Triệt sản để... lấy thành tích

Thứ hai, 24/12/2012, 10:01
Những người đàn ông ở các xã, thị trấn thuộc H.Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), thậm chí chưa lập gia đình cũng “được” vận động đi triệt sản. Có lẽ nhờ vậy mà liên tiếp 2 năm liền, huyện này “dẫn đầu tỉnh” về phong trào triệt sản.

Từ phản ánh của người dân về những dấu hiệu không bình thường, cho rằng cán bộ địa phương “vận động triệt sản để lấy thành tích”, ngày 21.12, PV đã có mặt tại H.Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) để tìm hiểu vụ việc.

"Khi cán bộ thị trấn Một Ngàn vận động đi đình sản, tôi nói tôi chưa có vợ con mà đình sản sao được, nhưng họ bảo cứ đi, chỉ làm giả thôi, rồi sẽ được nhận 620.000 đồng và được cấp thẻ BHYT"

Ông N.M.H (46 tuổi, ngụ ấp 1A, thị trấn Một Ngàn)

 “Hy vọng kiếm được chút ít tiền”

Tiếp xúc với chúng tôi, ông L.V.T (45 tuổi, ngụ ấp 1A, thị trấn Một Ngàn) cho biết ông đã có 2 con, con lớn trên 20 tuổi, con nhỏ 17 tuổi. Cách nay mấy tháng, cán bộ ấp, thị trấn đến tận nhà vận động ông triệt sản.

“Do nhà nghèo, chỉ làm thuê kiếm sống qua ngày nên khi nghe cán bộ nói sẽ được hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng, gạo và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), tôi đồng ý đi với hy vọng kiếm được chút ít tiền trang trải qua ngày và có cái thẻ phòng khi đau bệnh.

Tới ngày đi, cán bộ thị trấn chỉ đến nhà kêu tôi ký tên vào danh sách để nộp về trên rồi đưa cho tôi 1 cái thẻ BHYT. Sau đó ít lâu, tôi bị bệnh, đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa Châu Thành A. Khi khỏe lại, gia đình tôi trình thẻ BHYT được cấp trước đó nhưng bệnh viện không chấp nhận và nói thẻ này chỉ sử dụng cho việc điều trị khi có biến chứng sau khi triệt sản mà thôi”, ông T. nói.

Chỉ đo huyết áp, chích một mũi thuốc...

Ngay những người độc thân, chưa có gia đình, con cái như ông N.M.H (46 tuổi, ngụ ấp 1A, thị trấn Một Ngàn) cũng được vận động đi triệt sản.

Ông H. kể: “Ngày 14.3, khi cán bộ thị trấn Một Ngàn vận động đi triệt sản, tôi nói tôi chưa có vợ con mà triệt sản sao được, nhưng họ bảo cứ đi, chỉ làm giả thôi, rồi sẽ được nhận 620.000 đồng và được cấp thẻ BHYT. Do nhà nghèo, nghe nói có hỗ trợ tiền nên tôi đồng ý đi.

Tới ngày hẹn, cán bộ thị trấn chở tôi đến Bệnh viện đa khoa Châu Thành A. Tại đây, tôi được đưa vào phòng mổ nhưng không phải làm gì. Bác sĩ chỉ đo huyết áp, chích một mũi thuốc và kêu nằm hơn một giờ rồi cho về. Khi ra về, tôi được cấp số tiền và thẻ BHYT như đã hứa, nhưng địa chỉ trong thẻ thì ghi sai. Tôi đang ở tại ấp 1A nhưng họ lại ghi là ấp Nhơn Thuận 1A”.

triet san
Ông L.V.T kể lại với PV Thanh Niên việc đi đình sản - Ảnh: Mai Trâm

Tương tự, ông H.V.T (43 tuổi, ngụ ấp 1A, thị trấn Một Ngàn) đã có 2 con lớn, vợ vừa mổ u xơ tử cung, không sinh nở được gì nhưng cũng được vận động đi triệt sản.

Ông T. tường thuật lại với chúng tôi: "Sau khi vào phòng mổ, bác sĩ đo huyết áp, chích cho tôi một mũi thuốc và cho biết chỉ rạch một đường trên người tôi cho có, rồi lấy bông gòn, băng keo cá nhân băng lại, kêu tôi nằm nghỉ một lúc, sau đó cho tôi vài viên thuốc về uống. Lúc ra ngoài tôi được nhận 620.000 đồng và một thẻ BHYT".

Theo phản ánh của người dân tại thị trấn Một Ngàn, chỉ tính riêng ấp 1A có đến 14 trường hợp đi triệt sản. Nhưng chỉ ghi tên, đến bệnh viện nằm nghỉ một lúc rồi ra về.

2 năm liền “dẫn đầu toàn tỉnh”

Tiếp xúc với PV, bà Lê Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình H.Châu Thành A, cho biết trong năm 2012, toàn huyện vận động được 329 ca triệt sản, chủ yếu là nam giới. Trong đó riêng thị trấn Một Ngàn chỉ tiêu giao 8 ca nhưng thực hiện đạt 98 ca.

Về tiền hỗ trợ cho người triệt sản, theo bà Hồng, kinh phí huyện hỗ trợ 200.000 đồng, xã 300.000 đồng, phần còn lại tùy theo sự vận động của địa phương. Trung bình mỗi ca triệt sản được hỗ trợ trên 2 triệu đồng (trong đó có một phần gạo quy ra tiền) và một thẻ BHYT do Bộ Y tế cấp (chỉ sử dụng cho điều trị nếu có xảy ra tai biến trong việc triệt sản).

don tu
Tờ tường trình của ông N.M.H

Về phản ảnh cán bộ cơ sở đã vận động nhiều trường hợp triệt sản giả để lấy thành tích và rút ruột tiền hỗ trợ, bà Hồng nói quy trình thực hiện việc đình sản tại bệnh viện đều có sự giám sát của phòng y tế huyện và cán bộ dân số nên không có việc triệt sản giả...

Ông Võ An Ninh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang xác nhận, trong 2 năm qua, H.Châu Thành A luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào vận động người dân thực hiện việc triệt sản.

“Riêng về thông tin vận động người dân triệt sản giả nhằm lấy thành tích và rút ruột tiền hỗ trợ, chúng tôi sẽ cho tiến hành rà soát vụ việc và đề nghị huyện có báo cáo để làm rõ”, ông Ninh nói.

Thử tinh dịch đồ sẽ biết ngay

BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh (TP.HCM) cho biết, triệt sản nam là một thủ thuật tương đối đơn giản. Các BS sẽ làm tiểu phẫu rạch một đường nhỏ ở bìu để bộc lộ ống dẫn tinh và cắt ống dẫn tinh, rồi cột (thắt) hai đầu ống lại...

Để kiểm tra một người có triệt sản bằng cắt ống dẫn tinh hay không, biện pháp hiệu quả nhất là làm xét nghiệm tinh dịch đồ sẽ cho biết ngay. Nếu đã cắt thì kết quả tinh dịch đồ sẽ không có tinh trùng (vì ống dẫn tinh đã bị cắt). Còn làm xét nghiệm máu, hay xét nghiệm nội tiết sẽ không biết được.

Trong khi đó, chuyên gia nam khoa, TS-BS Nguyễn Thành Như cho biết thêm về các cách để biết người đàn ông đã triệt sản thắt ống dẫn tinh, đó là: ngoài kiểm tra tinh dịch đồ không có tinh trùng; thì khám sẽ sờ thấy nút thắt ở cả 2 ống dẫn tinh; và thứ ba là phẫu thuật cũng sẽ biết.

Theo BS Tường, một người đàn ông nếu đã cắt ống dẫn tinh, sau đó muốn có con lại thì phải phẫu thuật để nối ống dẫn tinh. Nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công, nếu để quá 3 năm tỷ lệ có con sau nối sẽ càng thấp.

Không ai đi vận động người chưa có gia đình !

Trao đổi với PV, bác sĩ Tô Thị Kim Hoa (Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, kiêm Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) cho biết, triệt sản áp dụng cho người đã có gia đình và có đủ số con mong muốn (thường là hai con).

Tuy nhiên, việc triệt sản là hoàn toàn tự nguyện, vì hiện nay có rất nhiều biện pháp ngừa thai, chứ không riêng gì thủ thuật triệt sản.

“Thường hằng năm, T.Ư có giao chỉ tiêu cho các địa phương về triệt sản, chẳng hạn năm nay, TP được giao 1.000 chỉ tiêu. Khi một người đồng ý và đủ điều kiện thực hiện triệt sản thì họ sẽ được hỗ trợ 200.000 đồng cộng với số tiền hỗ trợ riêng của từng địa phương (riêng TP.HCM năm nay hỗ trợ 1 triệu đồng/người).

Người thực hiện triệt sản còn được hưởng thẻ bảo hiểm lao động thời hạn 2 năm (thẻ này dùng khi bị tai nạn, chấn thương trong lúc làm việc), được làm thủ thuật triệt sản miễn phí”, BS Hoa cho biết.

BS Nguyễn Ngọc Thông - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, cho rằng: “Không ai đi vận động người chưa có gia đình, hoặc có gia đình mà chưa có con đi thực hiện triệt sản cả. Vận động như thế là không đúng đối tượng! Chỉ vận động người đã có đủ số con mong muốn, và trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.

Đồng thời với người đó không áp dụng các biện pháp tránh thai khác được (hoặc áp dụng không hiệu quả) mà thôi. Một số trường hợp dù đủ các điều kiện đó, nhưng nếu khám, kiểm tra y tế mà không đảm bảo (không đủ sức khỏe, do bệnh lý...) thì sẽ không tiến hành triệt sản”.

Theo các BS sản phụ khoa, do các địa phương “bị” giao chỉ tiêu triệt sản, nên trong thực tế có những địa phương, cán bộ làm công tác dân số bị áp lực, lo chạy theo chỉ tiêu, mà quên rằng đây là việc tự nguyện; và còn phải đảm bảo phù hợp với các yếu tố khác.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn