Theo hướng dẫn, quy định về việc tiếp nhận học sinh Việt Nam ở loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được phép thành lập và quy định tiếp nhận học sinh Việt Nam yêu cầu:
Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, THCS, trường phổ thông, phổ thông có nhiều cấp học) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu thì được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường THPT không quá 20% tổng số học sinh trong trường.
Đặc biệt, học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.
Đối với các văn bằng, chứng chỉ, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được cấp các loại văn bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam và phải đăng kí trước với Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ, tương tự phổ thông là 50 triệu đồng/trẻ, cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn là 20 triệu đồng/học viên, trung tâm dạy nghề 60 triệu đồng/học viên, trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề 100 triệu đồng/học viên, trường cao đẳng, đại học 150 triệu đồng/học viên.
Ảnh minh họa
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, quán triệt, triển khai Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 73) để tạo sự thống nhất trong cách hiểu và thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư và các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN.
Trước mắt tập trung yêu cầu các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN thực hiện điều khoản chuyển tiếp (Điều 74 của Nghị định 73).
Cụ thể, Bộ GD-DDT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài trên địa bàn; phân loại các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo mức độ đáp ứng các điều kiện, tiêu chí quy định tại Nghị định 73; yêu cầu, hướng dẫn các cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài thực hiện điều khoản chuyển tiếp, kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT các vướng mắc để nghiên cứu, giải quyết.
Bộ GD-ĐT xem xét, hướng dẫn các vấn đề có tính nguyên tắc về thu hút, quản lý vốn ĐTNN cho giáo dục; mức độ mở cửa hội nhập quốc tế đối với từng loại hình cơ sở, lĩnh vực và bậc học; cơ chế phối hợp làm việc giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết hồ sơ của nhà đầu tư và các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN; xem xét, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định số 73 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Bộ sẽ tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin báo cáo giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, định kỳ giao ban nhằm trao đổi thông tin, phản ánh và xử lý các vướng mắc cho nhà đầu tư, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm (nếu có).
Theo Dantri