|
Ngay từ đầu tháng 11.2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1878/CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh thành, các bộ ngành tập trung ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo.
Công điện nêu rõ: “... kiên quyết không để tái diễn việc sản xuất; hạn chế tới mức thấp nhất việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép... Địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”.
Thế nhưng…
|
“Giao thừa pháo nổ đùng đoàng”
Từ Ninh Giang (Hải Dương), một bạn đọc đã gửi cho Thanh Niên loạt ảnh lề đường ngập xác pháo. Tác giả những bức ảnh tên D., một người làm việc tại Hà Nội về quê ăn tết ở Ninh Giang, kể: “Tôi rất bất ngờ vì lúc giao thừa pháo nổ đùng đoàng. Ra đường ở thị trấn trung tâm huyện, tôi thấy có nhà đốt ngay ở trước cửa, sát lề đường chứ không phải họ đốt trộm ở chỗ vắng”.
|
Trao đổi với PVThanh Niên, ông Nguyễn Duy Kền, Trưởng công an H.Ninh Giang xác nhận trên địa bàn có tình trạng đốt pháo.
"Tôi rất bất ngờ vì lúc giao thừa pháo nổ đùng đoàng. Ra đường ở thị trấn trung tâm huyện, tôi thấy có nhà đốt ngay ở trước cửa, sát lề đường chứ không phải họ đốt trộm ở chỗ vắng". Anh D., một người làm việc tại Hà Nội về quê ăn tết ở Ninh Giang (Hải Dương) |
Nhưng ông Kền giải thích: “Năm nay so với mọi năm tình trạng đốt pháo đã giảm đi. Từ trước giao thừa, chúng tôi tung 100% quân số xuống địa bàn để ngăn chặn tình trạng đốt pháo. Tuy nhiên nhiều người đốt pháo ngoài đường, ngồi trên xe máy ném pháo xuống đường nên rất khó bắt giữ”.
Ông Kền cho biết trước tết công an huyện đã bắt 15 vụ, 19 nghi phạm liên quan đến tàng trữ pháo.
Tại xã Liên Hòa, H.Kim Thành, anh Quốc Chiến cho biết: “Lúc giao thừa tôi nghe hàng tràng pháo nổ, năm nay người ta đốt pháo rất nhiều. Sáng mùng 1 tôi đi chúc tết thấy xác pháo còn vương cả ở đường lẫn trong nhà người dân”.
Ngoài ra, theo phản ánh của bạn đọc, ở các huyện như Bình Giang, Thanh Miện... cũng xảy ra nhiều vụ đốt pháo.
Trong khi đó, ông Hoàng Mai Khương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương nói: "UBND tỉnh vừa họp tổng kết các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán 2013. Chúng tôi đánh giá năm nay tình trạng đốt pháo rất ít. Vì vậy chúng tôi không đề cập gì đến việc xử lý cán bộ".
Khi PV cung cấp thông tin về rất nhiều huyện đã xảy ra trình trạng đốt pháo công khai, ông Khương nói: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”.
Buôn pháo siêu lợi nhuận
Thu giữ nhiều loại pháo Ngày 9.2, Công an H.Cẩm Giàng, Hải Dương đã bắt quả tang Đào Văn Thìn (23 tuổi), Nguyễn Văn Nghĩa (17 tuổi), đều ở xã Cẩm Đông, Cẩm Giàng vì hành vi sử dụng pháo nổ trái phép, thu giữ 16 quả pháo hình trụ. Cùng ngày, Công an TP.Hải Dương bắt Trần Trọng Cường và Nguyễn Đình Tuấn (cùng 17 tuổi và ngụ TP.Hải Dương) thu 17 quả pháo diêm, 20 quả pháo tép, 2 quả pháo trứng. |
Từ tỉnh biên giới Lào Cai, ông Phạm Ngọc Triển đã gửi cho chúng tôi một loạt ảnh cho thấy rất nhiều loại pháo đã được đốt trái phép, từ pháo nổ đến cả dàn pháo hoa cỡ lớn mà ống phóng không khác nào dàn hỏa tiễn.
“Hầu như 100% pháo đều từ Trung Quốc đưa sang, chúng tôi thấy pháo đốt ở rất nhiều nơi, ở đầu cầu Phố Mới, ngay trung tâm TP.Lào Cai cũng có pháo hoa đốt trái phép. Xác pháo rải đầy các tuyến đường như Minh Khai, Nguyễn Viết Xuân, P.Phố Mới, TP.Lào Cai; ở H.Bảo Thắng tôi thấy một dàn pháo hoa cỡ lớn”, ông Triển nói.
Tình trạng đốt pháo đang tái diễn ở nhiều nơi và có xu hướng gia tăng cả về địa bàn lẫn mức độ vi phạm. Theo khảo sát của chúng tôi, trên đất Trung Quốc, ngay sát các cửa khẩu ở Móng Cái, Quảng Ninh và Lào Cai, Lạng Sơn, pháo được bày bán công khai.
Anh Lê Văn Hùng, một người làm cửu vạn ở Móng Cái cho biết: “Giá pháo bên Trung Quốc có rất nhiều loại, có loại chỉ vài chục ngàn đồng Việt Nam nhưng cũng có loại không hề rẻ, tới 300.000 - 900.000 đồng/bánh, dài khoảng 1,2 m”.
Tuy nhiên, khi mang về Việt Nam, giá một bánh pháo lên tới 1,2 - 1,5 thậm chí 2,5 triệu đồng, tùy loại. Chính vì buôn pháo siêu lợi nhuận nên nhiều người đi làm ăn ở Trung Quốc, khi quay trở lại quê nhà ăn tết đã mang theo pháo để đốt hoặc bán kiếm tiền đi đường.
Thậm chí, theo phản ảnh của một số người làm nghề buôn bán biên mậu, nhiều doanh nhân Việt Nam buôn bán ở vùng biên còn sang Trung Quốc vừa tranh thủ đi chơi, vừa... đốt pháo rồi quay trở về.
Nếu không xử lý nghiêm trách nhiệm các địa phương theo đúng tinh thần công điện của Thủ tướng thì các năm sau, rất có thể tình trạng đốt pháo trái phép sẽ càng tràn lan.
Mất bàn tay vì pháo Tại H.Thanh Hà (Hải Dương), anh Nguyễn Quang Chỉnh, 29 tuổi, ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc đã phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh do pháo nổ làm chấn thương vùng ngực, tràn máu màng phổi, dập nát bàn tay trái phải cắt bỏ các ngón tay (ảnh). Theo một lãnh đạo bệnh viện này, từ tối ngày 9 đến trưa ngày 10.2, có 5 trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì pháo nổ.
|
Theo Thanhnien