Xóm lồng đèn 50 tuổi duy nhất ở Sài Gòn

Chủ nhật, 08/09/2013, 17:39
Đến hẹn lại lên, vào mùa Trung thu xóm lồng đèn Phú Bình lại nhộn nhịp. Làng nghề đã tồn tại hơn 50 năm, nhưng bây giờ chỉ còn chưa đến 10 hộ bám nghề.

Ở Sài Gòn vẫn hiện diện một làng nghề làm lồng đèn có từ hơn 50 năm trước: Làng lồng đèn Phú Bình (cư xá Phú Bình, Q.11). Những người thợ làm lồng đèn ở Nam Định mang vào Nam nghề truyền thống của cha ông và được cư dân xóm đạo Phú Bình gìn giữ đến ngày nay.
Có một thời người người, nhà nhà ở Phú Bình làm lồng đèn, nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 10 hộ trụ lại với nghề. Trong ảnh: Ba thế hệ trong gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (40 tuổi) quây quần làm lồng đèn.
Sản phẩm chính của gia đình chị Lan là lồng đèn loại nhỏ. Chị cho biết, từ sau Tết Nguyên đán một tháng, gia đình bắt đầu làm. Doanh số mùa Trung thu năm nay khá hơn năm ngoái, đến giờ chị đã bán được gần 5.000 chiếc.
Lớn nhất trong xóm là cơ sở làm lồng đèn của gia đình ông Trần Mạnh Uyên. Những chiếc lồng đèn hình tàu, thuyền, ngôi sao, bướm... loại lớn là sản phẩm chính của gia đình.
Ông Trần Mạnh Uyên và vợ, bà Bùi Thị Xuân, theo nghề này được hơn 15 năm. "Làm lồng đèn cực lắm, cả ngày cứ ngồi mỏi lưng, mỏi tay vót, cắt, dán. Giờ trong xóm còn ít nhà làm lắm, tôi làm cốt cũng giữ lấy nghề", ông Uyên chia sẻ.
Tre tiếp tục được chẻ nhỏ và vót cho láng. Công việc này thường dành cho đàn ông.
Dùng dây thép buộc tre làm khung đèn.
Bà Bùi Thị Xuân ghép các khung nhỏ lại để tạo thành một khung đèn lớn.
Hồ dán được làm từ gạo.
Mỗi ngày, gia đình bà Xuân làm được khoảng 15 lồng đèn loại lớn, bán với giá 100.000 đồng/chiếc. Theo bà Xuân, làm lồng đèn lớn đỡ tốn thời gian và dễ bán ngay cả những ngày không phải mùa Trung thu.
Có hộ chỉ nhận làm một vài công đoạn như dán giấy lên khung. Giấy được người dân mua ở chợ Lớn, Bình Tây... Công dán mỗi chiếc lồng đèn khoảng 3.000 đồng.
Trẻ em cũng tham gia dán lồng đèn. Công đoạn này đòi hỏi phải kỹ lưỡng và tỉ mỉ để cho chiếc lồng đèn được căng phồng.
Bộ dụng cụ vẽ lồng đèn.
Công đoạn được đánh giá khó nhất là vẽ lồng đèn. Không chỉ khéo tay mà còn phải có khiếu vẽ, sự tỉ mẩn, kiên trì của người thợ.
Lồng đèn được bán cho nhiều mối từ TP.Đà Lạt, khu vực Đông Nam bộ cho đến các tỉnh miền Tây.
Giấc ngủ trưa ngắn sau giờ làm của bà Bùi Thị Xuân. Hình ảnh một thời xóm lồng đèn Phú Bình nhộn nhịp có lẽ chỉ còn trong giấc mơ của những người già trong xóm.

Theo Tri Thức

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích