Cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ Y tế

Thứ hai, 24/12/2012, 14:09
Sự cố, rủi ro trong các bệnh viện Việt Nam là không ít, nhưng ở ta thực trạng đó khó được khắc phục. Vì sao và cần làm gì để đẩy lùi bớt chúng? Là một trong số ít người được học bài bản ở nước ngoài về quản lý chất lượng bệnh viện và có dịp tìm hiểu, hỗ trợ nhiều bệnh viện trên cả nước về lĩnh vực này, bác sĩ Phan Thị Ngọc Linh, phòng quản lý chất lượng bệnh viện FV, TP.HCM chia sẻ:  

Cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ Y tế

Ảnh minh họa

Bệnh viện là môi trường đầy rẫy nguy cơ, rủi ro, thế nhưng ở nước ta hiện nay việc quản lý rủi ro bệnh viện (risk management in hospital) lại chỉ được làm lẻ tẻ, tự phát ở một số nơi, chứ chưa được chuẩn hoá và làm một cách hệ thống. Vì lý do này mà các bệnh viện khó có cơ hội học hỏi, chia sẻ lẫn nhau như ở các nước phát triển.

Bác sĩ có thể nói cụ thể hơn?

Ở các nước khác người ta xây dựng hệ thống quản lý sự cố, rủi ro rất bài bản, vì thế họ có được một bức tranh toàn cảnh các sự cố từ bước báo cáo, điều tra xem xét nguyên nhân, biện pháp khắc phục, theo dõi các biện pháp khắc phục xem hiệu quả hay chưa để bảo đảm sự cố đó không lặp lại nữa.

Và các phòng, ban trong bệnh viện có thể học hỏi từ sự cố của nhau, cũng như các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế khác có thể học hỏi những bài học quý từ sự cố, rủi ro của họ. Nhờ điều này, chất lượng dịch vụ y tế và an toàn bệnh nhân mới ngày càng được nâng lên. Ở nước ta gần như rất ít cơ sở y tế có hệ thống quản lý sự cố, rủi ro, chỉ có sổ ghi nhận sai sót chuyên môn theo quy định của bộ Y tế.

Vì sao, thưa bác sĩ?

Theo tôi, một trong những nguyên nhân cơ bản là khái niệm “sự cố, rủi ro” ở nước ta khác thế giới. Ở ta, bộ Y tế yêu cầu bệnh viện báo cáo “sai sót chuyên môn”, chứ không phải “sự cố, rủi ro” vì thế rất nhiều những sự cố, rủi ro trong bệnh viện đã bị bỏ quên và không được đánh giá.

Ở nước ngoài, mọi sự cố gây hại cho bệnh nhân hoặc có khả năng gây hại cho bệnh nhân, từ vật chất, thân thể (tử vong, thương tật…) cho đến tinh thần đều được tính là một sự cố, rủi ro. Ví dụ người điều dưỡng phát thuốc sai cho bệnh nhân, bệnh nhân chưa uống, chưa bị nguy hại nhưng đó cũng là một sự cố cần được báo cáo và xem xét nguyên nhân.

Bởi nếu điều này không được báo cáo, phát hiện kịp và ngăn ngừa từ hệ thống quản lý sự cố, rủi ro, bệnh nhân có thể bị đe doạ tính mạng. Đó chỉ là một thí dụ đơn giản, trong thực tế bệnh viện là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác nhau.

Nếu thế, khái niệm sự cố, rủi ro trong bệnh viện cần phải hiểu rộng hơn, không đơn thuần là mặt y khoa lâm sàng?

Đúng thế, nó không chỉ là sự cố liên quan trực tiếp đến bệnh nhân mà còn những sự cố gián tiếp như quản lý tài chính, bảo trì trang thiết bị y khoa, bảo trì máy móc khác: một chương trình phần mềm thu viện phí bị lỗi có thể dẫn đến thiệt hại tài chính cho bệnh nhân.

Một máy sốc điện không được kiểm tra định kỳ, đến khi sử dụng thì không hoạt động, khiến việc cấp cứu bệnh nhân bị chậm trễ; một bình chữa cháy trong bệnh viện bị hư mà bộ phận chịu trách nhiệm không phát hiện kịp thời thì nếu bệnh viện bị hoả hoạn, việc chữa cháy sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo mô hình tảng băng trôi về rủi ro và sự cố, những gì xảy ra chỉ là phần nổi rất nhỏ, còn những gì không xảy ra là sự cố tiềm ẩn gây hại và sự cố suýt xảy ra (near miss) thì ẩn sâu ở bên dưới và rất lớn.

Một ví dụ là lối thoát hiểm trong bệnh viện bị bít kín bởi những thùng giấy. Nếu điều này được phát hiện và báo cáo thì xem như một sự cố suýt xảy ra. Bởi nếu không chẳng may bệnh viện bị cháy, người ta chạy đến đó và không thể chạy tiếp thì hậu quả thật khó lường.

Tuy nhiên, nếu đi hết các bệnh viện từ Bắc chí Nam, tôi tin không một ai ghi nhận những sự cố, rủi ro kiểu như lối thoát hiểm bị chặn hay bình chữa cháy không hoạt động.

Sự cố, rủi ro trong bệnh viện rất nhiều, nhưng ở ta thực trạng này khó được khắc phục vì sự thiếu minh bạch. Ở nước ngoài có luật nào buộc bệnh viện phải công khai thông tin sự cố, rủi ro không?

Tôi chưa tìm hiểu kỹ về luật Y tế của nước khác, nhưng qua tham khảo một số trang mạng chính thống, tôi thấy các số liệu sự cố, rủi ro ở các bệnh viện ở Mỹ cũng như nhiều nước được minh bạch và công khai.

Một điều lý thú là ở không ít bệnh viện nhỏ của các nước nghèo, tỷ lệ sự cố, rủi ro của một loại sự cố đặc thù nào đó còn thấp hơn cả các bệnh viện hiện đại của nước giàu vì họ có sự xem xét nguyên nhân và thực hiện cải tiến.

Theo tôi, mấu chốt ở đây chỉ là người ta có triển khai hệ thống quản lý rủi ro và kiên trì theo đuổi hay không. Cần nhớ rằng, trong hệ thống này có những biện pháp chi phí thấp, nhưng hiệu quả lại rất cao, và việc bỏ chi phí để chủ động giải quyết sẽ tiết kiệm được rất nhiều so với thiệt hại một khi để sự cố xảy ra.

Như bác sĩ nói, việc quản lý sự cố, rủi ro trong các bệnh viện ở nước ta vẫn còn lẻ tẻ, tự phát. Vậy để điều này được quan tâm đúng mức, thành một hệ thống thì cần điều gì?

Cách đây 20 – 30 năm, bệnh viện của các nước phát triển cũng ngần ngại công khai, minh bạch sự cố, rủi ro vì họ sợ bị trù dập, ảnh hưởng đến uy tín, bệnh nhân không đến, nhưng sau đó nhờ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau từ chuyển đổi nhận thức cho nhân viên y tế cho đến giáo dục bệnh nhân, nên mọi thứ đã thay đổi.

Nước ta rồi cũng sẽ đi con đường này và mọi thứ sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, để tiến trình này nhanh hơn, theo tôi cũng cần có sự vào cuộc của bộ Y tế. Tôi đề nghị từ nay chúng ta nên dùng từ “báo cáo sự cố, rủi ro” thay cho “báo cáo sai sót chuyên môn”.

Khi đi giảng dạy, tôi có dịp phỏng vấn nhiều bác sĩ, nhân viên y tế, họ đều cho rằng nếu bộ Y tế sử dụng từ “báo cáo sự cố, rủi ro”, người ta sẽ không giấu giếm và nói ra tất cả.

Ngược lại, nếu dùng từ “báo cáo sai sót chuyên môn”, họ phải chịu một áp lực rất nặng nề vì đã ngầm bị buộc tội “sai sót chuyên môn”, “làm hại bệnh nhân” cho dù nguyên nhân chưa được phân tích, thậm chí sau đó vụ việc còn phải qua một hội đồng khoa học để xem xét.

Nếu bảo tôi viết “báo cáo sai sót chuyên môn” của một đồng nghiệp, nói thật tôi sẽ không bao giờ nỡ lòng viết ra. Nhưng nếu bảo tôi viết “báo cáo sự cố, rủi ro”, tôi sẽ vui vẻ làm vì biết điều này sẽ giúp cho đồng nghiệp được tiến bộ và giúp bệnh viện được tốt hơn.

Một sự cố, rủi ro xảy ra cho bệnh nhân thì quả là điều đau lòng và không ai mong muốn. Nhưng nó sẽ là có ích khi được nói ra tất cả, được công khai, phân tích, để từ đó rút kinh nghiệm nhằm không lặp lại lần sau nữa.


Theo SGTT

Các tin cũ hơn