Các bạn trẻ đều có chung khao khát vươn lên chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học, công nghệ, thể thao... Buổi công bố và tuyên dương sẽ được Thành đoàn TP.HCM tổ chức vào ngày 1-1-2013.
Nguyễn Bá Hải (trưởng phòng thí nghiệm cơ điện tử ôtô- ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Tiến sĩ ôtô
Nguyễn Bá Hải - Ảnh: M.ĐỨC |
Mọi người thường gọi anh là “tiến sĩ ôtô” bởi anh luôn say mê khi nói đến lĩnh vực khoa học cơ điện tử - ôtô. Ở tuổi 28 Hải đã là tiến sĩ (tốt nghiệp trước thời hạn) tại Hàn Quốc với bằng khen và giải thưởng “đề tài tiến sĩ tốt nhất của trường trong khóa tốt nghiệp”.
Đồng thời anh được cấp bốn bằng phát minh sáng chế quốc tế trong quá trình nghiên cứu giai đoạn 2009-2011 và được công bố nhiều công trình nghiên cứu tại Hiệp hội Kỹ sư điện - điện tử Hoa Kỳ và các hội thảo quốc tế uy tín khác.
Từ khi về nước tháng 7 -2010, chàng tiến sĩ trẻ đã sáng lập “khóa học 1 USD” tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước nhằm giúp học sinh, sinh viên, các cá nhân, doanh nghiệp, trường học tiếp cận được với những kiến thức về điều khiển phương tiện - thiết bị từ xa, hướng ứng dụng ngôn ngữ lập trình Lab View trong công nghiệp và giáo dục cũng như góp phần khơi dậy đam mê sáng tạo cho thanh niên về lĩnh vực khoa học - kỹ thuật.
Trần Thị Phương Thúy (trưởng khoa F, Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định - Sở LĐ-TB &XH TP.HCM): Trái tim yêu thương
Trần Thị Phương Thúy - Ảnh nhân vật cung cấp |
Hơn sáu năm gắn bó với người bệnh tâm thần nặng tại Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định, cô y sĩ trẻ Trần Thị Phương Thúy đã xem nơi đây như một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình.
Thúy chăm sóc bệnh nhân với tình cảm trìu mến, yêu thương. Chính vì thế, dù bao vất vả và có cả những lúc chông chênh khi mới vào nghề cũng không làm cô chùn bước bởi “người bệnh tâm thần đã thiệt thòi nhiều, tôi muốn bù đắp phần nào mong họ có được cuộc sống bình thường”- Thúy tâm sự.
Thúy có nhiều sáng kiến trong chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Những đợt dịch bệnh, cô cùng đồng nghiệp ăn không ngon, ngủ không yên, nhiều đêm thức trắng chăm sóc bệnh nhân.
Dù đôi lúc bị bệnh nhân lên cơn rượt đuổi, nhưng chính lòng yêu thương của người thầy thuốc đã níu chân cô gắn bó với nơi này - một nơi heo hút của “thế giới người điên”.
Vận động viên cờ vua Nguyễn Anh Khôi (học sinh lớp 5 Trường Võ Trường Toản, Q.10): Mê cờ vua và học giỏi
Nguyễn Anh Khôi - Ảnh: M.ĐỨC |
Đến với cờ vua khá tình cờ khi mà Khôi đang rất mê chơi... game online, cậu nhỏ 6 tuổi có thể ngồi trước máy vi tính từ sáng đến khuya.
Để giúp Khôi có nề nếp hơn, ba mẹ đã đăng ký cho Khôi học lớp cờ vua tại nhà thi đấu Q.Tân Bình. Huấn luyện viên đã phát hiện Khôi có năng khiếu với môn thể thao trí tuệ này.
Chỉ trong vòng hai năm tiếp xúc với cờ vua, Khôi đã làm mọi người trong ban huấn luyện đội tuyển cờ vua VN sửng sốt khi giành trọn sáu HCV cá nhân và đồng đội tại Giải cờ vua trẻ Đông Nam Á lứa tuổi U-8.
Khôi được phong kiện tướng FIDE. Cũng trong năm 2010, Khôi tiếp tục mang về HCV cờ vua tiêu chuẩn cá nhân giải cờ vua trẻ châu Á lứa tuổi U-8.
