Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Bộ Công an cho biết đã đề nghị Bộ GTVT cho phép tăng tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Cụ thể, ở làn ngoài cùng cặp dải phân cách tốc độ tối thiểu hiện nay là 60km/g, được kiến nghị tăng lên 80km/g (làn này tốc độ tối đa là 100km/g). Còn ở làn đường giữa tốc độ tối thiểu là 50km/g cũng được kiến nghị tăng lên 60km/g (làn này tốc độ tối đa 80km/g).
Một tài xế giải thích việc bị bắt lỗi quá tốc độ oan vào sáng 30-1 - Ảnh: V.TR. |
Tình ngay lý gian, bị phạt oan
Không cấm xe máy qua cầu Mỹ Thuận Ngày 30-1, ông Nguyễn Văn Phòng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (Bộ GTVT) - cho biết thông tin cấm xe máy lưu thông qua cầu Mỹ Thuận dịp tết trên một tờ báo là không chính xác. Đến thời điểm này Tổng công ty Cửu Long và Bộ GTVT không có chủ trương nào như thế. |
Ngoài ra, trung tâm quản lý đường cao tốc này cũng kiến nghị tăng tốc độ tối thiểu so với hiện nay vì một số lý do như: mật độ xe cơ giới sử dụng đường cao tốc tăng so với năm 2012, dịp tết sắp tới sẽ tăng nhiều hơn nữa.
Việc quy định tốc độ tối thiểu quá thấp như hiện nay rất dễ gây ùn tắc cục bộ khi có xe cơ giới chạy quá chậm ở làn đường 100km/g, khi đó hàng chục, hàng trăm xe cơ giới khác phải nối đuôi nhau “bò” trên đường cao tốc.
Do có tình trạng đó nên đã xảy ra nhiều trường hợp vì không chấp nhận trả tiền mua vé để “bò”, nhiều tài xế đang đi làn ngoài cùng không “qua mặt” xe phía trước được, đã tách làn qua phải (cho xe vào làn đường tốc độ tối đa 80km/g) và tăng tốc để vượt xe phía trước nên vi phạm lỗi chạy quá tốc độ và bị phạt oan.
Chính lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên đường cao tốc xác nhận cũng “không muốn phạt tài xế lỗi không đáng có này”.
Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong vòng 15 phút từ 8h -8h15 ngày 30/1, CSGT tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa phía Tiền Giang đã chặn dừng bốn xe cơ giới chạy quá tốc độ. Các tài xế này khẳng định họ chạy không quá 100km/g và không hiểu vì sao bị phạt.
Một CSGT giải thích: tài xế chạy quá tốc độ ở làn đường tốc độ tối đa 80km/g. Lúc này các tài xế mới nhớ lại là do xe phía trước chạy ở làn đường 100km/g quá chậm mà không chịu nhường đường nên họ phải tách vào làn đường phía trong để vượt. Làn trong họ phải tiếp tục vượt các xe chạy 80km/g để trở lại làn 100km/g, do vậy đã vi phạm tốc độ ở làn 80km/g.
“Cần phải xử phạt các tài xế chạy tốc độ chậm ở làn đường dành cho xe chạy 100km/g. Gần tết, xe đông mà họ không chịu nhường đường, chẳng lẽ cả trăm xe phải dắt dây chạy phía sau như vậy?” - tài xế xe 52S-72... bức xúc.
Chọc tức cả cảnh sát
Theo Trung tâm Quản lý đường cao tốc, cơ quan này cũng vài lần chuyển kiến nghị tăng tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương lên Tổng công ty Cửu Long (chủ đầu tư dự án đường cao tốc) để tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi.
Khi chúng tôi đặt vấn đề chất lượng mặt đường cao tốc hiện nay có đảm bảo cho xe cơ giới chạy tốc độ cao hơn không, một lãnh đạo Trung tâm Quản lý đường cao tốc khẳng định hoàn toàn đảm bảo an toàn giao thông. Thời điểm gần tết này số lượng xe cơ giới qua đường cao tốc tăng khoảng 1.000 xe/ngày, tức đạt gần 20.000 xe/ngày.
