Ông già Noel không tặng quà cho thế giới

Thứ hai, 24/12/2012, 14:42
Sẽ vẫn có ông già Noel, cây thông, đèn hoa lung linh trên phố, thậm chí pháo hoa trong những ngày Giáng sinh và năm mới.

Thế nhưng sự lộng lẫy đó không thể che lấp nổi tâm trạng hoài nghi và lo âu khi thế giới chuẩn bị bước vào năm 2013. Bởi ông già Noel đã không thể tặng quà cuối năm cho thế giới.


Người vô gia cư được hỗ trợ thức ăn mừng Giáng sinh ở San Jose, Costa Rica ngày 22-12 - Ảnh: Reuters

Nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2012, trung bình hơn 2%. Hầu hết các dự báo kinh tế đều nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ còn èo uột trong năm 2013. Liên Hiệp Quốc đưa ra dự báo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới là tăng trưởng 2,4% năm 2013 và 3,2% năm 2014 do thế giới có nhiều diễn biến bất ổn.

“Giá mà các quốc gia chỉ chi tiêu trong khả năng có thể để giữ sao cho số tiền chi tăng nhưng không vượt quá tăng trưởng kinh tế, thì chúng ta giờ đây không phải rơi vào tình trạng hỗn độn như hiện nay” - nhà kinh tế Richard Rahn nhận định và cho rằng các chính phủ đang tiếp tục cho tay vào túi lấy tiền ra chi nhiều hơn là bỏ thêm vào túi.

2013: “mong manh, yếu ớt”

Thế giới đã không “tận thế” cách đây vài ngày như nhiều người sợ hãi, nhưng sẽ trải qua năm 2013 với rất nhiều khó khăn. Izumi Kobayashi - phó chủ tịch Cơ quan Đảm bảo đầu tư đa phương (MIGA), cơ quan bảo hiểm rủi ro chính trị của World Bank Group - nhận định:

“Kinh tế tăng trưởng chậm chạp đang ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế đang phát triển, vốn trước đây khá ổn định xét về tỉ lệ tăng trưởng GDP, dòng vốn tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài”.

Báo cáo năm 2012 về đầu tư và nguy cơ chính trị thế giới của MIGA tháng 12-2012 dự báo tăng trưởng và phục hồi kinh tế toàn cầu năm 2013 sẽ tiếp tục “mong manh, yếu ớt”.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm từ 1.900 tỉ USD còn 1.700 tỉ USD năm 2012. Phục hồi kinh tế toàn cầu 2013 sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn FDI chảy giữa các nước đang phát triển cũng như tình hình chính trị phải ổn định hơn.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ bắt đầu năm 2013 với việc cắt giảm ngân sách mạnh mẽ hơn, các chính sách tăng thuế và giảm chi tiêu công có thể sẽ tự động được thực hiện, đe dọa đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại suy thoái.

Trong những ngày qua, các chỉ số chính của sàn giao dịch chứng khoán Phố Wall diễn biến thất thường, tùy thuộc vào diễn biến tâm lý của các nhà đầu tư.

Tăng trưởng của Canada cũng có dấu hiệu suy giảm khi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10-2012 giảm xuống 0,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2009. Ba tháng qua, kinh tế Canada hầu như không tăng trưởng. Nhà kinh tế Dough Porter của Ngân hàng Montreal cho rằng kinh tế Canada chưa nằm trong “vùng nguy hiểm” nhưng cũng đang gần kề.

Chỉ còn chút nước uống trong sa mạc

Năm 2012, như báo chí châu Âu nhận định, là một năm cực kỳ hiểm nguy cho khối đồng euro và cho chung lục địa này. Điều tồi tệ đã không xảy đến, nhưng năm 2013 châu Âu sẽ phải rất cảnh giác.

Báo El Pais của Tây Ban Nha ngày 24-12 mô tả châu Âu là “kẻ sống sót của năm 2012” khi cho rằng nơi này đã có lúc tiến gần đến bên bờ vực do các nhà lãnh đạo đã do dự, thành kiến, thiển cận, thiếu quyết đoán. Các nước thành viên chia rẽ và các chính sách cực kỳ chậm trễ, nên đã biến cuộc khủng hoảng kinh tế thành một cuộc khủng hoảng lan rộng trong đời sống người dân.

Về dự báo năm 2013, báo này cho rằng dù đồng euro đã được cứu thoát, tương lai của châu Âu vẫn cực kỳ phức tạp và mong manh như “con bướm sau khi chật vật thoát khỏi vỏ bọc xấu xí, đang hấp dẫn chúng ta bằng đôi cánh bay và sắc màu rực rỡ, nhưng đó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi!”.

Và “năm 2013 sẽ là một năm chuyển tiếp: một mặt chúng ta có cảm giác như vừa thoát khỏi rơi xuống hố vừa không thể chối bỏ là các chính sách vẫn chưa khởi động và tạo được lực đẩy cho tăng trưởng và việc làm. Chúng ta vẫn còn sống, nhưng là đang sống trong sa mạc chỉ còn một chút nước uống”.

Trong bối cảnh chung này của châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã không tặng quà cuối năm cho nước Pháp, một trong số những đầu kéo hiếm hoi của khối đồng euro. Theo IMF, Pháp sẽ không thể đạt mục tiêu kéo thâm thủng ngân sách xuống 3% GDP trong năm 2013 do “những nguy cơ suy thoái” gắn với vấn đề thiếu tính cạnh tranh của kinh tế nước này.

“Những viễn cảnh tăng trưởng đang bị làm lu mờ do sự phục hồi còn dao động tại châu Âu cũng như tính cạnh tranh đối với các đối tác thương mại” - báo cáo hằng năm về nước Pháp của IMF vừa được công bố vài ngày trước Noel trong sự sửng sốt của dư luận châu Âu.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Jean - Marc Ayrault khẳng định Pháp sẽ tăng trưởng ở mức 0,8% và thâm thủng ngân sách dưới 3% vì “đó là một mục tiêu cần thiết”.

Liên quan đến cuộc sống người dân, báo Le Monde, dưới tựa đề “Một Noel hàng second hand”, mô tả “dưới những cây thông Noel là tình trạng trì trệ”. Theo Viện nghiên cứu thị trường TNS - Sofres được thực hiện cho eBay, người Pháp đang chỉ dành trung bình 402 euro cho những ngày nghỉ cuối năm, giảm 58 euro so với năm 2011.

Báo này cũng lưu ý trong mùa cuối năm nay, người dân Pháp có xu hướng mua những món quà “second hand” với giá rẻ. Trên các trang mua bán điện tử hằng ngày tràn ngập lời rao bán các món đồ chơi, quà “cũ ta mà mới người”.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn