Những năm trở lại đây, các vụ án dùng axít để hãm hại người khác ngày càng gia tăng về số lượng lẫn mức độ nguy hiểm cho xã hội. Nạn nhân của những vụ tạt axít có thể là bất cứ ai và xảy ra bất cứ nơi nào...
Vợ chồng anh Phạm Quang Thược bị tạt axít tối 27/1 (ảnh nhỏ). Loại hóa chất độc hại này được bàybán nhiều nơi tại TP.HCM, mua rất dễ dàng. |
1.001 lý do tạt axít
Ngày 30/1, công an đã vào Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM lấy lời khai của anh Phạm Quang Thược (SN 1977) và vợ là chị Vũ Thị Luyn (SN 1983, quê Nam Định).
Với nửa khuôn mặt và mắt bị phỏng khá nặng, ngồi trên giường bệnh, anh Thược ứa nước mắt kể: “Kẻ thủ ác chắc đã theo dõi tôi kỹ nên mới ra tay tàn nhẫn như vậy. Tôi nhớ như in, đêm đó (27/1) chúng tôi vừa dọn hàng về, khi quẹo qua khúc cua gần đến nhà trọ trên đường Nguyễn Khoái (quận 4) thì bị một người đàn ông chạy cùng chiều hắt nguyên ca axít vào mặt hai vợ chồng”.
Theo lời anh Thược, nguyên nhân xảy ra vụ việc có thể do quầy sửa quần áo của anh chị đông khách khiến một người anh em trong dòng họ cùng hành nghề ở khu vực đường Cô Giang, quận 1 ganh tức.
Anh Phạm Quang Thược và chị Vũ Thị Luyn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM. |
Trưa 18/10/2012, một vụ tạt axít kinh hoàng chấn động TP Mỹ Tho - Tiền Giang khiến chị Huỳnh Thị Mỹ Duyên (19 tuổi) bị phỏng độ 2-3, các cháu Huỳnh Tuấn Bảo (15 tháng tuổi, con chị Duyên), Huỳnh Tuấn Khanh (13 tháng tuổi) và Nguyễn Quang Thiện (9 tháng tuổi, cháu chị Duyên) bị thương.
Kẻ thủ ác là Võ Thanh Phong (SN 1970, ngụ tỉnh Long An, từng chung sống như vợ chồng với chị Duyên). Do nhiều lần năn nỉ Duyên nối lại tình cảm không được, Phong đã ra tay tàn độc.
Trước đó, luật sư Trần Hồng Lĩnh bị tạt axít ngay trước cửa văn phòng luật sư (quận Kiến An - TP Hải Phòng) vào sáng 7/8/2012, khiến cơ thể bị phỏng nặng (25%), mắt bị tổn thương nghiêm trọng. Theo luật sư Lĩnh, ông bị trả thù vì đã phanh phui một vụ việc trước pháp luật.
Đặc biệt, vụ cả nhà anh Nguyễn Quốc Tuấn (quận Gò Vấp - TP.HCM) bị tạt axít vào ngày 8-1-2012 khiến dư luận phẫn nộ lên án nhưng đến bây giờ, kẻ thủ ác vẫn chưa trả giá trước pháp luật do... bị bệnh tâm thần hoang tưởng.
Hơn 1 năm qua, cả nhà anh Tuấn đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật, phải thường xuyên ra vào bệnh viện thăm khám, điều trị. Nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh đau lòng cho gia đình anh Tuấn chỉ vì Lâm Tiến Dũng (hàng xóm của anh) cho rằng Tuấn thường xuyên chửi bố của anh ta khiến ông này có ý định tự tử.
Cần tăng nặng hình phạt
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM), trên thực tế, nạn nhân bị tấn công bằng axít thường có tỉ lệ sống cao, không tử vong ngay như nạn nhân bị dùng dao đâm hay dùng súng bắn.
Tuy nhiên, tạt axít có lẽ là hành vi tàn ác và vô nhân đạo nhất. Nạn nhân phải đối mặt với những hậu quả nặng nề về mặt thể xác lẫn tâm lý.
Phần lớn họ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật ghép da, chỉnh hình đau đớn và tốn kém nhưng không thể có được hình hài như trước. Vì vậy, họ thường rơi vào trạng thái tâm lý khủng hoảng, lo lắng, e ngại tiếp xúc, sống thu mình...