Mặc dù hiện CSGT chưa phạt xe chạy dưới tốc độ cho phép nhưng vẫn xảy ra nhiều trường hợp tài xế chọc tức nhau, không nhường đường bằng cách chạy 60km/g ở làn đường 100km/g.
Đã có trường hợp tài xế chạy tốc độ rất chậm mà không cho xe tuần tra của CSGT vượt lên suốt đoạn đường dài, bắt buộc CSGT phải vượt phải lên chặn xe này lại lập biên bản vi phạm lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên.
Theo CSGT, tình trạng tài xế chạy chậm và phớt lờ tín hiệu xin vượt trái đúng luật của xe phía sau xảy ra “như cơm bữa”. Hậu quả là nhiều xe phải nối đuôi chạy chậm theo, có thể bị ùn ứ ở trạm thu phí và nhiều tài xế bị phạt oan khi vượt phải, tăng tốc qua mặt.
Về ý kiến của lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng việc quy định tốc độ trên đường cao tốc là thẩm quyền của chủ đầu tư dự án, một lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long cho biết sẽ trao đổi thêm với Bộ, sau đó tiến hành các bước tiếp theo. Tuy nhiên, để điều chỉnh tăng tốc độ tối thiểu theo kiến nghị của Cục CSGT đường bộ, đường sắt thì phải qua một số thủ tục hành chính, thay đổi biển báo...
Tổng cục Đường bộ chưa nhận được kiến nghị Tối 30-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Vinh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - cho biết đơn vị này vẫn chưa nhận được kiến nghị của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67) về việc tăng tốc độ tối thiểu lên thêm 20km/g trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Theo ông Vinh, nếu nhận được văn bản kiến nghị của C67 và căn cứ trên yêu cầu của cơ quan này, cục mới kiểm tra thực tế để xem xét việc tăng tốc độ có đảm bảo an toàn hay không. “Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào về việc kiến nghị tăng tốc độ trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nếu nhận được văn bản kiến nghị mà kiểm tra thấy tăng được tốc độ thì Tổng cục Đường bộ sẽ cho tăng” - ông Vinh nói. Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được thiết kế với tốc độ tối đa 120km/g. Nhưng sau khi đưa vào khai thác xuất hiện tình trạng lún và hư hỏng một số vị trí mặt đường nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa cho phép khai thác với tốc độ tối đa. Theo đó, làn đường cạnh dải phân cách phải giữ được chạy với tốc độ tối thiểu 60km/g, tối đa 100km/g; làn đường xe chạy cạnh làn dừng xe khẩn cấp có tốc độ tối thiểu 50km/giờ, tối đa 80km/g. Trước đó, chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đã trao đổi một số vấn đề trong ngành với báo chí dịp gặp gỡ cuối năm. Về việc đề nghị cho tăng tốc độ tối thiểu ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Hùng nói “nếu có văn bản chính thức kiến nghị” thì Bộ GTVT sẽ xem xét, yêu cầu đơn vị quản lý đường điều chỉnh tốc độ nếu thấy đáp ứng được. Nhưng ông cân nhắc: không vì một số ngày (dịp tết) mà điều chỉnh rồi sau đó phải điều chỉnh lại “thì không ổn”. Liên quan đến việc nhà thầu Tokyu đòi hỗ trợ 200 tỉ đồng do chậm giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Tân làm chậm tiến độ và phát sinh chi phí, trả lời câu hỏi liệu có phải trả và tiền lấy từ đâu, ông Hùng cho rằng về lý thì trình tự, thủ tục sẽ còn nhiêu khê. “Giả sử có đòi được tiền cũng phải đợi đến... mùa quýt” - ông nói. Về nguồn tiền, ông cũng nói thẳng: ai trả, dù là Bộ GTVT hay Hà Nội “thì cũng là tiền của Nhà nước, của nhân dân”. |
Theo Tuoitre