Nghi can cần có quyền im lặng chờ luật sư?

Thứ ba, 05/03/2013, 09:30
Tới đây khi Luật Tố tụng hình sự được sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng cần được bổ sung quy định cho phép người bị tạm giữ, bị can được quyền im lặng để chờ luật sư, để quyền con người được đảm bảo hơn nữa.

Theo luật pháp hiện hành chưa có quy định nào cho phép người bị tạm giữ, bị can được quyền im lặng để chờ luật sư (LS).

Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của xã hội lấy pháp quyền làm nền tảng, tới đây khi Luật Tố tụng hình sự (TTHS) được sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng quy định trên cần được bổ sung để quyền con người được đảm bảo hơn nữa.

Quyền của luật sư chưa được đảm bảo

Quyền được im lặng khi bị bắt ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có từ lâu với mục đích đảm bảo tối đa quyền con người, thượng tôn pháp luật.

Theo TS – LS Trần Đình Triển (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), ở nước ta pháp luật cũng đã thể hiện sự văn minh, thể hiện bằng những nguyên tắc trong tố tụng.

Cụ thể, trong vụ án, trọng chứng hơn trọng cung; bị can, bị cáo không có trách nhiệm chứng minh mình có tội, việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

Pháp luật cũng đã dự tính có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình tố tụng nên đã quy định LS được quyền tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng.

Nghi can cần có quyền im lặng chờ luật sư?

Việc tham gia của luật sư trong các vụ án sẽ đảm bảo tính khách quan hơn (ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Văn Dũng - Kiểm sát viên, Viện KSND TP. Hà Nội: Áp dụng ở ta rất khó

Theo tôi, áp dụng quyền im lặng ở nước ta hiện nay rất khó.

Nhiều nước đã đưa quyền im lặng vào luật nhưng khi đó nước họ đã xây dựng điều luật khác liên quan như: Được cho phép đặt cọc tiền và tài sản để thay thế biện pháp tạm giam; có luật sư tham gia từ đầu sau khi nghi can bị bắt…

Nói chung khi đó đời sống người dân có đủ điều kiện để thực hiện các quyền đó.

Ở nước mình hiện nay, khi các nghi can bị bắt thường không có luật sư riêng từ trước, hoặc được bảo lãnh, do đó quyền im lặng không dễ thực hiện.

Sau 24 giờ với người bị tạm giữ hành chính và 3 ngày với người bị giam, khi luật sư đã làm đầy đủ thủ tục theo nguyện vọng của người bị bắt hoặc gia đình họ, cơ quan tiến hành tố tụng phải cấp giấy cho luật sư.

Khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo lịch xét hỏi bị can cho luật sư biết và cùng tham gia các buổi xét hỏi đó, đảm bảo tính khách quan.

Theo LS Triển, quy định thì như vậy nhưng trên thực tế, luật sư thường ít khi được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận đúng ngày. LS bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình tham gia tố tụng.

“Có không ít vụ án, phải đến giai đoạn sắp có kết luận điều tra, LS mới được vào cuộc. Lúc đó, hồ sơ đã hoàn tất còn làm sáng tỏ được gì nữa” – LS Ngô Ngọc Thủy (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ.

Trường hợp mới đây của LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) là một điển hình.LS Dũng đã làm đầy đủ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Lê Văn Bình trong vụ án buôn lậu do Cục CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế (C46 – Bộ Công an) thụ lý, điều tra. Nhưng hơn 3 tháng LS Dũng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận.

Vụ việc đã được Viện KSND Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư TP.Hà Nội có văn bản đề nghị, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Quyền im lặng: Vẫn còn băn khoăn(?)

Theo nhiều LS, chuyên gia pháp lý, tới đây khi Bộ Luật TTHS được sửa đổi, Ban soạn thảo rất nên bổ sung quy định người bị tạm giữ, bị can có quyền im lặng chờ LS.

Ông Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND Tối cao – nhấn mạnh rằng, quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn của LS để tránh việc tự buộc tội mình, thiệt hại cho bản thân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Anh (Vụ Pháp chế - Bộ Công an) lại có quan điểm khác khi cho rằng, quyền im lặng không phù hợp với thực tiễn văn hóa nước ta.

Ông Ngọc Anh đánh giá, đa phần người bị tình nghi khi bị bắt đều kêu oan, chứ không im lặng. Một số ý kiến khác cho rằng, đối với những vụ tội phạm có tổ chức hoặc tội phạm nguy hiểm, việc khẩn trương lấy lời khai của người bị bắt sẽ giúp công tác phá án được nhanh chóng, tránh nguy hiểm cho xã hội.

Tuy nhiên, theo LS Triển, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Để phá án và làm rõ tội phạm, cơ quan điều tra phải dùng nhiều biện pháp chứ không chỉ phụ thuộc vào lời khai của bị can nên không thể nói nghi can im lặng ảnh hưởng đến công tác phá án. Lợi ích ở đây là tính dân chủ, quyền con người và hạn chế sai sót trong vụ án.

LS Ngô Ngọc Thủy: Luật sư phải được tham gia từ giai đoạn đầu của vụ án, trong quá trình đó nếu có sai sót, người ta có thể phát hiện giúp.

Không hiếm trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ buộc phải một mình đối diện với cơ quan điều tra trong khi thiếu hiểu biết về pháp luật, cũng như đang lo lắng và dễ dàng rơi vào "bẫy" cung cấp lời khai theo ý của một số điều tra viên thiếu công tâm, đến khi có LS thì "chuyện đã rồi".

LS Trần Đình Triển: Tại phiên tòa xét xử nhóm bị cáo nguyên là cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc sai phạm về đất đai diễn ra tháng 6/2012, tôi, với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quyền (SN 1958, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Vĩnh Yên), có gửi tòa một đĩa ghi âm tố cáo Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc khi ông này đến gặp có lời khuyên gia đình bị can không nên thuê LS bào chữa, cứ thành khẩn khai nhận sẽ được giảm nhẹ tội, còn thuê luật sư án sẽ cao hơn.

Vụ việc này sau đó không có hồi âm. Tôi chưa thấy khởi tố một vụ án nào về việc làm sai tố tụng.

LS Bùi Sinh Quyền: Khi đối diện với cơ quan điều tra, người bị bắt thường hoang mang, nếu có LS bên cạnh, họ sẽ cảm thấy tự tin, bình tĩnh hơn, việc khai báo sẽ đảm bảo tính khách quan.

Cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư tuy trên hai phương diện khác nhau nhưng có điểm chung là làm sáng tỏ các tình tiết, đảm bảo đúng các trình tự pháp luật, để vụ án được xét xử đúng người, đúng tội.

Theo Danviet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích