Bộ Tư pháp vừa đề xuất tăng tiền phạt gấp đôi đối với người ngoại tình. Cụ thể, người đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 1.000.000 đồng.
Mức phạt này cũng áp dụng với người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn, chung sống với người mà mình biết rõ là đang có vợ/chồng nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Là một người luôn quan tâm đến các vấn đề xã hội, ông nghĩ như thế nào về điều này?
- Quy định này mới chỉ đang lấy ý kiến, chưa ban hành là không đáng kể rồi. Nhưng theo tôi, có còn hơn không. Quy định của pháp luật, đã là vợ chồng rồi thì phải biết bảo vệ người phụ nữ, bảo vệ hôn nhân của mình và người nam ngược lại cũng vậy thì mới có hạnh phúc cho gia đình đó.
Và nó cũng là tấm gương cho con cái, cho những người xung quanh. Hơn nữa, đỡ để lại hậu họa rối ren, mất an ninh trật tự xã hội. Cho nên tôi thấy việc phạt này rất chính xác và rất cần thiết.
Đại gia Lê Ân trong ngày cưới vợ trẻ Mai Mai. |
Theo tôi hiểu, cái gây hậu quả nghiêm trọng là hai người có chồng/vợ rồi nhưng không may họ có cảm tình với nhau, ban đầu nhẹ nhàng rồi đi đến chỗ thân thiết, chưa gây ra cái nghiêm trọng. Cái nghiêm trọng ở đây cũng bao la lắm. Nếu như cướp vợ, cướp chồng, dẫn đến mưu sát… thì đó gọi là nghiêm trọng. Bộ chưa nói cụ thể thì tôi cũng chưa rõ.
Theo ông, mức phạt hiện nay thấp hay cao và liệu rằng nó có khả thi?
- Đây là chuyện giống như cảnh cáo những người đi xe không tuân thủ luật giao thông thôi, mức phạt này không cao nhưng có hiệu quả.
Người đàn ông, đàn bà có vợ, có chồng rồi có dấu hiệu ngoại tình không thể chối cãi được thì phạt. Có phạt như vậy mới răn đe được, mới ngăn chặn được. Nếu không phạt, nhiều khi họ không hiểu đó là nguy hiểm, là nghiêm trọng. Cứ hẹn nhau ngoài giờ hành chính là đi ăn, đi nhậu, đi karaoke chung trong khi người ta có vợ, có chồng rồi thì không có nên làm chuyện đó.
Mức phạt này có tính răn đe và ngăn chặn nên tôi thấy cần thiết.
Ông nghĩ nên phạt ai? Người nam hay người nữ?
- Phải phạt cả hai, cả hai người vi phạm thì mới gọi là vi phạm được. Còn xử lý một bên thì khó.
Nhiều ý kiến cho rằng đối với người vi phạm đã phạt như vậy, còn người bị “cắm sừng” phải được bồi thường như thế nào? Có nên dùng tiền phạt bồi thường cho họ hay không?
- Việc phạt này không phải là đưa số tiền cho người bị hại. Đây là việc phạt hành vi mà cả xã hội, luật pháp nói chung và luật hôn nhân không cho phép. Còn tiền đưa vào đâu là quyền của cơ quan chức năng.
Trường hợp bồi thường cho người kia là khi xảy ra mức độ nghiêm trọng như xảy đến xô xát, ghen tuông vô lý đánh nhau thì người gây ra không chỉ chịu số tiền phạt này mà còn phải chịu thêm nữa.
Còn phạt rồi lại đưa cho người kia như vậy lại gây thêm rắc rối, gây dấu ấn không tốt, thêm sứt mẻ gia đình là không nên. Việc xử phạt này chủ yếu là răn đe, ngăn chặn về đạo đức.
Có ý kiến cho rằng phạt ngoại tình cả tháng không bằng tiền mua dâm, nó không những không hạn chế được mà còn tiếp tay cho hành vi ngoại tình. Ông nghĩ sao?