Hành vi dùng axít tấn công người khác đáng bị lên án, trừng phạt nghiêm khắc nhưng cũng chưa thể khẳng định kẻ thủ ác phạm tội giết người. Bởi, để xác định tội danh cố ý gây thương tích hay giết người, công việc đầu tiên của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải xác định được động cơ, ý thức phạm tội, nồng độ axít mà các đối tượng dùng để gây án...
Việc dùng axít để giải quyết mâu thuẫn ngày càng trở nên phổ biến có thể nói là do xuất phát từ việc thiếu những quy định pháp lý thích hợp đối với loại tội phạm này.
Theo nhiều luật sư, cơ quan chức năng cần thay đổi luật để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự, như luật ngăn ngừa tội phạm axít và kiểm soát chất axít, trong đó đưa ra những hình phạt nặng, mức bồi thường cao nhằm ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến axít.
Luật sư Vũ Văn Chuẩn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng một hành vi có thể truy tố thành 2 tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người”, phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành tội phạm: hành vi, hậu quả, thương tật. Thông thường, hành vi tạt axít bị xử phạt về tội “Cố ý gây thương tích”, chỉ chuyển sang tội danh “Giết người” khi có chủ mưu trước, có đồng phạm, có ý thức tước đoạt sinh mạng người khác, hậu quả lớn...
Theo luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong trường hợp bị khởi tố ở tội danh “Cố ý gây thương tích”, tỉ lệ thương tật của người bị hại trên 61% vẫn có thể nhận mức án 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Tòa tuyên án - Ngày 23/8/2012, TAND thị xã Bắc Kạn đã xét xử và tuyên phạt Nguyễn Thị Mai 11 năm tù, Đỗ Ngọc Hiền 12 năm tù, Kiều Phúc Cường 10 năm tù, Vương Trí Dũng 10 năm tù, Nguyễn Tiến Tuấn 9 năm tù, Đỗ Hoành Mạnh 7 năm tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Do không sinh nở được, thấy chồng có quan hệ tình cảm với chị Mai Thị Tr. (30 tuổi, ngụ thị xã Bắc Kạn), Mai thuê Hiền đánh ghen với giá 50 triệu đồng. Hiền đã tổ chức cho các đối tượng trên tạt axít vào chị Tr. gây thương tật 80%. - Ngày 20/12/2011, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của người bị hại, tuyên y án sơ thẩm 14 năm tù đối với Trần Dũng (SN 1984) và 13 năm tù đối với Nguyễn Văn Hương (SN 1986 cùng ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội “Cố ý gây thương tích”. Trước đó, Công an huyện Trảng Bom - Đồng Nai khởi tố 2 bị cáo trên tội “Giết người” nhưng VKSND và TAND cùng cấp xử tội “Cố ý gây thương tích”. Nạn nhân bị thương tật 96% vĩnh viễn. - Ngày 6/7/2011, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa lưu động, tuyên phạt Nguyễn Văn Mai (52 tuổi, thị xã Tây Ninh) án tù chung thân về tội “Giết người”. Do ghen tuông mù quáng, Mai đã dùng axít đậm đặc tạt vào người tình đang ngủ khiến nạn nhân tử vong sau đó. - Ngày 22/2/2011, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Văn Thái, (SN 1961, ngụ thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm - Hà Nội) 20 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Nạn nhân cũng chính là vợ của bị cáo, bị tổn hại tới 95 % sức khỏe. |
Nỗi đau một đời người Sau đại nạn, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Tuấn phải mỗi người sống một nơi. Anh tạm về quê Long An nương nhờ sự chăm sóc của cha mẹ, anh em họ hàng. Vợ anh sống ở TP.HCM để chăm sóc con trai bị thương tật vì axít. Anh Nguyễn Quốc Tuấn. Dù sức khỏe tạm ổn định nhưng anh chị và con trai vẫn phải thường xuyên vào bệnh viện để điều trị do di chứng của axít. Anh thành người tàn phế với đôi mắt mù hoàn toàn, cơ thể biến dạng; thân thể chị cũng bị vá chằng vá đụp bởi những miếng da chắp nối. Thương nhất là cháu Nguyễn Phúc Huy Bảo, khuôn mặt bị biến dạng nặng nề, phần da mắt, mũi co lại méo mó thảm thương. Đã đến tuổi đi học nhưng ngày nào cháu cũng vẫn phải vào bệnh viện. Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương nhưng đối với gia đình anh Tuấn và những nạn nhân của axít, những vết sẹo vẫn hằn sâu trên cơ thể và nỗi đau về tinh thần phải mang suốt một đời người. |
Theo NLĐ