Quy hoạch phát triển ngành y tế TP.HCM: Đừng để bất cập chồng bất cập

Thứ tư, 12/12/2012, 16:25
Ngành y tế TP.HCM còn nhiều bất cập nhưng không được đề cập, tìm giải pháp; nhiều mục tiêu kế hoạch khó khả thi do thiếu tính khoa học lẫn thực tiễn; chưa xem xét y tế TP nằm trong mạng lưới chung của ngành y tế khu vực phía Nam… 

Đó là những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị góp ý đề án Quy hoạch phát triển ngành y tế TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 (gọi tắt là đề án) diễn ra sáng 11/12 dưới sự chủ trì của UBMTTQVN TP.HCM.

Quy hoạch phát triển ngành y tế TP.HCM

Bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nằm dưới gầm cầu thang.

Mục tiêu chung chung, thiếu phấn đấu

Dự báo trong 5 - 10 năm tới, nhiều bệnh dịch vùng nhiệt đới cùng các bệnh mãn tính không lây, ung thư có xu hướng gia tăng, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng ngành y tế tiếp tục đương đầu với khó khăn.

Đồng thời quy mô dân số thành phố đang tăng lên hàng năm và đạt khoảng 10 triệu dân vào năm 2020 (chưa kể khách vãng lai, tạm trú), dân số già hóa…

Vì vậy nhu cầu chăm sóc sức khỏe, giường bệnh cũng tăng lên chưa kể phải gồng gánh cả 40% - 50% lượng bệnh nhân từ các tỉnh…

Từ thực tế đó, theo ông Bỉnh, mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng hệ thống y tế TP.HCM từng bước hiện đại, hoàn chỉnh hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân thành phố và các tỉnh lân cận. 

Cùng với đó là giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tật, giảm tỷ lệ mắc bệnh và chết, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ.

Về các mục tiêu cụ thể, Sở Y tế TP.HCM đề cập đến 7 mục tiêu gồm y tế công cộng, mạng lưới khám chữa bệnh, y học cổ truyền, phát triển ngành dược, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh những mục tiêu được đánh giá chung chung nói trên mà ông Huỳnh Văn Minh, Ủy viên UBMTTQVN TP.HCM, cho là đọc lên nghe rất “nghị quyết” thì những mục tiêu cụ thể cũng hời hợt, thiếu tính phấn đấu.

Minh chứng là năm 2012, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 7,7% nhưng đề án đưa ra là đến 2015 và 2020, tỷ lệ này cũng dưới 8%. Hay tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi năm 2012 là 9,25‰ thì đến năm 2020 cũng ước đạt dưới hoặc bằng 10‰…

Nhiều chỉ tiêu khác cũng tương tự như về an toàn thực phẩm, số giường bệnh, giảm tải bệnh viện. Theo ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên UBMTTQVN TP.HCM, những chỉ tiêu như vậy không mang tính phấn đấu.

Xa rời cơ sở thực tiễn

Theo ông Trần Thành Long, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM, đề án khá đầy đủ nhưng quá rộng, đi sâu vào còn nhiều băn khoăn. Chẳng hạn mục tiêu 42 giường bệnh/vạn dân thì năm 2012 đã đạt rồi, nhưng kế hoạch đến 2015, 2020 cũng chỉ 42 giường bệnh/vạn dân.

Hơn nữa, số giường này được Sở Y tế TP.HCM tính trên đầu 7,5 triệu người dân TP, trong khi thực tế gộp cả dân nhập cư TP.HCM có tới gần 10 triệu dân.

Mặt khác, hiện nhân lực bác sĩ mới đạt 13,2 bác sĩ/vạn dân nhưng năm 2015 đặt ra kế hoạch 15 bác sĩ/vạn dân và năm 2020 là 20 bác sĩ/vạn dân trong khi năng lực đào tạo hiện nay còn rất hạn chế.

“Hiện thành phố mới có 7.000 bác sĩ mà năm 2015 cần tới gần 15.000 bác sĩ. Trong 3 năm tới, các cơ sở đào tạo cố gắng lắm cũng chỉ cho ra lò 1.000 bác sĩ là cùng. Vậy có khả thi không”, ông Đặng Văn Khoa băn khoăn.

Còn bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho rằng đề án đã không đề cập rõ vấn đề xã hội hóa y tế, trong khi đây là lĩnh vực góp phần rất lớn chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bà Phượng tỏ ra bức xúc vì mô hình công - tư lẫn lộn hiện nay trong các bệnh viện công lập và kiến nghị sớm chấm dứt.

“Ở các nước rất rõ ràng công ra công, tư ra tư. Đã làm tư thì thôi làm công. Còn ở mình, trong bệnh viện công lại có dịch vụ tư thì khó quản lý lắm”, bà Phượng nói.

Về chất lượng y bác sĩ, bà Phượng cũng lo lắng vì chưa đáp ứng nhu cầu khám, điều trị, chưa tinh thông nghề nghiệp. Đề án có đưa ra việc mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo, bà Phượng nói quá lãng phí và nên tận dụng những bác sĩ giỏi đã nghỉ hưu.

Góp ý thêm cho đề án, nhiều ý kiến cũng cho rằng ngành y tế TP.HCM cần được xem xét trong bình diện khu vực, tập trung vào các chuyên khoa sâu, mũi nhọn.

Với vấn đề giải quyết quá tải, có ý kiến đánh giá cao những giải pháp mà Sở Y tế TP.HCM đã làm nhưng đó là trước mắt, còn lâu dài phải hạn chế lượng bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về, có chính sách thu hút nhân lực…

Nói như Giáo sư-Viện sĩ Dương Quang Trung thì y tế phải có tính hệ thống, phải tổ chức theo mạng lưới và cần những giải pháp cụ thể. “Phải bình tĩnh mà nhìn nhận lại chứ không phải chạy theo nhiệm vụ mà bất cập lại thêm bất cập”, Giáo sư - Viện sĩ Dương Quang Trung nói.

 

Theo SGGP

Các tin cũ hơn