- Vì đây là chuyện con người, tình cảm giữa con người với con người là từ trái tim xảy ra, thực sự khó miêu tả cho nên mình không thể nói là phạt nhiều hay ít mà đó chỉ là một hình thức cảnh cáo, ngăn chặn và tôi bảo đảm là sẽ giảm tối đa hành vi quan hệ bất chính.
Nếu được đề xuất xử phạt việc ngoại tình, ông sẽ có đề xuất gì?
- Việc phạt này trước kia là chưa có nhưng luật đã có cấm chuyện này. Giờ đây họ đề xuất triển khai ban hành để phạt hành vi này thì theo tôi mức này là vừa phải, không thể lên cao được.
Đa số con người có đạo đức, có giáo dục, có hiểu biết thì chuyện ngoại tình để xảy ra việc phạt rất khó.
Tỷ lệ đàn ông ngoại tình thường nhiều hơn phụ nữ, mà thường khi đã ngoại tình đàn ông thường về nhà kiếm cớ gây chuyện với vợ con. Vì vậy, phụ nữ nên hoan nghênh việc xử phạt này của Bộ Tư pháp.
Theo ông, việc quan hệ với gái mại dâm có được cho là ngoại tình không và liệu có bị áp dụng mức phạt này?
- Cái này không phải. Việc phạt này chỉ ngăn chặn người có vợ/chồng rồi mà lại lăng nhăng với nhau khác hẳn với việc người đàn ông chưa có vợ, với người đàn bà chưa có chồng, họ cũng là con người có nhu cầu tình cảm, dần dần họ có tự do thật sự không bị ràng buộc bởi ai hết, người ta mới quan hệ với nhau thì đâu có tội gì mà phạt người ta.
Quan điểm của ông về việc ngoại tình như thế nào?
- Ngoại tình là việc rất nghiêm trọng. Nếu một người đàn ông đã thương người đàn bà nào đó rồi và ngược lại, họ có thể đốt vợ/chồng, hại chồng, giết chồng, giết vợ để thẳng tay đến với nhau.
Ngoại tình còn thuộc vào tội tà dâm. Nên ngăn chặn được là chính xác nhất, không ngăn chặn được là nguy hiểm nhất.
Với cá nhân mình, lấy được một người vợ đẹp, trẻ ông có sợ một ngày nào đó cô ấy ngoại tình?
- Thường thường người đàn ông hay người đàn bà có một lo lắng hoặc mặc cảm như chồng mình đẹp quá khi ra ngoài cô này, cô kia quyến rũ rồi bỏ mình. Người đàn ông cũng có tâm lý như vậy. Cái này nó thuộc về luồng tư tưởng rồi, nó thuộc về ý thức hệ, cái nhận thức của người đàn ông và người đàn bà.
Nhưng với tôi, xin nói danh dự tôi chưa biết ghen vợ là gì hết. Người vợ mình mà mình không quản lý được thì ai quản lý. Chúng tôi bước sang năm thứ 3 chung sống với nhau rồi nhưng tôi chưa biết ghen là gì hết, vì bà ấy có gì đâu mà tôi phải ghen.
Ngay như việc về nhà mẹ đẻ, tôi bảo bà ấy về thăm, bà ấy cũng không về bởi bà ấy sợ về rồi, nhỡ tôi ốm, tôi đau không ai chăm sóc bà ấy lại ân hận. Cho nên tôi không có lo lắng chi hết.
Tôi có 3 – 4 người vợ rồi mà không có người vợ nào khiến tôi ghen được hết.
Còn với Mai Mai, lấy được một người đàn ông không những giàu có lại còn tốt như ông, đã bao giờ ông nghe cô ấy thổ lộ rằng rất sợ nếu ông phải lòng một người con gái khác?
- Không, vợ tôi không có sợ điều đó. Vì bà nhà tôi biết thứ nhất là tôi có đạo, trong đạo tôi có nói nếu mình ăn ở với vợ mình là bình thường, nhưng nếu mình ăn ở với người khác là phạm tội tà dâm, vậy tôi đâu có dám.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phunutoday