Bà Nguyễn Thị Bình:Yếu kém căn bản của nền giáo dục là...

Thứ sáu, 01/02/2013, 07:44
Chấn hưng giáo dục là vấn đề hết sức cấp thiết, là một trách nhiệm hết sức to lớn của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân và sự phát triển của đất nước. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm một năm, nguồn nhân lực sẽ chậm phát triển nhiều năm.

Nhân dịp Xuân Quý Tỵ 2013, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã chia sẻ tâm huyết về vấn đề phát triển nền giáo dục nước nhà với hy vọng năm 2013 sẽ là năm khởi đầu mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.

Nền kinh tế nước ta đang đứng trước yêu cầu mới, chuyển từ mô hình phát triển theo bề rộng, sang mô hình phát triển theo chiều sâu, bền vững, coi trọng chất lượng và hiệu quả. Thực hiện bước chuyển đó, thách thức lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực.

Nhưng thực trạng hiện nay cho thấy, trong lúc thế giới đang đi vào nền kinh tế tri thức, hàm lượng tri thức và văn hóa của lực lượng lao động trở thành nhân tố quyết định thành bại trong cuộc cạnh tranh quốc tế quyết liệt, thì chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn thấp kém.

Vì vậy Đại hội XI của Đảng đã coi một trong ba khâu đột phá là: xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, cũng đặt vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Hai chủ trương lớn nêu trên có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau ở chỗ muốn có nguồn nhân lực tốt - có chất lượng, phải có một nền giáo dục quốc dân tốt - có chất lượng. Nhưng một nền giáo dục quốc dân tốt - có chất lượng, đối với đất nước ta hiện nay, không thể chỉ giới hạn ở mục tiêu nhân lực.

Mặc dù nhân lực là đòi hỏi cấp thiết, song xuất phát từ quan điểm được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 thì một nền giáo dục quốc dân tốt - có chất lượng phải nhằm phát triển con người - không chỉ là nguồn lực chủ yếu mà trước hết là chủ thể và cuối cùng là mục tiêu của chính sự phát triển.

giao duc

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Khi xác định mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục ngày nay, trước hết là phát triển con người, thì việc hình thành và phát triển nhân cách ở học sinh, sinh viên phải được quán triệt trong mọi cấp học, bậc học.

Nhân cách ở đây bao gồm đạo đức và năng lực, trong đó, những phẩm chất cốt lõi là nhân ái và trung thực trong quan hệ giữa người và người, là tự chủ và sáng tạo, trong tư duy và hành động, là thái độ trách nhiệm đối với gia đình, xã hội và đất nước.

Đó cũng là đức tính nhất thiết cần phải có của người lao động, dù là lao động trí óc hay chân tay. Giáo dục phổ thông, với vị trí và vai trò nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời với việc trang bị những kiến thức và kỹ năng phổ thông cơ bản, phải hình thành cho được ở mỗi cá nhân học sinh những phẩm chất nhân cách nêu trên với mức độ phù hợp với từng lứa tuổi.

Ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đồng thời với việc trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, xây dựng tư duy độc lập, sáng tạo, vẫn phải quan tâm việc bồi dưỡng nhân cách, trong đó việc xây dựng đạo đức và lương tâm nghề nghiệp cũng như ý thức tự chủ, tự lực tự cường, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc phải được đặc biệt coi trọng.

Nếu không thấy được chỗ yếu kém căn bản của nền giáo dục nước ta hiện nay chính là ở chỗ nhà trường ở tất cả các cấp học, bậc học chưa thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ phát triển nhân cách cho học sinh, sinh viên thì không thể tạo ra sự đổi mới căn bản nền giáo dục.

Mà không đổi mới căn bản nền giáo dục thì mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chẳng thể nào đạt được.

Tóm lại, chất lượng giáo dục đào tạo quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản và toàn diện chậm ngày nào, sẽ ảnh hưởng cho nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực và các nhiệm vụ khác của đất nước. Kinh nghiệm của nhiều nước, nếu biết đầu tư đúng mức cho giáo dục, coi giáo dục là yếu tố quyết định sự phát triển đất nước, thì sự thành công là chắc chắn...

Đổi mới cơ cấu hệ thống và chương trình giáo dục là quan trọng, là căn bản, nhưng bên cạnh đó cũng cần có một số chủ trương, chính sách để thúc đẩy, tác động đến việc xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, như: cần có dự báo về yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn để tránh tình trạng thừa - thiếu trong đào tạo; cần tạo sức thu hút của các trường dạy nghề để thực hiện phân luồng sau THCS và THPT, giải quyết tình trạng thừa thầy thiếu thợ; cần có chính sách trọng dụng người giỏi, thực sự tôn trọng tự do học thuật để nhân tài có điều kiện lao động sáng tạo vì sự phát triển vững chắc của đất nước...

Trong nguồn nhân lực có chất lượng cao phải xây dựng, cần quan tâm đến nhân lực của nguồn nhân lực, nghĩa là đội ngũ cán bộ giảng dạy, những người thầy ở các trường sư phạm, các trường đại học, dạy nghề, các trung tâm đào tạo.

Về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, để tháo gỡ những khó khăn và trở ngại hiện nay, Đảng và Chính phủ cần tập hợp những người đủ trình độ, đủ kinh nghiệm tham gia vào một Ủy ban cải cách giáo dục.

Với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục trong ngành giáo dục và những nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội am hiểu về giáo dục ở các ngành khác, kể cả những nhà khoa học giáo dục Việt Nam ở nước ngoài, chắc chắn ủy ban đó sẽ xây dựng được một đề án tổng thể bao gồm tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp và lộ trình chấn hưng nền giáo dục quốc dân, từ đó tạo ra những thay đổi về nguồn lực con người, bảo đảm sự phát triển vững bền của đất nước. Đó là vấn đề phải được giải quyết trước hết.

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn