Trong khi đó, vào giữa mùa đông mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn chỉ mới đạt 60% dung tích thiết kế. Đó là chuyện hy hữu chưa từng xảy ra trên đất cố đô.
Thủy điện Bình Điền trơ đáy do thiếu nước |
Thủy điện “khát” nước
Đến thời điểm này tại 3 công trình thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế như Bình Điền,Hương Điền và A Lưới đã dừng phát điện, hoặc mỗi ngày chỉ phát vài tiếng để vận hành máy khỏi hư, mực nước chứa trong các hồ chỉ cao hơn mực nước chết từ 2 đến 3 mét.
Ông Lê Văn Huy, Phó phòng Kinh tế - kỹ thuật, Nhà máy thủy điện Bình Điền, giải thích: “Các năm trước, nước ở hồ chứa vào mùa này luôn đạt cao trình 75m, hai tổ máy phát điện hoạt động liên tục 24/24 giờ, cung cấp trên 1.000 MW điện. Tuy nhiên, năm nay lượng nước trong hồ là 57m, chỉ trên mực nước chết 4m.
Hiện chúng tôi chạy một tổ máy mỗi ngày 3 tiếng, lượng điện phát ra bằng 10% cùng kỳ năm 2011. Việc phát điện chủ yếu nhằm mục đích điều tiết dòng chảy ở hạ nguồn sông”.
Nhiều cánh đồng ở Thừa Thiên - Huế đất khô cằn giữa mùa đông |
Nhiều năm qua, lượng mưa trung bình đạt đỉnh cao trình tích nước của thủy điện Bình Điền là 3.277mm, nhưng đến cuối năm này, vào thời điểm đầu tháng 12/2012, thủy điện chỉ nhận được lượng mưa hơn 2.000mm - thiếu hơn 1.200mm.
Tính ra Bình Điền còn thiếu tổng dung tích nước là 323 triệu m3, một con số cực kỳ lớn.“Năm ngoái khoảng 23 tháng 10 âm, nhà máy đã tích nước đầy hồ, năm nay thì không có nước để tích. Kế hoạch năm 2012 chúng tôi đề ra giờ chỉ đạt khoảng 64%. Tình thế này trong năm tới chắc sẽ khó khăn lắm. Tuy nhiên vẫn phải cố gắng để đảm bảo cho vụ mùa hè thu 2013”, ông Trần Kim Thành - Phó giám đốc sở NN&PTNT cho biết.
Nóng lòng chờ mưa
Do hạn hán kéo dài giữa mùa đông nên việc gieo sạ đúng thời vụ của bà con nông dân ở Thừa Thiên - Huế đang gặp rất nhiều khó khăn. Là vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ khi bình quân mỗi năm có ít nhất 4 - 5 trận lũ lớn nhỏ. Nhưng năm nay, giữa đông mà trời nắng nóng, sông ngòi khô cạn, ruộng đồng nứt nẻ, các hồ chứa không đủ nước…
Ông Trần Ngọc Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp, huyện Phong Điền, cho hay: "Chưa bước vào mùa vụ đã lo chống hạn. Vụ đông xuân này, toàn huyện gieo cấy gần 5000 ha lúa, 1 nghìn ha lạc. Đến nay đã chuẩn bị xong giống, đồng thời tổ chức khâu làm đất để gieo đại trà vào ngày 20/1 sắp tới.
Để chuẩn bị đối phó hạn hán sắp tới, huyện đã yêu cầu bà con tu sửa kênh mương, hồ đập, các công trình nước tự chảy, tập trung để tích nước cho vụ đông xuân".
Mực nước trong lòng hồ thủy điện Bình Điền chỉ trên mực nước chết từ 2 đến 3 m |
Trước diễn biến thất thường của thời tiết, Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế cũng đã có văn bản hướng dẫn khung lịch thời vụ đông xuân 2012-2013 và gởi các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp.
Cũng theo ông Trần Kim Thành: “Huế vốn là xứ mưa dầm lê thê từ tháng 8 âm lịch trở đi với nhiều trận lụt bão mà năm nay ít mưa là điều quá hy hữu, 30 năm nay mới xảy ra. đây cũng là năm rất kỳ lạ khi mà chưa có trận lũ nào xảy ra tại cố đô Huế.
Hệ lụy kéo theo là dịch sâu bệnh, chuột đồng gây hại không nhỏ. Phân bón, thuốc trừ sâu trên toàn bộ thảm thực vật hoa màu canh tác của người dân vẫn còn tồn dư. Nếu có lũ, chắc chắn những yếu tố xấu trên sẽ bị cuốn sạch”.
Theo Phunu