Nhằm chấm dứt tình trạng người đội mũ bảo hiểm (MBH) dỏm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) sẽ mở chiến dịch xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh buôn bán và những người đội mũ dỏm trên toàn quốc từ 15/4.
70% dùng đồ dỏm
Theo Ủy ban ATGTQG, sau 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đội MBH khi điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông, số người dân chấp hành đã đạt tỷ lệ 90%. Thế nhưng trong số đó chỉ có 30% người dân đội MBH đạt chất lượng, còn 70% là mũ giả, kém chất lượng. Đây quả là vấn đề đáng báo động.
Lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh MBH. |
Mới đây, lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã thành lập 4 đoàn công tác, tiến hành kiểm tra 15 điểm kinh doanh MBH trên địa bàn các quận nội thành. Kết quả kiểm tra cho thấy có đến 14 điểm vi phạm, với tổng số gần 2.000 MBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Với mục đích chấm dứt tình trạng người đội MBH không đạt chất lượng khi tham gia giao thông, Ủy ban ATGTQG đang chuẩn bị kế hoạch tăng cường ra quân kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Điều đáng chú ý người đội MBH giả cũng sẽ bị xử phạt như trường hợp người không đội MBH.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những bức xúc trong dư luận. Lẽ ra, công tác kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh MBH phải được cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt và đồng bộ ngay cùng thời điểm Chính phủ có quy định bắt buộc đội MBH.
Thế nhưng trong 5 năm qua, vấn đề trên dường như lại bị thả nổi, việc thực hiện chỉ mang tính phong trào, lác đác ở một số nơi, sau đó lại bị bỏ ngỏ. Các sản phẩm mũ giả, kém chất lượng lâu nay vẫn được bày bán một cách công khai.
Không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... mà ở các vùng quê MBH dỏm, kém chất lượng cũng tràn lan, không bị xử lý.
Anh Hoàng Đức Nhã (Long Biên, Hà Nội) bức xúc: Chúng tôi là những người dân, những người chỉ thụ động khi đi mua MBH. Chúng tôi cứ thấy họ bày bán mà không bị ai cấm thì mua, làm sao mà biết phân biệt thật - giả. Đi phạt người dân kiểu này liệu có hiệu quả và khả thi không, có khác gì chuyện xây nhà từ nóc?
Lúng túng xử phạt
Luật sư Vũ Văn Thiệu – Công ty luật Incip: Cần xử lý triệt để phần gốc Xử phạt người đội MBH rởm là không ổn và không thỏa đáng. Người dân mua MBH đâu phân biệt được loại mũ nào thật, mũ nào giả, chưa nói nhiều cửa hàng còn dán tem giả để lừa người mua, đến ngay cả cơ quan chức năng còn khó phân biệt. Nếu xử phạt người đội MBH dỏm thì đây chỉ là cách làm hời hợt, bề nổi. Cơ quan chức năng cần xử lý triệt để phần gốc, tức là triệt từ nơi sản xuất, nơi kinh doanh hàng giả, khi đó mới giảm được MBH dỏm. |
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Quan điểm xử phạt cả người đội MBH dỏm theo tôi cũng có nhiều điểm không ổn.
Bản thân người tiêu dùng cũng chỉ là nạn nhân của hàng giả, giống như người mua phải gas dỏm, thuốc dỏm, sữa dỏm hay thức ăn không đảm bảo...
Trách nhiệm để xảy ra việc đó là thuộc về cơ quan chức năng, tại sao nạn nhân lại bị phạt là điều phi lý.
MBH mà người dân đang sử dụng có từ việc mua bán công khai, không thấy có cơ quan chức năng nào cấm hay xử lý. Còn việc có đảm bảo chất lượng hay không là trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Một trong những vấn đề nữa khiến dư luận băn khoăn là nếu quy định được thực thi, lực lượng nào sẽ xử phạt việc đội MBH dỏm.
Lâu nay những hành vi vi phạm giao thông do lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông xử lý, liệu việc xử lý đội MBH dỏm có tiếp tục trông chờ vào lực lượng này?
Một cán bộ của Phòng CSGT – Công an TP.Hà Nội bày tỏ, việc chứng minh MBH thật hay giả phải có chuyên môn và đương nhiên việc này không thuộc thẩm quyền của CSGT.
Với số lượng lớn người tham gia giao thông đội MBH, lực lượng đâu xuể để dừng xe để kiểm tra chiếc mũ.
Luật sư Tiến kiến nghị, cần phải tập trung xử lý mạnh ở khâu sản xuất và kinh doanh MBH dỏm, đó mới là biện phạt xử lý triệt để từ gốc vấn đề.
Theo Danviet