Chuyện nhói lòng phía sau phòng xét nghiệm HIV lưu động

Thứ hai, 24/12/2012, 12:14
Không cần cung cấp tên và địa chỉ, người tham gia có thể nhận được kết quả xét nghiệm bằng miệng thông qua tư vấn viên. Thậm chí, nhiều người đến với những ngôi nhà vải dựng tạm này chỉ để chắc chắn niềm tin không mắc HIV.

Bệnh nhân "kỳ lạ"

Lặng lẽ bên chiếc bàn trong căn nhà bạt dựng tạm bợ, các tư vấn viên về HIV như ông Phó Đức Thuận (trung tâm Xét nghiệm tự nguyện HIV, Ngôi nhà Tuổi trẻ, Hà Nội) đã gặp không ít trường hợp đến xét nghiệm HIV đầy bi kịch và tuyệt vọng.

Ông Thuận chia sẻ với chúng tôi, không ít trường hợp mà ông từng gặp khi tham gia các buổi xét nghiệm lưu động, hầu hết những người đến với các phòng khám cố định hay lưu động tiến hành xét nghiệm HIV thường cảm nhận được nguy cơ lây nhiễm HIV và có các dấu hiệu khiến họ liên tưởng hoặc nghĩ đến khả năng mắc bệnh. Họ đến để khẳng định nghi ngờ của mình có chính xác hay không.

Những căn nhà bạt được dựng tạm nhưng kín đáo với những chiếc bàn được kê gọn gẽ bên trong tại các khu vực tập trung đông người là điểm dễ nhận thấy nhất của các phòng xét nghiệm HIV lưu động.

Đến với những phòng khám này, mỗi người có thể chọn lựa cho mình một trong hai hình thức xét nghiệm vô danh hoặc xét nghiệm có tên bảo mật. Không ai có thể biết bạn là ai, bạn có dương tính hay âm tính với virus HIV, ngoại trừ bạn và tư vấn viên.

Ông Thuận kể cho chúng tôi nghe về một bệnh nhân khiến ông và các bác sỹ trực tiếp làm các xét nghiệm luôn trăn trở.

Trường hợp này là một nam, sinh viên một trường đại học danh tiếng trên địa bàn Thủ đô. Anh này đến xét nghiệm sau khi nhận được điện thoại từ một người bạn tình đồng giới thông báo là bản thân anh ta bị HIV/AIDS. Ngay khi nhận được điện thoại từ người bạn tình của mình, bệnh nhân nam này không nghĩ rằng bạn tình của mình đang mang trong người virus HIV.

Trong suy nghĩ của bệnh nhân, đó chỉ là cách để người bạn đồng giới cố tình "từ chối", "chạy trốn", viện cớ để chia tay anh. Anh ta tỏ ra rất tự tin và đến phòng khám lưu động chỉ là để củng cố sự tự tin rằng anh không mắc HIV.

HIV
 Một buổi xét nghiệm HIV lưu động tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội).

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn trái ngược với khẳng định của bệnh nhân. Các bác sỹ tham gia quá trình xét nghiệm thực hiện đầy đủ quy trình, với sự cẩn trọng và chi tiết, nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Ngay sau khi có kết quả và nói chuyện cụ thể, tư vấn viên hẹn anh một tuần sau quay lại để nhận kết quả kiểm tra chi tiết và kỹ càng hơn, nhưng kết quả vẫn là dương tính.

Bệnh nhân này đã ngất tại bàn tư vấn viên và sau khi tỉnh lại đã tỏ ra suy sụp tột độ. Anh ta có chia sẻ với tư vấn viên về sự lo lắng khi bố mẹ, người thân và dư luận xã hội sẽ đối xử với anh khi họ biết căn bệnh mà anh mắc phải, dù chính những người thân của bệnh nhân này cũng đang công tác trong ngành y và họ hoàn toàn cảm thông với giới tính của cậu.

Điều khiến tư vấn viên Thuận nhớ đến bệnh nhân này là sau đó ít lâu, cậu sinh viên này quay lại báo với ông rằng cậu không mắc HIV.

"Khi chúng tôi nói muốn xem kết quả xét nghiệm của bệnh viện mà cậu đi kiểm tra lại thì cậu lại nói rằng người nhà cậu nhận kết quả. Ngay bản thân bệnh nhân cũng không nhìn thấy chính xác kết quả này. Dù khá thông cảm với người nhà bệnh nhân nhưng chúng tôi vẫn mong muốn các bệnh nhân biết được sự thực căn bệnh của mình và chủ động phòng ngừa, tránh lây nhiễm cho người xung quanh mình", ông Thuận chia sẻ.

May mắn không đến lần thứ hai

Không giống trường hợp bệnh nhân nam được kể trên lây HIV do quan hệ tình dục đồng giới, trường hợp một ca xét nghiệm là nữ còn rất trẻ mà tư vấn viên Thuận từng gặp lại thoát lây nhiễm HIV một cách khá thần kỳ.

Trong một vụ tai nạn xe máy, anh người yêu của cô phải nhập viện và các bác sỹ bệnh viện 103 phát hiện anh này nhiễm HIV. Chia sẻ với tư vấn viên, cô gái này đinh ninh rằng, mình cũng chung số phận với bạn trai, vì họ đã từng có quan hệ tình dục trong khoảng thời gian trước khi anh người yêu phát hiện dương tính với HIV.

Tuy nhiên, một điều kỳ diệu là khi cô gái này tiến hành các xét nghiệm, kết quả nhận được là âm tính. Chính các bác sỹ, tư vấn viên cũng thực sự bất ngờ khi nhận được kết quả và còn bất ngờ hơn với suy nghĩ  ngây ngô của cô gái. Bản thân cô gái cũng tâm sự, khi biết bạn trai có kết quả dương tính với HIV, cô vẫn quan hệ tình dục với anh này mà không hề có biện pháp phòng tránh nào.

Cô gái hồn nhiên nói với chúng tôi rằng: "Dù bạn trai mình bị đau chân nhưng nếu anh ta đòi hỏi cháu vẫn chiều!". Khi chúng tôi hỏi: "Cháu có nghĩ rằng mình sẽ bị lây nhiễm?", cô gái thật thà cho rằng: "Trước kia, anh bị lây nhiễm, cháu cũng đã quan hệ thì bây giờ chúng cháu có quan hệ cũng chẳng làm sao?", ông Thuận kể lại.

Các tư vấn viên về HIV chia sẻ, điều khó khăn nhất với họ tại các buổi khám nghiệm HIV lưu động cũng như tại các trung tâm cố định là tâm lý mỗi bệnh nhân nhận kết quả thì chẳng ai giống ai. Người thì vui mừng hơn bắt được vàng, khi "trút" được nỗi lo tử thần với kết quả âm tính.

Không ít người thì rơi vào trạng thái sốc, khóc ngất khi biết kết quả là dương tính. Thậm chí, có người nhìn bề ngoài rất hiền lành bỗng trở nên hung dữ, người thì lại câm lặng, chẳng nói câu nào...

Vì vậy, tùy vào thái độ, biểu hiện của bệnh nhân, mà các bác sĩ tư vấn theo chiều hướng nào. Nếu bệnh nhân sốc, phản ứng mạnh với kết quả, muốn gào thét, thì bác sĩ tư vấn phải tìm cách "làm mát" nhanh nhất, như ôm lấy họ, rót nước cho họ, rồi kể những tấm gương nhiễm HIV mà người ta quyết tâm điều trị nên có kết quả tốt cho sức khoẻ... Đa số các bệnh nhân đều cố níu kéo, hy vọng vào sai số trong xét nghiệm, trông chờ vào một "phép màu" xảy ra.

Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, các tư vấn viên về HIV thì chính các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao lại có ý thức phòng ngừa, chủ động tìm đến các phòng xét nghiệm HIV. Còn với những người ít nguy cơ lại thường chủ quan, không chủ động phòng tránh căn bệnh thế kỷ này.

Với đa số các trường hợp bệnh nhân mắc HIV, các tư vấn viên sau khi trấn tĩnh cho bệnh nhân xong thường phải cho họ biết về giai đoạn, liệu pháp chữa trị... Lúc đó, các bác sỹ phải tư vấn các trung tâm khám và điều trị tự nguyện trên địa bàn mà bệnh nhân đó ở hoặc công tác.

Nếu bệnh nhân giai đoạn đầu thì không cần dùng thuốc, mà chỉ cần thăm khám theo định kỳ hoặc khi có sự cố về bệnh tật. Nếu bệnh nhân không muốn ra các trung tâm tự nguyện và có điều kiện thì có thể kê đơn theo chỉ định của bác sĩ...

Theo các tư vấn viên, mỗi người có thể bị lây HIV với những nguyên nhân không giống nhau. Họ có thể bị HIV do lối sống buông thả hoặc bị lây nhiễm bất ngờ, nhưng hơn tất cả họ cần sự cảm thông, chia sẻ và không kỳ thị từ cộng đồng để tiếp tục sống và chủ động ngăn ngừa lây nhiễm cho những người khác.

Giúp nhiều người phát hiện sớm căn bệnh thế kỷ

Bà Vân Anh làm việc tại tổ chức sức khỏe, gia đình quốc tế... một đơn vị đã từng có nhiều buổi xét nghiệm HIV lưu động, cho biết: "Thông thường, những buổi xét nghiệm HIV lưu động có nhiều hạn chế, các trang thiết bị chắc chắn không được đầy đủ… Tuy nhiên, các buổi xét nghiệm lưu động lại tiếp cận được nhiều đối tượng không có khả năng, điều kiện đến các phòng xét nghiệm HIV cố định.

Quan trọng nhất, từ những buổi xét nghiệm tự nguyện, miễn phí, bảo mật này đã giúp nhiều người phát hiện sớm căn bệnh thế kỷ để họ được điều trị và phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng". 

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn