chi Quỹ đúng mục đích, đúng quy định Nhà nước, có sự giám sát của cơ quan liên quan.

Xe cảng lo chịu phí “oan”

Tại Hội nghị, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, đơn vị có một số lượng lớn xe đầu kéo, rơ-mooc đang hoạt động và phải đăng kiểm 6 tháng một lần. Nếu thu phí theo kỳ đăng kiểm thì tất cả các xe đầu kéo và rơ-mooc của công ty phải bị thu phí “oan”.

Bởi các đầu kéo và rơ-mooc này chỉ phục vụ vận chuyển, khai thác dịch vụ logistic trong phạm vi cảng, không di chuyển trên đường bộ mà vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ.

 

Thu phí đường bộ

Thứ trưởng Bộ GTVT ông Nguyễn Hồng Trường: “Không thể nói, đóng phí bảo trì đường bộ trong khi phải đi đường xấu. Bởi phí này chỉ tác động rất nhỏ vào việc cải thiện chất lượng cầu đường, chiếm 0,1% chi phí làm đường. Trong khi hằng năm, Nhà nước phải chi đến hàng ngàn tỷ đồng để xây đường. Mong rằng khi có Quỹ, chất lượng đường xá 5-10 năm nữa sẽ tốt hơn bây giờ”. 

Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM và nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị, bãi bỏ việc thu phí đối với rơmooc, sơmi rơmooc, bởi các doanh nghiệp đa số có ít đầu kéo và nhiều rơmooc. Nếu thu phí rơmooc thì chẳng khác nào… tận thu.

“Trong hiệp hội có những doanh nghiệp có khoảng 200 đầu kéo nhưng lại có đến gần 1.000 sơmi rơmooc. Thu phí 800 sơmi rơmooc chủ yếu nằm kho là vô lý”, ông Dinh nói.

Trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp, ông Trường cho rằng: “Người kinh doanh luôn phải biết trang bị số lượng đầu kéo, rơmooc hợp lý cho hoạt động của mình. Chả ai sắm rơ-mooc nhiều để mà cất trong kho cả!

Nếu doanh nghiệp có rơ-mooc không hoạt động thì làm biên bản có xác nhận của cơ quan công an, trình với Cục đăng kiểm để không phải chịu phí đối với những rơ-mooc đó”.

Ngược lại, các doanh nghiệp bảo rơ-mooc của mình không lưu thông để tránh phí nhưng lại cho lưu thông thì sẽ phải chịu mức phí tối đa.

Tương tự, các xe hoạt động trong các cảng, khi có giấy chứng nhận của cơ quan công an là không lưu thông trên đường sẽ không phải chịu phí mỗi kỳ đăng kiểm.

Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm, trên thực tế, tỷ lệ rơmooc và đầu kéo của các doanh nghiệp trên toàn quốc là 1,2.

“Trong kinh doanh, 1 đầu kéo có nhiều rơ-mooc, sơmi rơ-mooc là cần thiết, để có thể chở được những container có tải trọng khác nhau. Nhưng theo sổ sách quản lý của chúng tôi, không có doanh nghiệp nào có 100 đầu kéo mà lại có đến 1.000 rơ-mooc”, ông Giao nói.

Ngoài ra, ngày 25/12 tới, Nhà nước sẽ ban hành danh sách 14 trạm thu phí Nhà nước dừng thu phí kể từ ngày 1/1/2013.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chỉ có 14 trạm thu phí Nhà nước dừng thu trong khi các trạm thu phí BOT và trạm thu phí đã bán thương quyền thì vẫn còn nhiều và thu phí khá cao.

Cần xem xét lại, trong mức phí của các trạm BOT đang thu, có bao gồm phí bảo trì đường bộ hay không. Nếu có thì nên trừ ra. Còn khi nhà đầu tư có nhu cầu bảo trì đường thì Quỹ bảo trì đường bộ sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư khoản tiền bảo trì.

Thu phí đường bộ
Trước ngày thu, vẫn còn nhiều ý kiến doanh nghiệp không đồng tình việc thu phí bảo trì đường bộ - Ảnh Duy Nguyên

Thời gian thực hiện thu phí gần kề, ông Thanh khuyến cáo các doanh nghiệp cần rà soát lại tất cả các phương tiện vận tải của đơn vị mình. Phương tiện nào không dùng đến thì nên làm giấy chứng nhận và trao đổi với cơ quan đăng kiểm để việc thu nộp phí đúng đối tượng quy định.

Tránh sử dụng tràn lan rồi phải gánh chịu khoản phí khá cao. Những tháng đầu tiên thực hiện nộp phí, nếu có vướng mắc phải nhanh chóng thông báo cho Hiệp hội, Hội đồng thu quỹ biết để kịp thời tháo gỡ.

Các doanh nghiệp cũng nên sớm tính toán lại cơ cấu giá thành và ký hợp đồng với khách hàng từ ngày 1/1/2013 để đảm bảo hoạt động vẫn có lãi sau khi chịu phí. Nhưng cũng không được lợi dụng phí này để đẩy giá thành lên cao.

“Doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không bao giờ làm chuyện này”, ông Thanh nói.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn