Nhiều ý kiến cho rằng việc đọc nhiều, viết nhiều sẽ nâng cao kỹ năng viết của sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ tự học - Ảnh: như hùng |
Gần 20 năm dạy tiếng Việt thực hành cho sinh viên, cô Nguyễn Lan Dung - hiện là nhân viên phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - đã “sưu tầm” những đơn thư, bài thi của sinh viên viết sai chính tả, ngữ nghĩa.
Sinh tại “Tiềng Giang”
Trong “bộ sưu tập” của cô Dung, có thể dẫn chứng những lỗi chính tả sinh viên mắc phải như: kho “tàn” văn học; một phụ nữ “sinh” đẹp; khuyên “răng” con người sống tốt hơn; gia đình có việc đột “suất” nên em phải về quê; “buột” phải dừng lại; “sửa chửa tính nhút nhác”; mạnh “dạng”; “vướn” mắc; không “sử” lý được; “bản” điểm; cố “gắn” hỗ trợ hết sức… Trong đó, một bạn viết nơi sinh của mình là “Tiềng Giang”.
Cô Dung kể một sinh viên đến phòng đào tạo nhận bằng tốt nghiệp. Bạn bị mất thẻ sinh viên nên phải làm giấy cam đoan. Trong giấy này, bạn viết: “Tôi cam đoan sẽ chịu trách nhiệm gì? khi mất thẻ sinh viên”.
Bị sai đề thi, sinh viên viết đơn mong “bài thi của tôi được chấm đúng quy luật như những bài thi khác”. Trong bài thi tiếng Việt thực hành, một sinh viên viết: “Tiếng Việt là loại chữ tượng vần, nghĩa là các vần của chữ cái a, ă, â... ghép lại rồi đánh vần tạo thành tiếng Việt”. Bạn khác lại viết: “Dân tộc ta với bề dày hơn 3.000 năm dựng nước và giữ nước”.
“Sinh viên phải đọc nhiều, viết nhiều thì viết bớt sai, dẫn đến không sai nữa. Chúng ta kêu gọi xã hội hóa học tập nhưng đối tượng cần thiết gắn với sách vở nhất là sinh viên lại ít đọc”PGS.TS NGUYỄN CÔNG ĐỨC |
“Vào đầu năm học, tôi thường yêu cầu sinh viên viết về suy nghĩ, hoài bão của bản thân. Có em cứ ngồi trơ ra. Hỏi sao em không viết thì được trả lời em không biết viết thế nào” - cô Dung nói.
Theo cô Dung, lỗi sinh viên thường mắc phải nhất khi viết là chính tả, không hiểu được nghĩa của từ, sai về dấu câu và “thích đâu chấm phẩy đấy”.
“Nhiều bạn không thể hiện được nội dung mình muốn đề cập và thiếu kỹ năng trình bày văn bản. Thậm chí có bạn viết lời cảm ơn trong luận văn tốt nghiệp mà câu không ra câu, nghĩa không ra nghĩa” - cô Dung nói thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho hay nhiều đơn thư sinh viên gởi đến phòng không thể giải quyết vì không rõ về nội dung.
Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Quế Diệu (giảng viên Trường ĐH Nguyễn Huệ) cũng cho biết khi ông chấm bài thi của sinh viên, nhiều bạn viết cả đoạn dài mà không thấy chấm, phẩy, câu cú lủng củng. “Điều này gây ra khó khăn cho giảng viên khi chấm bài” - ông Diệu kết luận.
Chưa xem trọng
Nhiều ý kiến cho rằng việc sinh viên viết yếu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa xem trọng kỹ năng viết. “Bản thân sinh viên không nghĩ viết là quan trọng nên các bạn không đầu tư. Các bạn thường sai chính tả, nội dung viết không rành mạch khiến người đọc không hiểu hết ý các bạn đề cập” - thạc sĩ Nguyễn Duy Hai, giảng viên một trường ĐH, nhìn nhận.
Trong khi đó, PGS.TS ngôn ngữ học Nguyễn Công Đức - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng sinh viên viết “yếu quá” là do các bạn ít đọc. Thế hệ trước viết ít sai là vì thường đọc, viết.
“Có bài thi mình đọc xong chẳng hiểu gì cả - ông Đức nói - Các bạn ít đọc nên âm thế nào viết thế ấy. Bên cạnh đó, khóa luận tốt nghiệp, đồ án bán đầy trên mạng chỉ việc mua, tải về cũng thủ tiêu việc đọc - nghĩ của sinh viên. Hạn chế của đọc, viết ở sinh viên dẫn đến thui chột tư duy nên viết sai. Và cái sai khá rõ là thể hiện trên bề mặt chữ viết”.
Ông Đức cũng cho rằng trước đây đã có một số giải pháp được đưa ra đề nghị nhằm khắc phục hiện tượng viết sai chính tả trong giới sinh viên, song cho đến nay hình như thực trạng này còn trầm trọng hơn.
Ở một góc độ khác, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng dẫn ra một số nguyên nhân khiến kỹ năng viết của sinh viên “bị mai một dần dần” như: khi đánh giá kết quả thi của sinh viên, có giảng viên hầu như chỉ chú ý chuyên môn mà bỏ qua chính tả, văn phong, cách diễn đạt... khiến sinh viên chưa chăm chút lắm cho bài viết của mình.
“Việc lạm dụng hình thức thi trắc nghiệm; một số giảng viên chỉ sử dụng máy chiếu (ứng dụng công nghệ thông tin) mà quên giảng bài bằng bảng, phấn truyền thống... cũng làm hạn chế các kỹ năng đọc, viết của sinh viên” - ông Tùng nhấn mạnh.
Còn PGS.TS Bùi Xuân Lâm - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - cho rằng sự phát triển của công nghệ, sự “sáng tạo” của người trẻ khi giao tiếp bằng ngôn ngữ viết qua công nghệ cũng góp thêm nguyên nhân vào vấn đề nêu trên...
“Không phải ngẫu nhiên mà hiện nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên viết tay đơn xin việc chứ không theo mẫu. Do đó, bên cạnh việc xem lại, đẩy mạnh dạy tiếng Việt thực hành cho sinh viên tất cả các ngành cũng nên lồng ghép thêm vào chương trình học các kỹ năng soạn thảo văn bản, cách viết các loại đơn từ... cho sinh viên” - ông Lâm đề xuất.
Đơn vị tuyển dụng e dè Một số đơn vị tuyển dụng cho rằng kỹ năng viết cũng là một trong những “rào cản lớn” khiến họ e dè khi tuyển nhân viên bởi tiếng Việt là cái gốc, yếu tiếng Việt sẽ khó tiếp cận được những kỹ năng khác cũng như khó học tốt ngoại ngữ. Tại hội thảo lắng nghe ý kiến nhà tuyển dụng do khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức trong tháng 3-2012, một số đơn vị kêu “sinh viên không chỉ yếu tiếng Anh mà yếu cả... tiếng Việt”. TS Phạm Hữu Công - phó giám đốc Bảo tàng lịch sử TP.HCM - dẫn chứng: “Nhiều em viết sai chính tả, sai ngữ pháp, sai ngữ nghĩa, không hiểu nghĩa của từ, không phân biệt được hai chữ “chức năng”, “nhiệm vụ”. Có em còn đưa ngôn ngữ chat vào văn bản”.Trong khi đó, bà Đinh Thị Hồng Vương, chủ tịch hội đồng quản trị một công ty về truyền thông, nơi từng tiếp nhận sinh viên mới tốt nghiệp nhận định: “Viết không đạt nhiều đến mức trở nên bình thường. Công ty tôi luôn gặp phải những “vấn nạn” về kỹ năng viết của nhân viên ở viết email, công văn, kế hoạch. Có bạn dùng ngôn ngữ nói trong văn viết, chưa biết bố cục một văn bản, kế hoạch. Các bạn giỏi chuyên môn nhưng lại kém kỹ năng này”. |
Theo Tuoitre