Ảnh minh họa - Nguồn: Laodong |
Theo PGS-TS Mạch Quang Thắng, Vụ Quản lý khoa học (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), để vận hành được tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, cần thực hiện nhiều hơn nữa việc nhân dân trực tiếp thể hiện quyền làm chủ trong hoạt động của Đảng, nhất là trong hoạt động của Nhà nước.
Theo đó, cần tạo ra nhiều kênh cho nhân dân làm chủ trực tiếp, như dân được tham gia trực tiếp nhiều hơn nữa vào các quyết sách của Đảng, được “làm chủ” trực tiếp ở một góc độ nào đó, trong công tác cán bộ của Đảng chẳng hạn.
“Có thể hỏi ý kiến người dân về cán bộ nào đó sắp được đề bạt, hoặc cán bộ đã được đề bạt một thời gian xem cán bộ ấy có xứng đáng với cương vị của mình đang đảm nhận hay không”, ông Thắng gợi ý, đồng thời đề xuất nên “thí điểm, dần dần và tiến tới đại trà, có tính chất phổ biến, việc quy định cho dân trực tiếp bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước”.
Cùng quan điểm, TS Đặng Đình Phú (Học viện Xây dựng Đảng) kiến nghị thêm: cần chú trọng đổi mới quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai. Cán bộ diện được bổ nhiệm phải có chương trình hành động trình hội đồng xét duyệt, khi được 50% trở lên số thành viên trong tập thể lãnh đạo chấp thuận, việc bổ nhiệm mới thành công.
Theo Thanhnien