Đây được xem là điều khá bất ngờ vì tại sân chơi cờ vua trẻ châu Á, VN thường đoạt thứ hạng cao ở nội dung đồng đội hoặc ở các nội dung cờ nhanh và cờ chớp.
Tháng 11 vừa rồi, Khôi đã thi đấu ván cuối cùng tại giải cờ vua trẻ thế giới nhóm tuổi U-10 bằng chiến thắng thuyết phục. Sau 11 ván đấu, Khôi đã toàn thắng cả 11 ván, đoạt chức vô địch tuyệt đối.
Mê cờ vua nhưng Khôi cũng là một học sinh giỏi suốt bốn năm qua. Chàng đội viên này còn rất yêu thích môn võ thuật.
Nguyễn Vũ Nhân (trưởng chuyền băng tải Công ty cổ phần cao su Bến Thành): “Cây sáng kiến” của công ty
Nguyễn Vũ Nhân - Ảnh: M.ĐỨC |
Từ ngày đầu quân về Công ty cổ phần cao su Bến Thành (năm 2007), chàng kỹ sư Nguyễn Vũ Nhân đã gây sự chú ý cho mọi người khi anh thường xuyên đề xuất những cải tiến, hiến kế lên lãnh đạo nhằm cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả công việc. Những sáng kiến của anh góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.
Trong năm 2012, với ba sáng kiến làm lợi trên 600 triệu đồng, anh được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi.
Trong những sáng kiến ấy, anh đã góp phần cải tiến sản xuất băng tải Interflour dùng để thay thế hàng nhập khẩu. Đây là loại băng tải đặc biệt như dạng ống khi tải liệu và dạng phẳng khi không tải.
Do đó cần kết hợp nhiều kỹ năng chuyên môn cũng như nghiên cứu độ chính xác cao về co rút các loại vải chịu lực khác nhau mới đáp ứng được. Riêng sáng kiến này đã làm lợi 500 triệu đồng cho công ty.
Trần Trung Hùng (đội CSHS đặc nhiệm phòng CS điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM): Không để cái ác lộng hành
Trần Trung Hùng - Ảnh: M.ĐỨC |
Từ nhỏ Hùng đã mê màu áo công an bởi ba anh làm trong ngành. Càng lớn Hùng càng nuôi dưỡng ước mơ trở thành người chiến sĩ “săn bắt cướp” vì không muốn để cái ác lộng hành.
Tốt nghiệp trung cấp cảnh sát, Hùng về công tác tại phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Đồng đội cho biết anh là chiến sĩ trẻ có tinh thần học hỏi cao, không ngại gian khó, hiểm nguy.
Ngoài giờ hay những ngày lễ, Hùng vẫn hăng hái xung phong cùng tham gia với các trinh sát đàn anh làm án. Gan dạ, mưu trí, anh đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công.
Hàng chục vụ án được anh cùng đồng đội phá, góp phần đem lại sự bình yên cho TP. Với thành tích cùng khám phá chuyên án 511B, bắt 11 đối tượng người nước ngoài lừa đảo, anh đã được UBND TP.HCM tặng bằng khen.
Anh còn được trao tặng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.
Chiến sĩ trẻ Huỳnh Văn Trang (đang công tác tại đảo Sinh Tồn - Trường Sa): Yêu biển đảo quê hương
Ngay từ khi nhập ngũ, Huỳnh Văn Trang đã nuôi hi vọng được ra công tác tại Trường Sa. Sau những tháng huấn luyện tân binh, cùng với 22 bạn trẻ TP.HCM tự nguyện ra công tác tại Trường Sa, Huỳnh Văn Trang được về nhận nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn. Trong thời gian công tác, Trang luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, tuyên truyền anh em cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, sôi nổi tham gia các hoạt động huấn luyện, rèn luyện thể thao. Trang được bầu là chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2012. Bà Lưu Tuyết Mai, mẹ Trang, chia sẻ: “Cha Trang đã mất, như thấy rõ vai trò trụ cột của đứa con trai, Trang nhập ngũ và ra đảo vì nó rất yêu biển. Mỗi lần gọi điện về, Trang đều nói về biển đảo và nói đã được thỏa chí khi được công tác tại Trường Sa. Tôi động viên con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của người lính nơi đảo xa góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước”. |
Theo Tuoitre