Ngổn ngang sau bão lũ

Thứ bảy, 21/09/2013, 08:03
Các địa phương hiện đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 8. Đã có 3.124 hộ dân cùng hơn 6.000 người sơ tán ra khỏi vùng lũ quét, sạt lở đất và ngập sâu ở 5 tỉnh đã trở về địa phương.

Ngổn ngang sau bão lũ
Dọn dẹp TP.Hội An sau bão lũ - Ảnh: Minh Hải

6 người chết, 15 người mất tích

Thông tin từ cơ quan chức năng, tính đến 20/9, bão số 8 đã làm 5 người chết. Ngoài 3 trường hợp ở Quảng Trị và Đắk Lắk (Thanh Niên đã thông tin) còn có 2 người ở Quảng Nam, đó là anh Alăng Mốp (20 tuổi, trú H.Đông Giang), người bị nước cuốn hôm 17/9 đến sáng 20/9 đã tìm thấy thi thể và anh Võ Năng (37 tuổi, trú H.Đại Lộc) đã tử vong vì đột quỵ khi đang dọn nhà trong lũ.

14 người mất tích vẫn đang được tìm kiếm, trong đó Nghệ An có 5 người trên ô tô 7 chỗ bị nước cuốn trôi, Đắk Lắk 6 người, Quảng Nam một người và Đà Nẵng một người, Quảng Bình một người. Trong đó, người bị mất tích mới nhất là ông Cao Xuân Phận (73 tuổi, ở thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình), bị nước lũ cuốn trôi trên khu vực ngầm Khe Rinh chiều 20.9. UBND H.Minh Hóa đã điều động lực lượng công an, bộ đội tìm kiếm, nhưng đến tối vẫn chưa có kết quả.

Về trường hợp 72 người ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) đi rừng chưa trở về sau đợt lũ, chiều 20.9, trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Quốc Phụng, Phó chủ tịch UBND H.Nam Đông cho biết 72 người trên đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ vào rừng lấy củi, lấy mây thường xuyên và làm trại ở lại hàng tuần. Họ đã quen với núi rừng nên sau lũ họ sẽ về thôi. Các đợt lũ trước cũng có hàng trăm người ở lại trên rừng, nhưng sau lũ họ đều về cả, không có việc gì!

Bão số 8 các ngày qua ở miền Trung - Tây nguyên đã làm sập đổ, hư hại gần 5.000 ngôi nhà, 2.491 ha lúa, 3.530 ha hoa màu bị ngập úng và 1.780 gia súc, gia cầm chết, cuốn trôi, làm hư hại 23 cầu, công trình thủy lợi…

Theo nguồn tin của Thanh Niên, khoảng 14 giờ chiều 20.9, cháu Nguyễn Thị Trà My (6 tuổi, ngụ xã Quang Thành, Yên Thành, Nghệ An) bị nước lũ cuốn mất tích. Đến cuối buổi chiều cùng ngày, thi thể cháu Trà My đã được tìm thấy.

Chiều cùng ngày, em Nguyễn Sỹ Phúc (17 tuổi, ngụ xã Nghi Công Bắc, H.Nghi Lộc, Nghệ An) bị lũ cuốn mất tích khi đi xe máy qua tràn Nghi Công - Nghi Mỹ, đến 18 giờ vẫn chưa tìm thấy.

Trắng tay sau bão lũ

H.Đại Lộc là địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Nam với thiệt hại ước tính gần 60 tỉ đồng. Nhiều nhà dân trú tại “rốn lũ” xã Đại Hưng bị ngập sâu hơn 2 m đã khiến nhiều tài sản và vật nuôi như: lợn, gà, vịt bị cuốn trôi.

Thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng, H.Đại Lộc), nơi xảy ra trận lũ quét vào tối 18/9 có hàng chục ngôi nhà bị dòng nước xô nghiêng.

Thấy nước lũ lên quá nhanh, hai vợ chồng bà Dương Thị Hải (73 tuổi) đã sang nhà hàng xóm trú tạm, đến khi về chỉ thấy trong nhà toàn bùn đất, nhiều vật dụng sinh hoạt bị cuốn trôi. Nhiều gia đình khác tại thôn Đại Mỹ cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Ông Phạm Văn Thương, Trưởng thôn Đại Mỹ, cho biết 235 hộ dân trong thôn đều bị ngập nước. Nước lũ còn mang theo bùn đất vùi 5 ha lúa chưa thu hoạch, 3 ha ngô ngã đổ… Theo ông Thương, do khối lượng bùn đất tràn vào thôn quá lớn nên để khắc phục xong phải mất hơn 10 ngày.

Thiếu tá Lê Nho Tâm, Phó trưởng Công an H.Đại Lộc (Quảng Nam), cho biết địa phương có 8 người bị thương nặng như gãy tay, gãy sườn, chấn thương đầu… trong khi đang tránh lũ hoặc dọn dẹp sau lũ. Chính quyền địa phương đang nỗ lực thông tuyến, tuy nhiên do khối lượng đất đá sạt lở lớn nên hai xã Gary và Ch’Ơm vẫn đang bị cô lập. Đô thị cổ Hội An cũng ngổn ngang trong bùn và rác sau khi lũ rút. Chính quyền địa phương đã khẩn trương huy động người và phương tiện dọn dẹp, vệ sinh môi trường.

Cuộc sống xáo trộn

Tại Quảng Bình dù mưa đã giảm, nhưng lũ vẫn còn cao nên hơn 1.000 nhà dân tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa vẫn chìm trong nước. Ghi nhận của PV Thanh Niên tại huyện miền núi Minh Hóa cho thấy nước lũ chia cắt đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân các xã Tân Hóa, Minh Hóa.

Đến chiều 20/9, đường vào hai xã này vẫn bị ngập, nước chảy xiết nhiều đoạn nên mọi giao thương với bên ngoài gần như bị đứt hoàn toàn. Có nhiều người vì công việc quan trọng nên đã nhờ UBND xã điều động thuyền cứu hộ đưa vượt lũ để ra thị trấn Quy Đạt.

Công tác khắc phục hậu quả bão lũ diễn ra hết sức khẩn trương tại H.Hướng Hóa (Quảng Trị), nơi bị nước nhấn chìm trong ngày 19/9. Nước của sông Sê Pôn đã bắt đầu xuống, những vùng thấp trũng nhất của huyện cũng đã được “giải thoát” khỏi vòng vây của thủy thần.

Đồn biên phòng cửa khẩu Lao Bảo (H.Hướng Hóa) đã huy động hầu như toàn bộ quân số ra quân giúp dân dọn dẹp nhà cửa ngay khi nước rút. Tuy vậy, người dân địa phương đã phải rất vất vả để rửa sạch bùn đất bám quanh nhà và đồ đạc trong suốt một ngày qua.

Siêu bão USAGI gây mưa lớn ở miền Bắc

Chiều 20/9, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết đã xuất hiện siêu bão có tên quốc tế USAGI với cường độ cực mạnh hoạt động ở phía đông đông bắc khu vực đảo Luzon (Philippines).

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 - 17, tức là từ 184 - 221 km/giờ, giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, vượt qua eo biển giữa Luzon và Đài Loan vào biển Đông và sẽ là cơn bão số 9 ở Việt Nam.

Do ảnh hưởng của cơn bão này, vùng biển bắc biển Đông từ sáng sớm 21.9 đến những ngày tiếp theo sẽ có gió bão mạnh cấp 11 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15 - 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

Cũng theo ông Tăng, hướng di chuyển của bão USAGI hiện rất phức tạp, không loại trừ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam gây gió mạnh trên vịnh Bắc Bộ vào những ngày đầu tuần tới. Ngoài ra, bão kết hợp với gió mùa đông bắc nhiều khả năng sẽ gây ra một đợt mưa lớn ở Bắc bộ từ ngày 24 - 25/9.

Hơn 14.500 học sinh ở Hà Tĩnh nghỉ học vì mưa lũ

Hôm qua 20/9, ông Nguyễn Duy Ngọc, Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho biết mưa lớn liên tiếp trong ngày 20/9 đã khiến nước lũ dâng cao, giao thông  bị chia cắt cục bộ làm hơn 14.500 học sinh của 4 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT ở 3 huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) không thể đến lớp học hoặc được các thầy cô cho phép nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Liên tiếp trong hai ngày 19, 20/9, mưa lớn trên diện rộng và việc Nhà máy thủy điện Hố Hô (H.Hương Khê, xả lũ vào lúc 3 giờ ngày 20/9), thủy điện Hương Sơn (H.Hương Sơn, xả lũ lúc 9 giờ) đã khiến một số vùng thấp của 3 huyện trên bị ngập cục bộ, giao thông bị chia cắt ở nhiều nơi.

Tính đến 18 giờ ngày 20.9, ở H.Vũ Quang có 220 hộ dân (ở các xã Hương Điền, Hương Quang, Hương Thọ, Đức Lĩnh, Đức Bồng) và H.Hương Sơn có 70 hộ dân (ở hai xã Sơn Phúc, Sơn Thủy) đang bị cô lập.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn