Vào dịp cuối năm, người dân ở các làng quê thường có thói quen tập hợp vài ba hộ gia đình “đụng” chung một con lợn để bó giò, gói bánh chưng. Nhưng mỗi lần "đụng" lợn thì không thể thiếu món khoái khẩu là tiết canh, lòng lợn, cháo lòng… ngả ra nhậu nhẹt với nhau ngày tất niên.
Nhiều người đinh ninh và tin rằng ăn lợn nhà mình tự nuôi, lợn sạch thì không sợ bị nhiễm bệnh chính vì quan niệm này mà không ít trường hợp phải nhập viện cấp cứu thậm chí tử vong ngay sau khi đụng lợn, ăn tiết canh.
Bác sĩ Phạm Văn Đài, nguyên chủ nhiệm khoa Khám bệnh Bệnh viện 108 cho biết, tiết canh hoàn toàn không phải là món ăn tươi mát, bổ... mà thực chất thì đây là món ăn rất mất vệ sinh. Vì trên cơ thể của lợn chứa không chỉ là liên cầu lợn mà một số loại ký sinh trùng khác như giun, sán.
Tiết canh với thành phần chủ yếu là máu tươi của gia súc, gia cầm, tuy giàu protein, protit nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Một bát tiết canh có tới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người. Chưa kể, nếu động vật giết thịt bị nhiễm bệnh hoặc trong quá trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh thì con số này sẽ tăng gấp bội.
Hơn nữa, khi cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu rồi truyền bệnh cho người ăn.
Lâu nay đã có rất nhiều lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của món ăn này, nhưng trong 3 tháng cuối năm 2012 đã có liên tiếp những ca nhập viện thậm chí tử vong do ăn tiết canh, lòng lợn không đảm bảo vệ sinh ...
Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm tới nay đã có gần 50 trường hợp nhập viện điều trị do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Phần lớn bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn đều tham gia chế biến, giết mổ, ăn thịt, tiết canh, lòng lợn.
Những bệnh dễ lây do ăn tiết canh, thịt lợn bẩn
Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn: Bệnh liên cầu khuẩn là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn. Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm sang người khi ăn phải tiết canh lợn bị bệnh liên cầu, thực tế ở nước ta, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn.
Hoặc những người có các vết thương, xây xát ở da nhưng lại tiếp súc với máu, dịch tiết… của lợn bị bệnh liên cầu khi chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu lợn bệnh.
Bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp do hít phải liên cầu khuẩn có trong không khí do lợn bệnh ho, hắt hơi bắn ra hoặc thói quen khi mua thịt người dân thường đưa thịt lên mũi để ngửi.
Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở hai thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận… và tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt.
Bàn tay của một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn. |
Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không nên mua bán, giết thịt và ăn thịt lợn bệnh và chết. Tuyệt đối không ăn tiết canh lợn. Khi phải tiếp xúc với lợn nghi hoặc mắc bệnh liên cầu cần phải đeo khẩu trang, găng tay và mặc quần áo bảo hộ lao động. Khi nghi bị bệnh liên cầu lợn cần đến các sơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết: Đây là 2 căn bệnh dễ lây nhiễm từ lợn. Những người bị viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Streptococcus suis từ lợn lây sang người do ăn tiết canh sống, lòng lợn, thịt lợn không đảm bảo vệ sinh.
Dấu hiệu của người bị viêm màng não mủ là sốt, nhức đầu, buồn nôn, lạnh run: Do màng não bị tổn thương, các bệnh nhân đều có dấu hiệu rối loạn tri giác, có thể dẫn tới hôn mê, ù hoặc điếc tai, một vài người còn bị liệt tay chân.
Còn bị nhiễm trùng máu do Streptococcus suis, thì sẽ có dấu hiệu sốt, đau nhức cơ, đau họng, thậm chí sốc nhiễm trùng, hôn mê. Loại vi khuẩn này thường trú ở đường hô hấp của lợn nên khi ăn tiết canh sống vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Bên cạnh đó cũng có thể nhiễm Streptococcus suis khi tiếp xúc trực tiếp với lợn mang trùng, lợn bệnh hoặc thịt bị nhiễm trùng chưa nấu chín. Vi khuẩn sẽ xâm nhập qua các vết thương trên da hay niêm mạc của mũi, miệng vào cơ thể.
Bệnh lợn tai xanh: Đây là căn bệnh thường gây ra đại dịch và là nỗi kinh hoàng của người chăn nuôi. Bệnh heo tai xanh không lây sang người nhưng có gần 70% virus này kết hợp với các bệnh khác như cúm lợn, tụ huyết trùng, tả, thương hàn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh lở mồm long móng: Bệnh lở mồm long móng ở lợn có thể lây sang người qua đường tiếp xúc ăn uống, virus khi lây nhiễm gây bệnh có thể làm viêm niêm mạc miệng, lở môi, lở miệng... cho người.
Thông thường trên miếng thịt đã được cắt ra không thể biết được là từ heo mắc bệnh lở mồm long móng; vì vậy tốt nhất vẫn là phải nấu chín thịt thật kỹ để loại trừ mầm bệnh. Ăn tiết canh sống, thịt lợn tái chưa nấu kĩ thì nguy cơ lây bệnh lên tới gần 100%.
Nhiễm giun xoắn: Đây là bệnh truyền nhiễm cấp hoặc bán cấp tính do ấu trùng giun xoắn gây ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Giun nhiễm từ lợn sang người khi người ăn phải thịt lợn có ấu trùng chưa được nấu chín do ăn các món như nem sống làm từ thịt lợn, ăn thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, ăn tiết canh lợn.
Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, mức độ bệnh phụ thuộc mức độ nhiễm ấu trùng, độ toan dịch vị và tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nếu bệnh nhân có đi lỏng nhiều thì tình trạng bệnh sẽ đỡ hơn nhiều.
Sau khoảng 15 ngày kể từ khi ấu trùng từ máu vào cơ vân và tạo thành kén, có các biểu hiện chủ yếu sau: Sốt, đau cơ phù nề …Nếu không điều trị kịp thời có thể có nhiều biến chứng xảy ra như suy hô hấp, suy gan, suy tim, suy kiệt, bội nhiễm, đau đầu, mê sảng…
Theo Kienthuc