Chữa “bệnh thành tích” cho con

Thứ năm, 20/12/2012, 16:21
 Dường như ai cũng ít nhiều có tính sĩ diện, chuộng hư danh. Ở mức độ vừa phải thì điều đó có lợi, nó thể hiện ý thức về cái tôi trong quá trình trưởng thành, mong muốn được người khác thừa nhận. Do đó, cha mẹ cần thấu hiểu và thông cảm với biểu hiện này của con cái. Tuy nhiên, khi tính phô trương vượt quá giới hạn thì sẽ gây hại cho bản thân.    

Ham phú quý, sợ nghèo hèn

Bé Uyển Nhi (13 tuổi, Biên Hoà, Đồng Nai) đi học về hí hửng khoe với mẹ: “Ngày mai lớp con tổ chức liên hoan, mỗi bạn đều được mời ba hoặc mẹ đến dự. Mai mẹ đi với con nhé!”

Con bé nói thêm: “Khi đến dự, ai hỏi thì mẹ bảo là đang làm giám đốc một công ty lớn và phải mặc quần áo, trang điểm thật sang trọng! Mẹ mà ăn mặc xuềnh xoàng, những người tới dự sẽ cho là nhà mình nghèo!” Chị Phi hỏi lại: “Nhà nghèo thì đã sao?” Con bé đáp ngay: “Nghèo thì các bạn sẽ xem thường. Con đã nói với các bạn là nhà mình rất giàu!”

Tính thích phô trương là hiện tượng hết sức phổ biến ở trẻ em. Những đứa trẻ gia đình khá giả, ba mẹ có ôtô đưa đón sẽ cảm thấy oai phong hơn người khác, vô tình nảy sinh tính kiêu ngạo.

Ngược lại, những đứa trẻ đến trường bằng xe đạp hay được đưa đón bằng xe máy tự nhiên sẽ có cảm giác tự ti nên nảy sinh tâm lý so bì. Do đó, các gia đình không có điều kiện kinh tế khá giả càng phải quan tâm đến con cái. Cần cho trẻ hiểu rằng, nhiều tiền, giàu có chưa hẳn đã là cao quý và nghèo khó không có nghĩa là hèn hạ.

benh thanh tich 

Sớm bắt đúng bệnh

Dù hay chỉ trích tính chuộng hư danh của con, nhưng khi trao đổi khá nhiều bậc cha mẹ đã bất ngờ nhận ra bản thân họ cũng mang bệnh hình thức. Làm cha mẹ, bất cứ ai cũng có lần đòi hỏi con phải giống bạn, thậm chí hơn bạn thì mới hả lòng, hả dạ.

Cũng vì sợ con thua bạn kém bè, họ tìm mọi cách để con mình được bằng hoặc nổi trội hơn, lâu dần trẻ bị lây nhiễm cách sống đó, hễ thấy bạn có gì mới, có gì đẹp là muốn cho bằng được.

Mặt khác, một số cha mẹ thường khen ngợi con mình quá mức trước mặt bạn bè hay người thân, khiến trẻ nghe thấy ngỡ rằng bản thân mình là hoàn hảo, không ai bằng mình. Sống trong gia đình có cha mẹ luôn “chạy theo thành tích” như thế thì việc trẻ nảy sinh tính háo danh là tất nhiên. Thêm vào đó, do khả năng kiểm soát bản thân còn hạn chế, trẻ dễ bị rơi vào cám dỗ.

Vì vậy, cha mẹ phải đánh giá con một cách khách quan, không nên quá thổi phồng mặt tốt của con hay che giấu khuyết điểm của chúng, để trẻ nhận thức đúng về bản thân.

Trước hết, nếu con mắc chứng chuộng hư danh, coi trọng hình thức, cha mẹ hãy xem lại bản thân có mắc chứng này không. Nếu có, hãy nhanh chóng sửa đổi để làm gương cho con. Đồng thời, trang bị cho con một thái độ sống đúng đắn, tích cực, biết yêu thương, quan tâm đến người khác. Thông qua những việc làm cụ thể, hình thành ở con lối sống giản dị, tiết kiệm, tự trọng và yêu lao động.

Những người thích phô trương thường đem cái được của mình so sánh với cái chưa được của người khác và thoả mãn với điều đó. Họ dễ coi thường người khác, có thái độ cố chấp, bảo thủ khi bị phê phán, luôn từ chối sự giúp đỡ của mọi người và sợ người khác vượt mình, khiến các mối quan hệ thường căng thẳng, không mấy tốt đẹp.

Ngay cả trẻ em, những yếu tố bất lợi đó khiến chúng dễ bị bạn bè tẩy chay và khi trưởng thành bước vào xã hội, hậu quả của việc quá chuộng hư vinh sẽ ảnh hưởng đến công việc thường ngày và sự tiến bộ của chúng. Vì vậy, cha mẹ phải luôn để ý tới mọi cử chỉ, hành vi, lời nói của con, nếu thấy chúng có biểu hiện của tính đua đòi, thích phô trương thì lập tức dạy dỗ và uốn nắn bằng những biện pháp thích hợp.

 

Với em bình đẳng là số một (Trần Ngọc Khánh, lớp 9/4 THCS Chi Lăng, Q.4, TP.HCM).

Ngoại hình tuy rất quan trọng nhưng chỉ là một trong nhiều khía cạnh của con người. Những dịp đặc biệt như khi làm MC trong các hoạt động của trường, em cũng thích mình có gương mặt dễ thương hơn hay cao ráo để ra dáng hơn.

Nhưng chắc chắn, những biệt danh như “con nhà đại gia”, “dân chơi hàng hiệu” sẽ tạo ra một khoảng cách giữa em với mọi người. Ở lớp, bạn bè thường gọi em là “Khánh bán bánh”, một biệt danh đáng yêu mà bạn bè ưu ái tặng em.

Nếu gia đình có điều kiện, việc có xe riêng đưa đón sẽ khiến em cảm thấy gò bó vì với em, bình đẳng là số một. Tuy thi thoảng em cũng có chút chạnh lòng khi thấy điều kiện của bạn tốt hơn, nhưng sau đó em hiểu cho ba mẹ, hiểu hoàn cảnh gia đình mình khác với mọi người, những cảm xúc nhỏ xíu ấy cũng dần biến mất.

tre em

 Tự kiếm được tiền mới “oách” (Ngô Minh Ngọc, lớp 11B5 trường THPT Gò Vấp, Q. Gò Vấp, TP.HCM)

Tuy mới học lớp 11 nhưng em rất quan tâm đến tình hình kinh tế để có thể định hướng tốt việc chọn trường vào năm sau. Các nhà tuyển dụng ngày nay đã yêu cầu cao hơn, không chỉ có kiến thức tốt, kỹ năng linh hoạt mà cũng cần vẻ ngoài ưa nhìn.

Em khá ốm nên hy vọng có thể cải thiện được cân nặng một chút. Em thấy nhiều bạn sử dụng những biệt danh như “công tử”, “tiểu thư”… nghe rất “oách” nhưng phần lớn tiền tiêu xài đều phụ thuộc gia đình.

Nhiều lần thấy bạn bè có những món đồ công nghệ cao như smartphone trong khi em chỉ sử dụng điện thoại ít chức năng, em cũng muốn mình được sở hữu chúng. Nhưng điều kiện gia đình không cho phép nên em lại thay đổi mong muốn ấy, chuyển sang mục tiêu cố gắng học tập tốt để sau này có thể tự mình kiếm tiền mua những thứ em thích. 

tre em

 Mỗi người một hoàn cảnh (Đỗ Duy Hoàng, sinh viên năm hai, đại học FPT Arena)

Nếu gia đình khá giả, em cũng sẽ có một chút gì đó tự hào. Nhưng em cũng sẽ cảm thấy mặc cảm, lạc lõng nếu khác biệt với mọi người. Khi bạn bè hơn em về vật chất, em không nghĩ gì cả.

Vì mỗi người một hoàn cảnh, họ có điều kiện thì có thể thoả thích mua những gì họ thích. Còn mình tuy không có điều kiện nhưng vẫn có những thứ cần thiết cho học tập và cuộc sống.

Đôi lúc, thấy bạn bè có những thứ hơn mình, em cũng muốn được như vậy. Tuy nhiên, mỗi lúc như thế, em tự nhủ phải cố gắng học giỏi, chăm chỉ, để sau này ra trường, có công ăn việc làm ổn định thì rồi cũng sẽ được như vậy.

Ba mẹ không bao giờ yêu cầu em phải nổi trội hơn bạn bè bằng cách trang bị cho em cái này, cái nọ. Ba mẹ chỉ mong muốn sau này em học thành tài, có công ăn việc làm ổn định. Nếu được vậy thì mình có thể tự trang bị những thứ mình muốn. 

 

 

 

Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích